|
Người đi xe máy bị buộc phải mua cả phần bảo hiểm tự nguyện. |
Đó là kết luận của Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài chính chủ trì sau hơn 10 ngày kiểm tra thực tế tại 6 DN bảo hiểm đang kinh doanh loại hình bảo hiểm (BH) bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản phê bình, khiển trách tất cả các DN kinh doanh loại hình BH bắt buộc chủ xe cơ giới và yêu cầu các DN xử lý kỷ luật những cá nhân vi phạm.
Sau khi nhiều người dân và các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng về những hành vi nhập nhèm trong kinh doanh loại hình BH bắt buộc chủ xe cơ giới, Bộ Tài chính đã lập đoàn kiểm tra bao gồm một số bộ, ngành chức năng như Bộ Công an, Bộ GT-VT, Bộ Tư pháp, UB An toàn giao thông quốc gia, Hiệp hội BH Việt Nam. Đoàn kiểm tra đã đi thực tế tại các DN bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh, Pjico (Công ty Bảo hiểm xăng dầu), Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, Bảo Long, Công ty Bảo hiểm dầu khí... với mục tiêu chấn chỉnh hoạt động kinh doanh loại hình BH này.
Những vi phạm mà đoàn kiểm tra phát hiện được không nằm ngoài những gì mà các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân đã phản ánh. Theo một thành viên trong đoàn kiểm tra, ngoài sự mập mờ, nhập nhèm để đánh đồng giữa các loại hình BH bắt buộc và BH tự nguyện, các DN bảo hiểm còn có lỗi đã triển khai loại hình BH bắt buộc này một cách vội vàng. Do đó, một bộ phận nhân dân trong thời gian qua đã hiểu sai chủ trương đúng đắn của Nhà nước.
Ngay sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra, Bộ Tài chính đã có văn bản phê bình, khiển trách tất cả các DN kinh doanh loại hình BH bắt buộc chủ xe cơ giới. Bộ cũng yêu cầu các DN vi phạm phải có hình thức xử lý kỷ luật đối với những cá nhân trong nội bộ có liên quan đến các vi phạm...
Sau đợt kiểm tra, các cơ quan còn phát hiện nhiều bất cập trong việc sử dụng khoản phí thu được từ loại hình BH bắt buộc này vào việc xây dựng các công trình an toàn giao thông, hạn chế tai nạn như rào chắn, đường lánh nạn, biển báo, tường phòng vệ... Trong vòng 3 năm trở lại đây, hầu như không có thêm một công trình an toàn giao thông mới nào được xây dựng. Trong khi đó, khoản tiền dành cho việc này vẫn được trích lập nhưng lại được sử dụng vào những việc ''không chính đáng''. Chẳng hạn, một số DN bảo hiểm đã dùng khoản tiền này để chi cho những người có thẩm quyền quyết định hay có khả năng tác động tới các đội xe trong việc tiếp tục mua hoặc chuyển sang mua mới BH bắt buộc chủ xe cơ giới của DN. Đây được xem là một kiểu cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh BH.
Một đề xuất đang được nhiều người nhắc tới là, ngoài việc quy định một tỷ lệ trích phí BH bắt buộc chủ xe cơ giới thu được vào việc xây dựng các công trình an toàn giao thông, Bộ Tài chính cần chỉ định một đầu mối độc lập đứng ra đảm nhiệm việc sử dụng số tiền này sao cho đúng mục đích, yêu cầu.
(Theo Đầu Tư)
|