|
Cá basa đông lạnh. | (VietNamNet) - "Khi nghe tin về phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), chúng tôi, những người nuôi cá ở Vĩnh Long, rất hoang mang. Rõ ràng, họ không chỉ đánh thuế vào người chế biến, nhà nhập khẩu cá, mà trực tiếp đánh thuế vào chính người nuôi. Tụi tôi ở ĐBSCL rất phản đối quyết định này". Qua điện thoại, ông Phạm Văn Sứa, một hộ nuôi cá tra, basa tại ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa, thị xã Vĩnh Long (Vĩnh Long), bức xúc nói với VietNamNet.
Ông Phạm Văn Sứa chỉ là một trong số hàng nghìn bà con nuôi cá tra, basa tại khu vực ĐBSCL. Sáng nay (19/6), đại diện 40.000 ngư dân nuôi cá tại An Giang đã ký vào kháng thư phản đối quyết định của DOC. Kháng thư có đoạn viết: "Quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ là không công bằng, không khách quan, đi ngược lại xu thế hoà nhập và cạnh tranh theo thông lệ quốc tế, làm cho sản xuất và đời sống của ngư dân vô cùng khó khăn".
Tổng Thư ký Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang, ông Trần Phú Hữu, cho VietNamNet biết, sáng nay, không khí phản đối quyết định của DOC tại An Giang lên rất cao, vì hơn 3.000 bè cá của các thành viên hiệp hội có nguy cơ bị phá sản.
Ông Lý Công Tâm, một hộ nuôi cá tại xã Hoà Lạc, huyện Phú Tân (An Giang), nhấn mạnh: "Chúng tôi thấy mức thuế đó quá bất hợp lý, không cách quan. Anh em tụi tôi có nghề nuôi cá truyền thống, khép kín từ đầu vào là con giống, cá bột, cho tới khi thu hoạch. An Giang lại là tỉnh nông nghiệp nên cám rẻ, bên cạnh đó, cá biển làm nguyên liệu cũng rẻ nên giá cá thấp là đương nhiên". Ông nói: "Sau khi nghe tin về quyết định đó, tôi có gặp một số bà con. Họ rất phẫn nộ và muốn tẩy chay hàng hóa Mỹ ở Việt Nam".
Gia đình ông Tâm hiện nuôi trên 100 tấn cá, với 5 lao động. Ông nói với VietNamNet rằng, nếu không bán được cá tra nữa, ông sẽ chuyển qua nuôi con khác. "Nhưng cũng phải chờ thời gian chứ, bây giờ biết làm sao?''. Chi hội xã Hòa Lạc có 19 hội viên, hộ nuôi nhiều nhất khoảng 200 tấn. Hiện giá cá tra bè tại xã là 9.000-9.500 đồng/kg, giá cá tra hầm trắng 8.000 đồng/kg, cá tra thịt vàng chanh chưa đến 7.000 đồng/kg. "Mức giá này tôi còn có lãi chút đỉnh, chứ thời gian tới giá xuống thấp thì tôi sống ra sao", ông Tâm than. "Tại sao các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) không trực tiếp sang xem chúng tôi nuôi thế nào? DOC tuy đã khảo sát, nếu họ vẫn kết luận như vậy là không khách quan. Đó là sự bảo hộ mậu dịch, trái với quan hệ bang giao mà hai nước đã thiết lập".
Tuy nhiên, không hẳn người nuôi cá nào cũng có tâm lý hoang mang và thất vọng. Ông Phạm Văn Sứa tại Vĩnh Long cho rằng, cần từng bước chuyển dần nghề nuôi cá da trơn sang nghề khác, và tính toán sao cho bà con ổn định ngành nghề, có đối tượng chăn nuôi hiệu quả hơn. "Tôi thì hết sức bình tĩnh và theo dõi kết quả cuối cùng về vụ kiện, song, vẫn hy vọng rằng các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước không nhất thiết cứ là phải xuất sang thị trường Mỹ. "Cách đây mười mấy năm, Việt Nam đã bán cá sang EU, Hongkong, Đài Loan rồi, với giá cao, 13.000-14.000 đồng/kg, và chưa hề biết thị trường Mỹ. Việt Nam ký hiệp định song phương với Mỹ mới 2 năm nay thôi. Bây giờ mình phải tìm lại thị trường cũ", ông Sứa nói.
Ông Huỳnh Văn Hoa, chủ 6 bè cá với 250-300 tấn, ngụ tại xã Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc (An Giang), cũng đồng tình "nếu Mỹ không mua nữa thì mình tìm thị trường khác". Gia đình ông nuôi cá đã 10 năm nay, nhờ con cá tra, basa dễ nuôi và dễ có lãi. Tuy nhiên, nếu giá cá xuống dưới 8.000 đồng/kg là gia đình ông hết lời. Nay thì ông đang ngậm ngùi tính, khéo phải chuyển sang nuôi cá rô phi, cá hường, cá mú, cá diêu hồng...
Ông cho biết, thức ăn cho cá do gia đình tự chế từ cám và cá biển, với tỷ lệ cám 65%, cá biển 35%. Cá lớn nhanh, mức tăng bình quân 150-200 g/tháng, nuôi chỉ 4 đến 10 tháng là cá đã được trên 1kg. Hiện ông là thành viên CLB 20.000 tấn của công ty Agifish. Mặc dù giá cá vẫn ổn định, nhà máy mua với giá có lãi cho bà con, nhưng nói với VietNamNet, ông Hoa vẫn lo: giá cá xuống thì lấy tiền đâu cho con học đại học.
- Ông Huỳnh Văn Hoa kiến nghị: "Chúng ta phải đấu tranh với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để làm sao quá trình giao lưu hàng hoá phải bình đẳng, để người chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là nuôi cá ĐBSCL, có nghề ổn định, thị trường ổn định.
- Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang: Là những người suốt cuộc đời sống chết với nghề nuôi cá tra, cá basa ở tỉnh An Giang, chúng tôi cực lực phản đối quyết định trên, và mong rằng, với cương vị của ngài Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cần có những ý kiến cân nhắc thận trọng để phán xét cuối cùng được công bằng và hợp lý hơn. |
|