|
Rừng nguyên liệu tại Sa Pa. |
(VietNamNet) - Tin từ Cục Phát triển lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho thấy, mặc dù đã có chiến lược phát triển lâm nghiệp đến 2010 và quy hoạch xây dựng phát triển rừng cho từng vùng, song ngành lâm nghiệp vẫn thiếu một cơ cấu cây trồng tối ưu. Hiện có quá nhiều loài cây trồng, phục vụ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nhưng rất nghèo nàn đối với cây trồng có giá trị kinh tế lớn.
Hiện nay, nhiều loài cây đòi hỏi đất tốt, trong khi đất trồng rừng thường xấu, nghèo kiệt; nhiều loài chưa nắm được kỹ thuật gây trồng, nguồn giống thiếu, năng suất thấp. Những loại cây bản địa lại chưa được nghiên cứu đầy đủ, vì vậy, gặp khó trong chuyển giao, phổ cập.
Theo Cục Phát triển lâm nghiệp, số lượng giống, số lượng dòng mới chọn tạo có năng suất cao đưa ra sản xuất còn ít cả về số loài và đầu dòng, tập trung ở những loài cây sinh trưởng nhanh, chu kỳ kinh doanh ngắn như bạch đàn, keo. Chúng ta mới đảm bảo 50% giống có chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng cho trồng rừng nói chung và 70% cho trồng rừng sản xuất. Nếu tăng khối lượng trồng rừng hàng năm lên 300.000ha theo kế hoạch thì tỷ lệ giống có năng suất cao, chất lượng tốt còn thấp hơn nhiều. Trong khi năng suất rừng trồng do giống đem lại tại các quốc gia khác là 30 m3/ha/năm, thậm chí 50 m3/ha/năm, thì Việt Nam mới đang chập chững phấn đấu đạt 15-25 m3/ha/năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thiết lập được mạng lưới giống lâm nghiệp từ Trung ương xuống địa phương để liên kết, khâu nối các nhà nghiên cứu, sản xuất, cung ứng và sử dụng giống; chậm hình thành hệ thống tổ chức nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp phù hợp nền kinh tế hàng hoá, tiến tới xuất khẩu; chưa hình thành hệ thống kiểm định, kiểm nghiệm, cấp chứng chỉ giống, nhãn giống; một số giống mới rất có triển vọng chưa được chuyển giao kịp thời xuống các cơ sở sản xuất giống.
Chỉ tính riêng trong ngành giấy, theo số liệu điều tra, hiện có khoảng 870.000ha rừng trồng sản xuất và 3,1 triệu ha đất có khả năng trồng rừng đủ điều kiện để phát triển ngành công nghiệp giấy và ván nhân tạo. Nhưng trên thực tế, vùng nguyên liệu giấy vẫn có năng suất, chất lượng thấp, hầu hết năng suất bình quân chỉ đạt 40-45m3/ha. Đó là do đất đồi núi không tập trung, địa bàn khó khăn, thường ở vùng sâu và xa..., dân trí thấp. Trồng rừng nguyên liệu giấy lại có chu kỳ kinh doanh dài, rủi ro lớn. Việc quy hoạch đất trồng rừng nguyên liệu giấy thường có sau khi đã quy hoạch các cây nông công, nghiệp khác.
Tại Tổng công ty Giấy Việt Nam, rừng trồng nguyên liệu hiện chiếm tỷ lệ đáng kể trong chương trình phát trển rừng toàn quốc. Đến 2010, tổng công ty phải trồng trên 600.000ha rừng, chiếm 60% tổng diện tích rừng sản xuất cả nước, góp phần đáng kể vào độ che phủ của rừng. Để đạt được mục tiêu trên, cần ưu tiên hàng đầu cho công tác cải thiện giống, tập trung nghiên cứu, tuyển chọn loại và xuất xứ thích hợp cho từng vùng. Trên cơ sở đó, lai tạo để tìm kiếm giống tốt nhất. Các loài cây chính cần nghiên cứu là thông bản địa các loại, thông nhập ngoại, bạch đàn, keo các loại, luồng và các loài tre diễn địa phương. Nghiên cứu nhập những giống cây có hàm lượng bột cao, chất lượng tốt trên cơ sở điều kiện tự nhiên tương đồng với Việt Nam.
Thời gian tới, Cục Phát triển lâm nghiệp cho biết, sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ giống tốt, giống có chất lượng từ 60 lên 80% cho trồng rừng nói chung, và 100% cây mô hom đối với những giống thuộc nhóm cây keo, bạch đàn đã có công nghệ nhân giống mô hom cho chương trình trồng rừng kinh tế (1,8 triệu ha) đến 2010.
Về nghiên cứu, cần chọn loại cây ưu tiên trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường cho 10-15-20 năm nữa; xây dựng dự án cải thiện, cải tạo giống cho từng loài, gắn với kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, chế biến đồng bộ theo hướng công nghệ cao. Cần đặc biệt chú trọng các loài cây bản địa có triển vọng về giá trị kinh tế cho từng vùng để tập trung nghiên cứu đồng bộ, nhanh chóng đưa ra các giống tốt, hiện rất yếu và thiếu. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai 5 dự án về phát triển giống cây rừng đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, với mức đầu tư gần 47 tỷ đồng; xây mới 4 trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao cho 4 vùng, mang tầm cỡ quốc gia, đặt tại Hà Tây, Quảng Ninh, Bình Định, Đồng Nai.
|