Hạn chế tự phát nuôi cá tra, cá basa
18:10' 27/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ Thuỷ sản phối hợp cùng Hiệp hội Chế biến và thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị bàn biện pháp ổn định sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa tại TP.HCM sáng nay (27/6). Đại diện nhiều tỉnh ĐBSCL và DN chế biến thuỷ sản đã nhất trí với đề xuất của Bộ Thuỷ sản trong vấn đề quy hoạch vùng nuôi, tập trung nâng cao chất lượng, hạn chế tối đa việc dư thừa nguyên liệu cá tra, cá basa.

Để thực hiện việc quản lý sản lượng nuôi cá theo kế hoạch thống nhất, Bộ Thuỷ sản đã đề xuất một số biện pháp để DN thảo luận, như quy hoạch vùng nuôi cá theo hướng tập trung; quy hoạch lại khu vực neo đậu bè theo từng cụm có độ dãn cách hợp lý; quy hoạch vùng nuôi cá tra ao hầm, hạn chế diện tích nuôi cá tra ao hầm, khuyến khích người dân chuyển các diện tích còn lại sang nuôi những đối tượng khác như cá rô phi, diêu hồng, cá lóc...; đề nghị sở, ban ngành liên quan có quy định về việc đặt bè, đánh số quản lý bè cho phù hợp với điều kiện từng địa phương. Thực hiện việc cấp đăng ký nuôi cá da trơn cho các hộ và cá nhân nuôi, đáp ứng tiêu chuẩn ngành...

Năm 2003, dự kiến khả năng xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa đông lạnh sang Mỹ giảm xuống còn 50% so với năm 2002, tức khoảng 10.000 tấn; trong khi đó, nỗ lực xuất sang cá nước khác khoảng 25.000 tấn, tăng 25%, đưa tổng số sản phẩm xuất khẩu là 35.000 tấn. Với 115.000 tấn nguyên liệu, cộng với số tiêu thụ nội địa và tỷ lệ hao hụt (khoảng 27%), tổng sản lượng cá tra, basa nuôi trong năm nay là 160.000 tấn.

Dự kiến trong năm 2004, lượng sản phẩm cá tra, basa đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ chỉ bằng mức năm 2003, tức 10.000 tấn.

Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, và Hiệp hội nuôi trồng thuỷ sản An Giang, việc quy hoạch hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện cơ chế phân phối nguồn nguyên liệu phù hợp với năng lực chế biến, tập trung vào chất lượng sản phẩm. "Trong thời gian tiếp theo, mức xuất khẩu có thể giữ nguyên sản lượng mà không cần tăng thêm, thậm chí có thể giảm xuống nhưng cần nâng cao chất lượng. Nếu có sản phẩm tốt, giá hợp lý thì thị trường diễn biến phức tạp thế nào, DN cũng có thể vượt qua được", đại diện tỉnh An Giang nhấn mạnh. 

Đề xuất khác

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc cho rằng, có bốn vấn đề đạt ra cho các DN: cần tìm biện pháp duy trì xuất khẩu cá sang thị trường Mỹ; tìm kiếm thị trường mới cho cá tra, cá basa; tăng cường tiêu dùng nội địa và cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước. 

Chiến lược mở rộng, tìm kiếm thị trường mới được các DN đặc biệt quan tâm. Trước hết, tiếp tục xuất sang châu Á, tìm kiếm khách hàng Mỹ để xuất sản phẩm từ cá da trơn ngoài phi lê đông lạnh, xúc tiến mở rộng sang EU, Mexico, Australia, Canada..., tuyên truyền tăng mức tiêu thụ nội địa đặc biệt, ở các TP và KCN. 

Về cơ chế giá, Bộ Thuỷ sản đề xuất việc thống nhất giá sàn thu mua nguyên liệu và giá sàn xuất khẩu, trong đó, VASEP là đầu mối để thống nhất mức giá này. Nhiều DN cho rằng, giá sàn sẽ giúp DN cùng phát triển trong một sân chơi chung. Tuy nhiêm, họ mong muốn mức giá này là tương đối và thay đổi trong từng thời gian, điều kiện cụ thể.

Đại diện các tỉnh ĐBSCL, hội nuôi trồng thuỷ sản, DN chế biến xuất khẩu thuỷ sản sẽ tiếp tục xây dựng ý kiến về những kiến nghị của Bộ Thuỷ sản, như Nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay cho DN mua cá chế biến ở thời gian dự trữ hàng; áp dụng thí điểm việc giao sản lượng nuôi cá cho từng địa phương; áp dụng chế tài trong việc xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Gần đây, một số báo đưa ý kiến, sở dĩ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế cao với sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là do DN Việt Nam đã theo đuổi vụ kiện. Song, ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng Thư ký VASEP, lý giải, nếu không tham gia, DN Việt Nam sẽ bị các cơ quan hữu quan của Mỹ kết luận là không hợp tác. Như vậy, phía Việt Nam có thể phải chịu mức thuế 191,4% như đề xuất của bên khởi kiện. 

Tiến trình tiếp theo sau quyết định của DOC: 1/7 hết hạn nộp luận cứ pháp lý và thông tin mới; 15/7 các bên đưa ra bình luận. 18/7 Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu USITC kết luận việc xuất khẩu sản phẩm cá tra, cá basa filê đông lạnh của DN Việt Nam gây thiệt hại, hoặc đe doạ gây thiệt hại với công nghiệp cá catfish của Mỹ thì lệnh áp thuế chống phá giá sẽ có hiệu lực từ 25/7.

  • Diệu Thuý
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nguyên liệu hạt nhựa lại tăng giá (27/06/2003)
Các nhà tài trợ bổ sung hơn 133 triệu USD cho Việt Nam (27/06/2003)
Chuẩn bị đấu thầu dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (27/06/2003)
Thay đổi cơ quan đăng cai Hội nghị thường niên AFPI (27/06/2003)
''Tăng thu đồng thời với giảm chi phí, thất thoát'' (27/06/2003)
Giao dịch nhà đất ở TP.HCM giảm mạnh (27/06/2003)
Thiếu nghiêm trọng nhân công ngành điều (27/06/2003)
Xe máy khuyến mãi, giảm giá vẫn… ế! (27/06/2003)
Trên 21.000 tỷ đồng được cam kết đầu tư vào Thanh Hóa (26/06/2003)
DN được hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (26/06/2003)
''Chưa biết bao giờ cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trở lại'' (26/06/2003)
''Loạn'' thu hút đầu tư (26/06/2003)
Bộ Thủy sản công nhận đó là cá chim trắng (26/06/2003)
Quy mô dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng (26/06/2003)
Cước truy cập Internet tốc độ cao ADSL không quá 1 triệu đồng/tháng (26/06/2003)
Tro ve dau trang