Loay hoay chuyện giá đất ở Hà Nội
07:53' 19/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Làm thế nào để quản lý từng thửa đất ? Giá đất biến động ra sao ? Tình trạng mua bán qua tay như thế nào ?... ''- Đó là những câu hỏi mà lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) và Sở Địa chính Nhà đất (ĐCNĐ) Hà Nội đã đưa ra trong buổi làm việc chiều qua (18/6) với Bộ trưởng Mai Ái Trực, nhằm thảo luận và tìm những biện pháp quản lí tích cực đối với đất đai ở Hà Nội.

Nhà chung cư ở Hà Nội sẽ được nâng cấp về chất lượng

Giá đất Hà Nội tăng cao

Mọi người đều thấy giá đất ở Hà Nội hiện nay đắt hơn cả đất ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản do một số lí do như: nhu cầu nhà ở; mua bán trao tay nhà ở của người dân các tỉnh (khu Thanh Xuân Bắc có cả một khu phố có nhà ở bán theo dạng giấy trao tay)...; dân số Hà Nội tăng cả về tự nhiên và cơ học nên đó là một trong những yếu tố làm tăng nhu cầu nhà đất.

Nói về vấn đề này, ông Trịnh Kiên Định (Phó Giám đốc Sở ĐCNĐ Hà Nội) cho rằng: "Đây là quy luật thị trường khi cung ít cầu nhiều !". Còn theo ông Vũ Văn Hậu, Chánh văn phòng UBND Thành phố Hà Nội thì hiện nay có 3 loại cầu chính. Thứ nhất là ngay cả người dân Hà Nội còn thiếu nhà ở (điều này có thể thấy ở khu trung tâm quanh Bờ Hồ, ngay sau mặt phố là những căn nhà ở chen lấn, chồng chéo lên nhau chật chội và không mĩ quan chút nào). Thứ hai, Hà Nội là trung tâm giáo dục nên nhu cầu của sinh viên và người ngoại tỉnh về rất đông. Thứ ba là buôn bán đất đai, bất động sản đang là hình thức mang lại lợi nhuận cao nhất hiện nay. Ông Hậu phân tích: ''Hiện tượng mua đất nông nghiệp rồi biến thành đất ở đang phổ biến, từ đó nâng cao giá đất đến mức nhiều người nói là "sốt giả tạo". Tuy nhiên, trên thực tế nó cũng là một nhu cầu, vì nếu là "giả tạo" thì phải giảm ngay nhưng hiện nay giá đất cao vẫn đang tồn tại. Đó là do đầu vào còn duy ý chí và đầu ra còn trôi nổi...''.

Từ góc độ người dân, câu hỏi lại được đặt ra là "Tại sao quỹ đất của Hà Nội còn, đất nông nghiệp đang từng giờ từng ngày được người dân tự chuyển đổi sang đất thổ cư rất lộn xộn, mà thành phố không chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách có quy hoạch, tăng cung cho nhu cầu đất ở ?".

Biện pháp nào ?

Hà Nội đã có một số biện pháp quản lí làm giảm được cơn sốt đất đai. Năm 2000 Hà Nội đã ngăn chặn được cơn sốt này, hiện nay xu hướng giảm chứ không tăng nhiều. Ví dụ: đất ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai mấy năm trước đây trị giá 40-50 cây vàng/m2 nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 cây/m2, đây là một bằng chứng cho thấy đã chặn được cơn sốt đất. Chính sách quản lí cũng đã góp phần đưa mạnh cung lên, đặc biệt là dưới tác động của Chỉ thị 15, 16, 17 đã chặn đứng được cơn sốt đất.

Một trong những giải pháp quan trọng mà thành phố Hà Nội sẽ thực hiện trong thời gian tới để quản lý tình hình đất đai là đẩy mạnh tiến độ cấp giấy chứng nhận, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ quỹ đất trên địa bàn. Cùng với biện pháp trên là công tác quản lý, cải tạo nâng cấp chất lượng và môi trường ở cho các nhà chung cư.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai giai đoạn hai của Dự án thử nghiệm xây dựng hệ thống thông tin Địa chính Hà Nội với tổng kinh phí là 250.000 đôla Canada. Đồng thời hiện đang phối hợp với Ban Quản lí phố cổ Hà Nội xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dự án bảo tồn tôn tạo phố cổ. Đồng thời công nghệ thông tin đã được đưa vào công tác bán nhà theo Nghị định 61/CP, thực hiện Quyết định 20/2000/QĐ-TTg, công tác lưu trữ hồ sơ; đã triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin nối mạng giữa các phòng, ban thuộc Chương trình phát triển công nghệ thông tin của thành phố để phục vụ công tác quản lí hồ sơ đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; đang lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lí hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn thành phố.

