Cần thông tin dự báo chính xác để bình ổn thị trường
13:42' 10/07/2003 (GMT+7)

Sốt xăng dầu có phần do quản lý thị trường yếu kém.

(VietNamNet) -  Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá, chất lượng thông tin dự báo yếu kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến biến động thị trường tai hại nửa đầu năm 2003. Theo ông, ''cần ra quyết định khi biến động chưa xảy ra nhưng biết chắc là nó sẽ xảy ra''. Để đáp ứng yêu cầu này, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã được thành lập.

Quyết định đưa ra vì ''cảm thấy thế''!

Theo đánh giá của Bộ Thương mại, hầu hết các mặt hàng quan trọng (9 mặt hàng) đều có biến động lớn trong nửa đầu năm 2003. Nguyên nhân chính của những bất ổn này, theo ông Phan Thế Ruệ, là việc theo dõi thị trường lỏng lẻo, chủ quan khi quan hệ cung - cầu bình lặng nên không dự đoán được khi thị trường chuyển hướng. Đây chính là điểm yếu cần khắc phục nhất theo lời Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển.  

Tổ Điều hành thị trường trong nước được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ chính của Tổ điều hành là giúp Chính phủ có các quyết sách điều hành đúng đắn với các mặt hàng trọng yếu. Hàng tháng Tổ này sẽ tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình thị trường, giá cả các mặt hàng và đề xuất với Chính phủ các giải pháp đảm bảo cung cầu, bình ổn giá cả ở mức hợp lý. Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước là Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ.

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Thương mại, nêu lên 3 yếu kém của công tác dự báo: chậm, thiếu cơ sở khoa học, thiếu chính xác. Không ít quyết định được đưa ra vì ''cảm thấy thế'' chứ không dựa trên số liệu thực tế.

Nhận định này được ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, minh chứng: Ngay từ tháng 3, Hiệp hội đã khuyến cáo không nên nhập dự trữ phân bón nhưng chẳng cơ quan nào để ý và hậu quả là các nhà nhập khẩu phải ''oằn lưng'' gánh số lỗ hơn 100 tỷ đồng mà nông dân vẫn phải mua giá cao.

Ngành thép cũng ''thấm thía'' bài học này. Trong 6 tháng đầu năm, thép hết rơi vào ''sốt nóng'' lại đến ''sốt lạnh'': đầu tháng 4, giá thép lên đến đỉnh điểm nhưng ngay lập tức sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 5.

Do không dự báo được biến động giá phôi thép trên thị trường thế giới nên nhiều công ty cán thép đã ký hợp đồng nhập khẩu một lượng lớn phôi tại thời điểm giá cao và gặp nhiều khó khăn khi phôi rớt giá. Hiện tồn phôi giá cao của các công ty thuộc Hiệp hội lên tới hơn 300.000 tấn (với giá 280-290 USD/tấn) trong khi giá phôi hiện tại chỉ khoảng 240-245USD/tấn. Đại diện Hiệp hội Thép khẩn thiết: "Công tác dự báo thị trường còn quá yếu kém nên cần đầu tư ngay lập tức một cơ quan dự báo cung - cầu, giá cả để định hướng giúp DN''.

Hậu quả của những biến động giá trên đến nay các DN vẫn chưa khắc phục được. Các mặt hàng như: phân bón, sắt thép, xăng dầu... tuy đã đi vào bình ổn nhưng chưa chắc chắn, nhiều DN vẫn bán sản phẩm với giá cạnh tranh tương đối thấp. Lấy ví dụ: Thép xây dựng 5.000-5.800 đồng/kg; phân Urê 2.700-2.900 đồng/kg... Riêng mặt hàng mía đường, dù đã có nhiều chính sách được đưa ra như tạm trữ, xuất khẩu để nâng giá nhưng không có hiệu quả, đường vẫn rớt giá thê thảm: đường RS 3.900-4.000 đồng/kg; đường RE 4.0000-4.200 đồng/kg.

Cần thay đổi cơ chế điều hành

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định: ''Các DN luôn chịu tác động của giá cả bên ngoài, trong khi đó vào những thời điểm nóng, cơ quan quản lý nhà nước lại ra quyết định chậm nên hiệu quả rất thấp. Quan trọng là cần ra quyết định khi sự việc chưa xảy ra nhưng biết chắc nó sẽ xảy ra.'' Theo ông, cần có thay đổi lớn trong các chính sách điều hành thị trường hiện nay.

Ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, rất đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, nhiều  năm nay mặt hàng xăng dầu luôn ở trong tình trạng kinh doanh không bình đẳng, chụp giật, gian lận, buôn lậu... Một trong những nguyên nhân là cơ chế quản lý bất hợp lý và chậm đổi mới. Ông lấy ví dụ: Khi xảy ra ''sốt'' xăng dầu ở địa bàn nhạy cảm như Hà Nội hay Tây Nguyên, nhà nước đã không sử dụng đến nguồn dự trữ quốc gia để bình ổn giá cả, hay ít nhất là bình ổn tâm lý người tiêu dùng, ''dự trữ quốc gia phải được xem như một công cụ điều tiết thị trường hiệu quả'' - ông Đức nói. 

Ngoài ra, phải thay đổi cơ chế điều hành giá trần, giá thuế, không thể để mặc các DN hoạt động ''công ích'' mãi mà không nghĩ đến doanh ích. Ông rất bức xúc trước việc nhiều mặt hàng như mazut hay dầu diesel công ty vẫn phải kinh doanh dù biết chắc là lỗ. Ông cũng đề xuất không nên lưu hành nhiều loại xăng (4 loại: 83, 90, 92, 95) như hiện nay để tránh việc buôn bán gian lận.

Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đưa ra đề xuất khác: Chính phủ lập cơ chế giao hạn ngạch sản xuất và tiêu dùng đường trong nước cho từng nhà máy, nơi nào sản xuất nhiều hơn mức quy định phải xuất khẩu hết ''phần thừa''.

Thị trường sẽ ''lặng sóng''?

Dự đoán thị trường 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Thương mại Phan Thế Ruệ - Phụ trách Tổ điều hành thị trường trong nước, cho rằng còn nhiều bất ổn khó lường đối với các mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, dược phẩm... Theo ông Ruệ, việc cắt giảm thuế theo AFTA từ ngày 1/7 là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ cung - cầu và giá cả nhiều mặt hàng. Song, việc thị trường phản ứng như thế nào lại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các DN nên việc dự đoán không đơn giản. Tuy vậy, ông tin rằng 6 tháng cuối năm thị trường sẽ ''lặng sóng'' hơn..

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, tình hình trong nước những tháng tới ít có biến động vì hành trình cắt giảm thuế để hàng hoá ASEAN vào Việt Nam phải cần có thời gian và bản thân các DN đã ít nhiều có sự chuẩn bị. Nhưng nhiều khả năng giá sẽ giảm mạnh vào những tháng cuối, tập trung vào hàng điện tử, điện lạnh, phương tiện vận tải, các loại sản phẩm đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm...

Bộ Thương mại dự báo, các nguồn hàng huy động cho XK 6 tháng cuối năm như gạo, cà phê, thuỷ sản... sẽ thuận lợi hơn. Một số mặt hàng được dự báo sẽ có thể có biến động mạnh trong 6 tháng cuối năm là xăng dầu, xi măng, phân bón, nguyên phụ liệu da giày.

Còn theo dự báo của Ban Vật giá Chính phủ, 6 tháng cuối năm các mặt hàng trọng yếu tương đối ổn định. Giá bán xăng dầu ổn định và có xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung về dầu của thế giới tăng. Hiện giá bán xăng dầu của Việt Nam đã ngang với giá bán của các nước trong khu vực song Việt Nam cần ổn định thuế nhập khẩu để tránh biến động. Giá thép sẽ dao động quanh mức 6.000 đồng/kg. Xi măng cũng giảm do thuế nhập khẩu giảm 20% (tham gia AFTA), sẽ dao động ở mức 850-900 đồng/kg.

  • Quang Dũng
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhiều hợp đồng tiêu thụ nông sản bị phá vỡ (10/07/2003)
Công ty nhập khẩu gạo lớn nhất Indonesia ngừng ký hợp đồng (10/07/2003)
Đầu tư nước ngoài vào Anh vẫn khả quan (10/07/2003)
Phân hạn ngạch dệt may cho DN dùng nguyên liệu trong nước (10/07/2003)
Gas giả: ngày càng tinh vi và phức tạp (10/07/2003)
Đoàn DN lữ hành hàng đầu Châu Âu đến Việt Nam (10/07/2003)
Tiểu thương di dời đến 3 chợ đầu mối được thuê 50 năm (09/07/2003)
Đà Nẵng lần đầu tiên đấu giá đất quy hoạch (09/07/2003)
Cao su lãi 6 tháng bằng cả năm (09/07/2003)
Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm (09/07/2003)
Hơn 400 DN tham dự Hội chợ Thương mại Việt-Trung 2003 (09/07/2003)
DN tiếp tục bán ngoại tệ cho ngân hàng (09/07/2003)
Hãng hàng không Thái sẽ tư nhân hoá (09/07/2003)
Sẽ kiểm tra khoảng 100 cây xăng ở TP.HCM (09/07/2003)
Dầu nhớt Vilube đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản (09/07/2003)
Tro ve dau trang