Top Ten doanh nghiệp lữ hành và khách sạn Việt Nam 2002
15:02' 19/06/2003 (GMT+7)
Furama Resort (Đà Nẵng) đứng đầu Top Ten KS 2002.

(VietNamNet) -  Giải thưởng Top Ten cho 10 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế và 10 khách sạn tốt nhất Việt Nam năm 2002 đã được Tổng cục Du lịch trao hôm qua tại Hà Nội. Đây là năm thứ ba giải thưởng này được trao nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong môi trường du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu SARS, đợt trao giải năm nay đã tiếp thêm sức cho quá trình hồi phục của ngành du lịch Việt Nam.

Giải thưởng để cạnh tranh đẹp

Đứng đầu Top Ten lữ hành 2002 là Công ty Dịch vụ lữ hành (DVLH) Saigontourist với lượng khách thu hút được hơn 380.000 khách, doanh thu đạt gần 418 tỷ đồng (lãi 26,5 tỷ đồng). Đây là năm thứ ba liên tiếp Saigontourist đứng đầu Top Ten doanh nghiệp lữ hành (DNLH) của năm. Các DN LH phía Nam cũng chiếm số lượng áp đảo trong Top Ten với sự góp mặt của 9/10 DN.  

Để tham dự cuộc bình chọn, các DN LH quốc tế phải đáp ứng được các hiệu quả kinh doanh trong năm 2002 như đón ít nhất 5000 khách du lịch quốc tế; doanh thu đạt ít nhất 30 tỷ đồng; nộp ngân sách ít nhất 1 tỷ đồng. Sau đó, Hội đồng bình chọn của Tổng Cục Du lịch sẽ dựa trên các tiêu chí số lượng khách và hiệu quả kinh doanh để lập ra Top Ten.

Giải thưởng lần này ghi nhận sự cố gắng và thiện chí kinh doanh hơn là mức độ ''mạnh, yếu'' của các DN LH và khách sạn. Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Saigontourist, khẳng định giải thưởng là thành tích chung cuả cả ngành du lịch đã kiên cường chống chọi cuộc chiến sụt giảm khách do chiến tranh Iraq và SARS gây nên. Ông Paul Loader, Giám đốc phụ trách chung (Resident Manager) của Khách sạn Daewoo, cũng coi việc 2 khách sạn 3 sao ở TP. HCM và Quảng Nam xếp trên các khách sạn 4, 5 sao ở Hà Nội là sự khuyến khích và đánh giá đúng nỗ lực của các khách sạn này hơn là sự so sánh thuần tuý về chất lượng.

Có thể lạc quan về sự hồi phục hậu SARS

Tại lễ trao giải, ''cơn chấn động'' SARS vẫn được bàn tán sôi nổi. Ngay trong bài phát biểu khai mạc, bà Võ Thị Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, đã nhắc đến con số thiệt hại ước tính của du lịch Việt Nam do cơn bão SARS gây ra. Theo bà, số du khách mà du lịch Việt Nam mất có thể lên tới 1 triệu người, gấp 5 lần so với tổn thất trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực 1997 - 1998. Bà đánh giá đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay của du lịch Việt Nam.

Trao đổi với VietNamNet, tất cả các DNLH đều thừa nhận SARS đúng là cơn ác mộng, nguy hiểm gấp nhiều lần chiến tranh. Tuy nhiên, hầu hết đều lạc quan về khả năng hồi phục trong 6 tháng còn lại của năm 2003. Ông Lưu Nhân Vinh, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội, giải thích: ''SARS đúng là khủng khiếp nhưng còn một nguyên nhân nữa khiến lượng khách tụt giảm đến 80% trong thời gian qua: đây là thời điểm vắng khách trong năm. Khi chúng ta bước vào những tháng hè thì những nước Châu Âu cũng bước vào mùa đẹp nhất trong năm của họ nên ít người đi du lịch''. 

