Việt Nam bất bình về quyết định của DOC
08:58' 19/06/2003 (GMT+7)
Ngành chế biến cá tra đang bị đe dọa.
(VietNamNet)
- Trước phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về vụ kiện cá tra, basa, ngày 18/6, Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Lương Văn Tự, cho rằng, quyết định này là không khách quan, không công bằng, chỉ nhằm mục đích bảo hộ nền công nghiệp sản xuất cá nheo Hoa Kỳ. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng bày tỏ thái độ hết sức bất bình về quyết định này.

Thứ trưởng Lương Văn Tự nhấn mạnh, DOC đã không xem xét đến đặc thù của ngành sản xuất và chế biến thuỷ sản Việt Nam, nơi có điều kiện địa lý thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, giá nhân công rẻ và nguồn lao động dồi dào, nơi mà các DN Việt Nam đã áp dụng một cách khoa học và sáng tạo để nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm theo chu trình khép kín hiệu quả. Đây chính là yếu tố cơ bản làm cho sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

VASEP cũng cho rằng, về phương pháp tính, DOC đã không xem xét đến tính chất liên hoàn trong quá trình sản xuất cá tra, basa của Việt Nam, từ khâu thương phẩm đến chế biến cá filê. Không áp dụng phương pháp tiêu chuẩn, không xem xét đầy đủ số liệu đã được cung cấp, DOC đã cố ý bỏ qua việc xem xét những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của các DN Việt Nam. Hơn nữa, mặc dù không phủ nhận việc các DN Việt Nam có quá trình sản xuất liên hoàn, nhưng Bộ Thương mại Mỹ lại viện cớ không tìm thấy DN tương ứng nào của Bangladesh thực hiện sản xuất liên hoàn như Việt Nam để biện minh cho cách tính giá thành từ cá nguyên liệu. Ngoài ra, DOC đã dùng nhiều thủ thuật về số liệu, bỏ qua nhiều thông tin từ phía DN, áp giá hết sức vô lý từ nước thứ ba để thực hiện ý đồ áp đặt mức thuế cao, bất chấp thực tế sản xuất tại Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tin rằng, nếu các dữ kiện thực tế liên quan đến vụ việc này được xem xét một cách công khai, công bằng, thì các DN xuất khẩu Việt Nam sẽ thắng kiện. "Thành công của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ chưa bao giờ là kết quả của việc bán phá giá", VASEP khẳng định.

Quyết định bất công của DOC, trên thực tế, sẽ ngăn cản việc nhập khẩu các sản phẩm cá filê từ Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của hàng trăm nghìn hộ dân nuôi cá và công nhân, sống phụ thuộc vào con cá tra, cá basa tại ĐBSCL. Trước mắt, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, phải kêu gọi người nuôi cá không hoang mang, các DN cần có biện pháp kịp thời để ổn định sản xuất, mở thị trường mới và giữ giá thành.

Khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) đã được ký kết, thì với quyết định của DOC, nhân dân Việt Nam, trước hết là những người sản xuất cá tra, basa, hết sức thất vọng. Phán quyết mang nặng tính bảo hộ này của DOC hoàn toàn đi ngược các lý tưởng tự do thương mại mà Hoa Kỳ thường rao giảng.

Ngày 31/7, Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ (USITC) sẽ có quyết định cuối cùng về việc sản phẩm cá tra, basa filê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam có đe dọa gây thiệt hại/gây thiệt hại cho ngành công nghiệp cá nheo Mỹ hay không. Từ đó, là căn cứ để DOC ban hành lệnh áp dụng thuế chống bán phá giá từ 8/7. Chính vì vậy, Bộ Thương mại Việt Nam vẫn quyết tâm chứng minh: lượng cá tra, basa filê nhập khẩu từ Việt Nam là rất nhỏ, không có khả năng đe dọa, gây thiệt hại cho nền công nghiệp cá nheo Mỹ hiện tại cũng như trong tương lai.

VASEP cũng kêu gọi USITC cần đưa ra phán quyết phù hợp với thực tế, và khẳng định, sẽ quyết tâm theo đuổi vụ kiện nếu USITC tiếp tục đưa ra kết luận không công bằng. 

Ý kiến của các DN Việt Nam:

- Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch VASEP, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Thuỷ súc sản xuất khẩu Cần Thơ (CFFATEX): Rõ ràng, DOC cố tình áp đặt mức thuế cao đối với các DN Việt Nam, không chứng minh được Việt Nam bán phá giá. Hộ cố tình bỏ qua tính chất sản xuất liên hoàn. Theo tôi, ngay cả khi không sản xuất theo quá trình liên hoàn, Việt Nam cũng không bán phá giá. Hiện nay, giá xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa đông lạnh sang Mỹ còn cao hơn cả tại thị trường Hongkong, Singapore, vậy thì sao có thể gọi là bán phá giá được? Khi BTA đã có hiệu lực, thật là sai lầm nếu Hoa Kỳ vẫn muốn giữ thế thượng phong.

- Ông Doãn Tới, Giám đốc Công ty TNHH Nam Việt: Cá nhân tôi cực lực phản đối quyết định của DOC. Hôm nay (18/6), sau khi thông tin về phán quyết của DOC đến bà con, rất nhiều nông dân đã bỏ bè nuôi cá, chán nản và lo lắng. Tôi sẽ vận động bà con bài xích, không mua các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, như thức ăn chăn nuôi, đậu nành... Lẽ ra, mức thuế chống bán giá cho các DN Việt Nam phải bằng 0, vì chúng tôi sản xuất theo quá trình liên hoàn. Với phán quyết này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang xem BTA như một trò chơi nhằm bảo hộ mậu dịch cho sản phẩm trong nước.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thay đổi thuế suất nhập khẩu 92 nhóm hàng từ 1/7 (18/06/2003)
Lần đầu tiên người Việt được mua nhà tại Mỹ (18/06/2003)
Thu lệ phí cấp hạn ngạch dệt may vào thị trường Mỹ (18/06/2003)
''90% dự án ODA ở Việt Nam thiếu chỉ tiêu thực tế'' (18/06/2003)
Thuỷ tinh Gò Vấp rời nhà máy ra KCN Đồng Nai (18/06/2003)
Báo Hongkong giới thiệu điểm du lịch Hà Nội (18/06/2003)
Khai mạc triển lãm quốc tế nhãn hiệu có uy tín (18/06/2003)
Nhiều cat. ''nóng'' đã xuất khẩu tăng vọt (18/06/2003)
Tổng Công ty Mía đường phải chịu trách nhiệm về sai lầm tại Linh Cảm (18/06/2003)
Xử lý hóa đơn của DN bỏ trốn: DN nghiêm túc than trời (18/06/2003)
10% trang trại ở TP.HCM được ký hợp đồng (18/06/2003)
Điểm lại tình hình cải cách kinh tế và thể chế (18/06/2003)
Tham tán thương mại phải đáp ứng nhanh yêu cầu của DN (18/06/2003)
Mua trái phiếu đô thị lãi hơn gửi tiền vào ngân hàng (18/06/2003)
Việt Nam - Indonesia sẽ hợp tác cắt giảm cà phê (18/06/2003)
Tro ve dau trang