|
Quảng Ninh - một trong 5 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. |
''Một điều làm chúng ta day dứt là từ khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm phía Bắc được phê duyệt (năm 1997) đến nay, đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhiều chủ trương được đưa ra nhưng kết quả thu được còn thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra''. Thủ tướng Phan Văn Khải đã bày tỏ như vậy tại Hội nghị vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khai mạc sáng 14/7 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Ngoài 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên và Hải Dương, Chính phủ còn mời thêm 3 tỉnh có mối liên hệ gắn bó trong khu vực là Hà Tây, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc cùng dự.
Chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện còn yếu kém
Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng hướng phát triển của khu vực này trong thời gian qua nghiêng nặng về công nghiệp hoá (tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 90% GDP), trong khi nội dung hiện đại hoá hầu như chưa làm được nhiều. Thủ tướng nêu lên một loạt dẫn chứng: ''Trong công nghiệp, sử dụng công nghệ trung bình là phổ biến, tốc độ đổi mới công nghệ chậm, mới được khoảng 10%, các ngành công nghệ cao, hiện đại như điện tử, tin học chiếm 3-4% giá trị sản xuất công nghiệp. Các loại dịch vụ hàm lượng trí tuệ cao còn rất ít. Trình độ khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản thấp. Phương pháp quản lý cả vĩ mô lẫn vi mô vẫn theo nếp cũ, chưa theo kịp sự phát triển''.
Đi sâu phân tích những mặt yếu kém, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đình Khiển chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu.
Một là, công tác quy hoạch chậm được đổi mới, quản lý Nhà nước về công tác này còn yếu. Nhìn chung, tầm nhìn của quy hoạch còn ngắn, các quy hoạch ngành và địa phương chưa gắn kết với nhau.
Hai là, cơ cấu kinh tế chậm được cải thiện, nặng về cơ cấu truyền thống, chưa đẩy nhanh hiện đại hoá, công nghiệp công nghệ cao chưa được coi trọng và phụ thuộc nước ngoài...
Ba là, việc vận dụng cơ chế chính sách chưa đem lại hiệu quả cao: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút không nhiều, đang chiếm từ 37,3% so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào năm 1995 đã giảm chỉ còn 14% năm năm sau đó.
Bốn là, đầu tư chưa tạo được tiềm lực cho phát triển lâu dài và chưa hình thành được các khâu đột phá, vốn FDI dành cho nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 1,2%, công nghiệp 30,5% còn lại 68,3% tập trung lớn vào xây dựng văn phòng, căn hộ, khách sạn, nhà hàng, hạ tầng khu công nghiệp và đô thị, giao thông, bưu điện. Hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thấp, tỷ lệ vốn của dân đầu tư cho phát triển sản xuất chỉ khoảng 21-22%.
Năm là, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành đã có những cố gắng nhưng còn bộc lộ nhiều yếu kém. Theo ông Khiển, ''Các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ còn thiếu sự phân công hợp tác nên nhiều trường hợp do các địa phương không tính hết yếu tố thị trường và hiệu quả chung dẫn đến đầu tư trùng lặp, gây lãng phí và giảm sức cạnh tranh của vùng''.
Thành lập Ban điều phối quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm?
Theo dự kiến của các tỉnh, tốc độ tăng GDP của vùng đạt khoảng 10,3% trong giai đoạn đến năm 2005, nhưng theo ước tính trong giai đoạn 2001-2003, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 9% (bằng 83% so với mức dự kiến). Vì vậy, để hoàn thành chỉ tiêu, trong 2 năm còn lại, ít nhất vùng phải có tốc độ tăng GDP 11-12%. |
Thủ tướng Phan Văn Khải gợi mở: có nên hình thành một tổ chức làm nhiệm vụ đôn đốc, điều hoà, phối hợp thực hiện các chủ trương của cả vùng? Thứ trưởng Trần Đình Khiển thì đề nghị Chính phủ thành lập Ban điều phối quy hoạch của các vùng kinh tế trọng điểm do một đồng chí Phó Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp. Thủ tướng Phan Văn Khải lưu ý, ''Tổ chức này không phải là một cấp quản lý, không ra quyết định hành chính nhưng phải có bộ máy gọn nhẹ, làm việc thường xuyên nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp để kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo các địa phương''.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, các tỉnh động lực phía Bắc cần rà soát lại quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát để quy hoạch thật sự đem lại hiệu quả cao.
Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh yêu cầu gấp rút tiến hành quy hoạch lại sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp nông thôn trên địa bàn theo hướng hiện đại hoá, đồng thời đặt lại sự phân công, hợp tác phát triển công nghiệp giữa các vùng, giữa các tỉnh trong vùng nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương và cả vùng. Theo Thủ tướng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải gấp rút xây dựng các ngành công nghiệp hỗ trợ mà vùng có lợi thế cạnh tranh, giảm thua thiệt trong hội nhập kinh tế quốc tế.
(Theo Tuổi Trẻ)
|