Theo ông, nửa cuối năm là mùa du lịch cao điểm, dịch SARS đã qua lâu tại Việt Nam, cộng thêm những chiến dịch khuyến mại lớn của Hàng không và các công ty lữ hành, ngành du lịch có thể hồi phục tương đối vào quý IV năm nay. Ông cho biết, nhiều công ty LH hiện đang tập trung vào các khách lẻ và khách nội địa vì đây là những đối tượng phản ứng nhanh nhất với các chiến dịch khuyến mãi.

Sự lạc quan của ông Vinh được nhiều người chia sẻ. Ông Trần Văn Long tỏ ý tin tưởng rằng Saigontourist có thể hồi phục vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10. Ông cho biết, nhiều đoàn khách quốc tế lớn đặt chỗ sớm từ trước đó 6 tháng nên khoảng thời gian SARS hoành hành không trùng vào thời điểm đăng ký, bắt đầu Quý III họ sẽ quay trở lại. Ông Paul Loader cũng đánh giá rằng khách sạn của ông có thể hoàn thành những kế hoạch của năm 2003. Tuy vậy, cả lãnh đạo Tổng cục Du lịch và đại diện DN LH và KS đều nhấn mạnh phải ''quyết liệt'' thực hiện các Fam Trip hay Press Tour để vượt lên trên các nước trong khu vực, cũng đang có các chiến dịch khuyến mãi lớn chưa từng có.

Danh sách Top Ten DN lữ hành và Khách sạn 2002

 
Xếp hạng Top Ten Doanh nghiệp Lữ hành Khách sạn
1 Công ty DV LH Saigontourist KS Furama Resort - Đà Nẵng - 5 sao
2 Công ty Liên doanh DL Apex Việt Nam KS Đệ Nhất - TP. HCM - 3 sao    
3 Công ty DV DL Bến Thành KS Hội An - Quảng Nam - 3 sao
4 Công ty Liên doanh DVDL OSC -     SMI KS Sofitel Plaza - Hà Nội - 5 sao
5 Công ty Thương mại DV DL Tân Định (FIDITOURIST) KS Sofitel Metropole - Hà Nội - 5 sao 
6 Công ty DL & Tiếp thị GTVT Vietravel KS Nikko - Hà Nội - 5 sao
7 Công ty LD DL Exotissimo - Cesais  KS Daewoo - Hà Nội - 5 sao
8 Công ty DL Việt Nam tại TP. HCM  KS Hương Giang - Thừa Thiên Huế - 4 sao
9 Công ty DL Hoà Bình (Peace Tour Co.)  KS Yasaka  - Sài Gòn - Nha Trang - 4 sao
10 Công ty DL Việt Nam tại Hà Nội  KS Bến Thành (Rex) - TP. HCM - 4 sao

  • Quang Dũng 

     

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bộ Thủy sản khuyên các doanh nghiệp bình tĩnh (19/06/2003)
Thép tăng giá trở lại (19/06/2003)
Loay hoay chuyện giá đất ở Hà Nội (19/06/2003)
Việt Nam bất bình về quyết định của DOC (19/06/2003)
Thay đổi thuế suất nhập khẩu 92 nhóm hàng từ 1/7 (18/06/2003)
Lần đầu tiên người Việt được mua nhà tại Mỹ (18/06/2003)
Thu lệ phí cấp hạn ngạch dệt may vào thị trường Mỹ (18/06/2003)
''90% dự án ODA ở Việt Nam thiếu chỉ tiêu thực tế'' (18/06/2003)
Thuỷ tinh Gò Vấp rời nhà máy ra KCN Đồng Nai (18/06/2003)
Báo Hongkong giới thiệu điểm du lịch Hà Nội (18/06/2003)
Khai mạc triển lãm quốc tế nhãn hiệu có uy tín (18/06/2003)
Nhiều cat. ''nóng'' đã xuất khẩu tăng vọt (18/06/2003)
Tổng Công ty Mía đường phải chịu trách nhiệm về sai lầm tại Linh Cảm (18/06/2003)
Xử lý hóa đơn của DN bỏ trốn: DN nghiêm túc than trời (18/06/2003)
10% trang trại ở TP.HCM được ký hợp đồng (18/06/2003)
Tro ve dau trang