Yêu cầu tăng trưởng GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) trong năm nay phải đạt kế hoạch trên 8% và hai năm tới phải đạt 14-15%/năm, như vậy mới có thể đưa tốc độ tăng trưởng của cả nước đạt trên 10%/năm. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nên các địa phương, các ngành đã bàn nhiều biện pháp để tìm cách thúc đẩy vùng KTTĐPN phát huy hết tiềm năng nhằm đạt kế hoạch đã đề ra.
Tại hội nghị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diễn ra trong hai ngày 20-21/6, Thủ tướng Phan Văn Khải lo lắng: "Tốc độ tăng trưởng của vùng KTTĐ PN có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Nếu vùng này tăng trưởng được 1% thì cả nước tăng 0,3%. Những năm qua, do tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và vùng KTTĐPN không đạt kế hoạch, nên từ nay đến cuối năm phải hết sức cố gắng để đạt mức tăng trưởng toàn vùng trên 8%". Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu, ngay từ bây giờ, các tỉnh phải chủ động xây dựng kế hoạch phát triển trong năm 2004 đạt mức tăng trưởng 14-15%.
Nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong khi những yếu kém trong vùng đang bộc lộ, cần có biện pháp quyết liệt và đồng bộ. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực cho biết, biện pháp hàng đầu là phải tiến hành quy hoạch lại toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm. Ông Trực cho biết, vùng đất nào cần giải phóng mặt bằng thì tính luôn việc tập trung đầu tư dạy nghề cho người lao động trong khu vực đó, đảm bảo tình hình chính trị - xã hội ổn định. Quy hoạch này cũng phải tính đến các nguồn nguyên liệu, môi trường, khai thác khoáng sản.
Ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng, Chính phủ nên có cái nhìn hoàn toàn mới trong quá trình điều chỉnh quy hoạch vùng KTTĐPN theo hướng đặt tính liên kết vùng thật cao, làm rõ lợi thế so sánh và gắn quy hoạch đầu tư với thị trường trong điều kiện hội nhập.
Từ những trình bày của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác có thể hình dung, tới đây, công việc quy hoạch sẽ là quy hoạch toàn bộ tuyến đường bộ, trong đó có các tuyến đường vành đai 4 của TP.HCM nối với các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm và các tỉnh lân cận; quy hoạch tuyến đường sắt cần thiết từ những khu vực tổng kho lớn để vận chuyển hàng hóa tới các cụm cảng nước sâu và cảng biển; quy hoạch cụm cảng số 5 có trọng tải vận chuyển 100 triệu tấn, chiếm 50% trọng tải của cả nước vào năm 2010 và có tính đến kế hoạch di dời cụm cảng của TP.HCM…
Đặc biệt, Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu các cơ quan bộ, ngành tham gia làm quy hoạch, trong đó, giao cho Bộ KH-ĐT chịu trách nhiệm chính, có cái nhìn dài hơi hơn đối với sự phát triển của đất nước. Chú ý đầu tư hệ thống vận tải bánh sắt, bởi nếu lượng hàng hóa vùng ĐBSCL tăng lên trên 10 triệu tấn thì không có tuyến đường bộ nào có thể đảm bảo lưu lượng vận chuyển bằng xe ôtô, và giá thành tăng rất cao.
Đầu tư nhân lực, tránh 2 thế hệ không có việc làm
Một vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm là vấn đề làm thế nào phát huy mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó, đầu tư nguồn nhân lực cần phải được cấp bách đặt ra ngay từ bây giờ. Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến lo ngại, hiện nay, các địa phương chưa chú trọng đến các chỉ tiêu đầu tư phát triển con người về thể lực và trí lực.
Đại diện Bộ LĐ-TBXH tính toán, tại vùng KTTĐPN, khi tiến hành CNH sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, khiến nhiều nông dân không có việc làm. Với cách đào tạo như hiện nay, sẽ có đến 2 thế hệ không có việc làm do không được đào tạo nghề. Bộ này đang cần Chính phủ hỗ trợ 500 tỷ đồng để đầu tư đào tạo nghề cho nông dân vùng bị đô thị hóa.
Yêu cầu tiêu chuẩn hóa lao động là một việc rất bức bách khi chúng ta hội nhập kinh tế khu vực. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, nếu tính cấp độ phát triển của một DN, cần tính đến các yếu tố trình độ công nghệ, năng lực tổ chức quản lý sản xuất, khả năng tiếp thị, lợi thế so sánh, quy mô kinh tế thì tất cả đều cần những con người có trình độ và chuyên môn cao. Do vậy, cần dành một phần ngân sách để dành cho đào tạo nghề, đào tạo có địa chỉ theo từng dự án đầu tư, nếu không, chúng ta có thể thực hiện CNH nhưng không thể thực hiện HĐH sản xuất được.
(Theo SGGP)
|