|
Cá chim trắng. |
(VietNamNet) - Cá chim trắng hay Piranhas? Các chuyên gia bước đầu nhận định đây là cá chim trắng sau khi khảo sát loài cá này tại Nam Cát Tiên (Đồng Nai), ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng môi trường và nguồn lợi thuỷ sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2), cho biết như vậy. Toàn bộ hồ sơ giám định đã được gửi ra Bộ Thuỷ sản, và dự kiến 5h chiều nay (26/6), Bộ Thuỷ sản sẽ thông báo chính thức đó có thực sự là cá chim trắng hay không.
Về hình dáng bên ngoài, cá chim trắng và cá Piranhas gần giống nhau, rất khó phân biệt, ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng Phòng Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản (Cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản - Bộ Thuỷ sản), cho biết.
Nhưng nếu quan sát kỹ thì đó là hai loài hoàn toàn khác. Cá Piranhas có thân hình cao hơn, miệng rộng, răng sắc nhọn, trong khi cá chim trắng miệng, răng hình răng cưa, dạng bằng, không hung dữ như Piranhas. Con cá này sống hoang dã, thành đàn ở sông Amazon, hung dữ, tấn công động vật khác và cả con người. Riêng cá chim trắng đã và đang được nuôi ở một số nước Đông Nam Á, như Trung Quốc, Thái Lan và hiện nay là Việt Nam.
Cá chim trắng không thể sinh sản tự nhiên, mà phải sinh sản nhân tạo. Cho đến nay, ngành thuỷ sản vẫn chưa xác định được, nếu thoát ra ngoài, chúng sinh sản tự nhiên được hay không? Song, theo ông Hồng, nếu thoát ra môi trường bên ngoài, chúng vẫn là nguồn cá dữ. Nếu được nuôi trong môi trường thức ăn dồi dào thì không sao, nếu không, chúng có thể sát hại đến loài cá nhỏ khác. Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, chỉ nên dừng lại nuôi thử nghiệm cá chim trắng ở một nơi và kiểm soát nghiêm ngặt, gắt gao. Đồng thời, ngành chủ quản cần xem xét thấu đáo có nên tiếp tục cho nuôi loài cá này nữa hay không.
Về việc phát hành tờ rơi tại khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên, với mục đích cảnh báo về loài cá nguy hiểm, là có chủ ý tốt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hồng, trước khi phát hành, cần có ý kiến của cơ quan chủ quản là Bộ Thuỷ sản và được phép của Bộ VH-TT, nếu không, việc làm đó sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Nhìn cá nhớ... ốc
Các quan chức, nhà khoa học thuộc Bộ Thuỷ sản khẳng định rằng, đến thời điểm này, cá chim trắng vẫn chỉ được nhập về để nuôi thử nghiệm, chưa được phép phát tán nuôi đại trà trong dân. Bộ Thuỷ sản cũng chưa có đầy đủ cơ sở khoa học để khẳng định có nên nuôi loại cá này hay không?
Theo nguyên tắc, trước khi khuyến cáo người dân nuôi đại trà bất cứ vật nuôi mới nào, cũng cần phải nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ lưỡng và kiểm soát rất chặt chẽ. Trong đó, quan trọng nhất là xem con vật đó có mang những mầm bệnh nguy hiểm hay không, ảnh hưởng như thế nào tới môi trường tự nhiên, nên phát triển chúng ở quy mô nào là hợp lý, vùng nào được phép nuôi...? Đó là với loài thuỷ sản thông thường, riêng với cá "nhạy cảm" như cá chim trắng lại càng đòi hỏi phải gắt gao hơn, như một nhà khoa học nói là "phải khảo nghiệm ít nhất 3-4 năm mới có thể kết luận". Thế nhưng, trên thực tế, loài cá này lại... được nhập và phát tán khá thoải mái.
Từ năm 2000 đến nay, phong trào nhập cá giống về bán đã thật sự bước vào cao điểm: chỉ tính riêng trong năm 2002, ước tính, có khoảng 40 triệu con cá chim trắng giống được chuyển từ các tỉnh phía bắc và nam, và từ đầu năm đến nay, con số này là khoảng 100 triệu. Hiện nay, nông dân từ mũi Cà Mau, An Giang, Kiên Giang... cho đến Quảng Ninh, Sơn La... đang nuôi cá chim trắng, có hộ thả đến hàng chục hecta. Hàng trăm trại sản xuất giống trong cả nước vẫn đang tiếp tục nhập và sản xuất hàng loạt các giống chim trắng để bán cho nông dân.
Từ nhiều tháng nay, dù đã có nhiều nhà khoa học, người nuôi cá chuyên nghiệp lên tiếng nghi ngờ cá chim trắng chính là cá hổ, song Bộ Thuỷ sản vẫn yên lặng! Mãi đến khi một số chuyên gia Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nam) đưa khuyến cáo đến từng nhà dân thì Bộ Thuỷ sản mới chỉ đạo lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm.
Bài học về con ốc bươu vàng, chuột hải ly... vẫn còn đang nóng hổi!.
(Theo Tuổi Trẻ) |
|