Cần tập trung vào vấn đề nhà ở !

Bộ trưởng Bộ TNMT Mai Ái Trực nhận định: ''Giá đất ở Việt Nam dứt khoát sẽ tăng do dân số tăng, nhu cầu sử dụng đất vẫn ngày càng tăng (nhà ở, công nghiệp hoá...) !''. Bộ trưởng cho rằng giá đất tăng cũng có mặt tích cực của nó, đó là phản ánh nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng, mức thu nhập của dân cư cũng tăng lên. Tuy nhiên, mặt tiêu cực chính là ở chỗ giá đất ngày càng cao. Năm 1993, Luật Đất đai có một số tư tưởng lớn như giao đất ổn định lâu dài, đất đai có giá ... đã góp phần nâng cao tính hiệu quả trong việc sử dụng đất đai. Năm 1996 -1998, hiện trạng đất đai  tăng vọt lên, do vấn đề thu nhập và vấn đề nhà ở. Vậy đất đai ở mức nào là vừa không ai nói được.

Ông Trực nhất trí với vấn đề mấu chốt là cung - cầu và yếu tố đầu cơ làm căng thẳng quan hệ cung - cầu (thu gom đất là thu hẹp cung trong khi nhu cầu nhà ở vẫn tăng; người Hà Nội có thu nhập khá hơn cần sửa sang nhà cửa hoặc thay nhà, cho con cái ra ở riêng; rồi lãnh đạo các tỉnh cũng về Hà Nội mua đất "dưỡng già", lãnh đạo cả cấp phòng cũng có thể mua nhà đất ở Hà Nội, ngay cả người dân các địa phương có điều kiện kinh tế cũng về...). Cho nên Hà Nội sẽ đối mặt với vấn đề đất đai không chỉ trong vòng chục năm mà sẽ là vài ba chục năm. Bộ trưởng phân tích, ở nước ngoài đất đai người ta đô thị hoá cả, chỗ nào cũng tốt, đi lại thuận tiện - trong khi ở Hà Nội, chỉ cần qua bên kia cầu Chương Dương là người ta đã không ưng rồi. Thực trạng ở Đồng Nai, Bình Dương "chảy máu chất xám" vì người dân tập trung đến thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Năm 1999 nước ta đô thị hoá được 24-25% , mục tiêu là đô thị hoá 50-60%, bởi vậy phải đặt lại vấn đề quy hoạch.

Nói về vấn đề quy hoạch đất đai, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng, Hà Nội nên tập trung quy hoạch sử dụng đất cho nhu cầu nhà ở, cần ưu tiên số 1 là nhà ở vì thực tế là không thể cản được dân đến Hà Nội, và chung cư cao tầng là biện pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu này. Tầm vĩ mô là đô thị hoá nông thôn để cho dân không vào thành phố. Hà Nội cũng cần phải có đất dành cho dịch vụ (văn hoá, thể thao, giải trí, thương mại, ngân hàng...). Đó không chỉ là những biện pháp tức thời mà có ý nghĩa lâu dài.

  • Kiều Minh
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam bất bình về quyết định của DOC (19/06/2003)
Thay đổi thuế suất nhập khẩu 92 nhóm hàng từ 1/7 (18/06/2003)
Lần đầu tiên người Việt được mua nhà tại Mỹ (18/06/2003)
Thu lệ phí cấp hạn ngạch dệt may vào thị trường Mỹ (18/06/2003)
''90% dự án ODA ở Việt Nam thiếu chỉ tiêu thực tế'' (18/06/2003)
Thuỷ tinh Gò Vấp rời nhà máy ra KCN Đồng Nai (18/06/2003)
Báo Hongkong giới thiệu điểm du lịch Hà Nội (18/06/2003)
Khai mạc triển lãm quốc tế nhãn hiệu có uy tín (18/06/2003)
Nhiều cat. ''nóng'' đã xuất khẩu tăng vọt (18/06/2003)
Tổng Công ty Mía đường phải chịu trách nhiệm về sai lầm tại Linh Cảm (18/06/2003)
Xử lý hóa đơn của DN bỏ trốn: DN nghiêm túc than trời (18/06/2003)
10% trang trại ở TP.HCM được ký hợp đồng (18/06/2003)
Điểm lại tình hình cải cách kinh tế và thể chế (18/06/2003)
Tham tán thương mại phải đáp ứng nhanh yêu cầu của DN (18/06/2003)
Mua trái phiếu đô thị lãi hơn gửi tiền vào ngân hàng (18/06/2003)
Tro ve dau trang