|
Đóng cửa các nhà máy đường sẽ liên quan đến đời sống của hàng trăm công nhân. |
''Phải kiên quyết đóng cửa các nhà máy đường ở vùng không đủ điều kiện sinh thái trồng mía. Nhà máy đặt sai chỗ thì phải đóng cửa. Đau lòng đấy nhưng sẽ còn đau hơn rất nhiều nếu sản xuất cầm chừng, thua lỗ kéo dài, nợ nần chồng chất''. Ông Thái Nghĩa, nguyên Phó tổng giám đốc Liên hiệp Mía đường 2 (nay là Tổng công ty Mía đường 2), đã ''bức xúc, trăn trở'' như vậy trước thực trạng hiện nay của ngành mía đường.
- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng nên đóng cửa các nhà máy đường công suất nhỏ (dưới 1.500 tấn mía/ngày), kém hiệu quả, tập trung cho các nhà máy lớn?
- Trong sản xuất công nghiệp, quy mô càng lớn thì giá thành càng thấp. Ở Cuba, bình quân quy mô của mỗi nhà máy là 4.000 tấn mía/ngày, Brazil, Mexico 5.000, Thái Lan 12.000, Australia 10.000 tấn.
Mặt khác, thời gian chế biến càng dài, giá thành càng thấp. Do vậy, cần kéo dài thời gian hoạt động bằng cách kéo dài thời gian cung cấp mía khi điều kiện sinh thái cho phép. Hoặc kết hợp trong vụ sản xuất đường, sau vụ tinh luyện đường, kết hợp giữa sản xuất đường và các sản phẩm phụ. Khi phát triển nhà máy lớn phải đi kèm vùng nguyên liệu quy mô. Thế nhưng ngay các nước phát triển có trình độ cơ giới hóa và hóa học hóa cao cũng đang thầm lặng áp dụng chế độ sản xuất bền vững không gây ô nhiễm.
''Việt Nam coi đường là một mặt hàng nhạy cảm, có thể trì hoãn, nhưng một ngày nào đó cũng phải mở cửa, dỡ bỏ hàng rào bảo hộ. Hiện mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu đã được giảm thuế từ 50% xuống còn 20%, khiến lượng đường tiêu thụ trong nước giảm đáng kể. Xu thế sử dụng đường có năng lượng cao như đường mía, đường củ cải đã và đang giảm ở các nước phát triển. Hiện hơn 20 nước đang phát triển xirô bắp ngọt, thay thế đường mía, củ cải. Hàng loạt chất ngọt không năng lượng hoặc có giá rẻ cũng đang được phát triển. Đó cũng là những đối thủ cạnh tranh của đường''. |
- Vì sao có tình trạng nhà máy đói mía, trong khi nơi nào cũng trồng được mía?
- Ở Việt Nam, nơi nào cũng trồng được mía, nhưng không phải nơi nào cũng có thể xây dựng vùng nguyên liệu mía, nuôi sống được các nhà máy đường hiện đại. Trong văn bản, kế hoạch, quy hoạch đều đề cập đầy đủ mục tiêu năng suất, chất lượng mía, tiến độ thay đổi giống mới, thủy lợi hóa, tiến độ cung cấp nguyên liệu đều đạt mức cao... Tuy nhiên, khi triển khai, chẳng hiểu sao vấn đề nguyên liệu lại không được quan tâm.
- Vậy có thể giải quyết vấn đề đó bằng cách nào?
- Thứ nhất, phải điều tra xem trực tiếp, cụ thể từng nhà máy cũng như vùng nguyên liệu, tìm nguyên nhân thua lỗ và thất thoát nếu có.
Thứ hai, kiên quyết đóng cửa các nhà máy ở vùng không đủ điều kiện sinh thái trồng mía. Nhà máy đặt sai chỗ thì phải đóng cửa. Đau lòng đấy nhưng sẽ còn đau hơn rất nhiều nếu sản xuất cầm chừng, thua lỗ kéo dài, nợ nần chồng chất.
Thứ ba, khai thác tối đa và trước tiên những vùng có điều kiện. Nơi nào cũng có thể trồng mía nhưng phải đầu tư mới khai thác được thế mạnh và khắc phục điểm chưa mạnh.
Thứ tư, phát huy công suất luyện đường của hai nhà máy Biên Hòa và Khánh Hội. Trung Quốc tuy giảm nhà máy đường nhưng đã phát huy hết công suất các nhà máy đường tinh luyện bằng cách tranh thủ nhập đường thô giá rẻ.
Thứ năm, về nông nghiệp, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, tiến hành hiện đại hóa nghề trồng mía.
Thứ sáu, tạo điều kiện lành mạnh hóa về tài chính cho các nhà máy đường, sớm cổ phần hóa, ưu tiên cho nông dân mua cổ phần.
- Chương trình kết hợp ''bốn nhà'' có đóng góp gì cho quá trình vực dậy ngành mía đường?
- Đặc điểm kỹ thuật và kinh tế xã hội của ngành mía đường đòi hỏi phải xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà máy và người sản xuất mía. Tuy nhiên, sự hợp tác này cũng còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Phải nhìn nhận rằng, đường là thực phẩm nhạy cảm trong an ninh thực phẩm. Các chính phủ đều nắm chặt chỉ đạo và định hướng chặt chẽ. Do vậy, mọi liên kết đều phải đặt dưới sự chỉ đạo, định hướng của Nhà nước, bao gồm các bộ, ngành kế hoạch, khoa học, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng.
(Theo Tuổi Trẻ)
|