|
Sản phẩm nước giải khát của Tribeco được nhiều người tiêu dùng biết đến. |
(VietNamNet) - Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa yêu cầu Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) tạm hoãn chia lãi bổ sung của năm 2000. Theo đó, Tribeco phải chờ Bộ Tài chính hướng dẫn chia lãi và giải trình nguồn vốn thanh toán lãi với UBCKNN trước khi công bố ra công chúng. Trước đó, Công ty này đã ấn định chia lãi bổ sung năm 2000 từ 10/6 theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Ngày 25/5, Tribeco đã có thông báo chia số lãi còn lại của năm 2000 sau khi quyết toán thuế (năm tài khoá năm 2000). Tiền chia lãi còn lại được xác định là 10.000 đồng/phần vốn góp, tương đương 10% mệnh giá. Vấn đề phát sinh là ai sẽ được chia lãi bổ sung này? Vì đây là lãi của năm 2000 nên những người mua cổ phiếu sau ngày 31/12/2000 (ngày xác định vốn điều lệ của Công ty TNHH Tribeco) có được chia lãi? Đối với những cổ phiếu đã được chuyển nhượng thì ai là người được chia lãi, người chuyển nhượng hay người nhận chuyển nhượng? Thành viên của Công ty Viết Tân sáp nhập vào Công ty TNHH Tribeco ngày 2/3/2000 có được hưởng phần lãi bổ sung? Trong khi đó, theo một số cổ đông mới hiện nay, tài sản của Tribeco đã được thể hiện vào giá trị sổ sách khi niêm yết nên tiền lãi của năm 2000 phải nhập vào vốn của Công ty hoặc nếu chia thì họ cũng được hưởng?
Về việc chia lãi bổ sung năm 2000, trước khi lên sàn, Tribeco đã có văn bản xin ''ý kiến'' của Bộ Tư pháp. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp (kể cả văn bản gần đây nhất vào tháng 1/2003), nguyên tắc chia lãi được khẳng định là ''chỉ có thành viên của Công ty TNHH Tribeco theo danh sách được chốt đến ngày 31/12/2003''. Đối tượng thứ nhất là những cổ đông ''nguyên vẹn'' đến nay hoặc được chuyển nhượng nhưng phải có tên trong danh sách cổ đông hoặc xác nhận của Hội đồng quản trị trước ngày 31/12/2000. Thứ hai, nếu cổ phần đã được chuyển nhượng thì căn cứ vào thoả thuận chuyển nhượng có ghi quyền lợi phát sinh thuộc về ai thì người đó sẽ thụ hưởng. Nếu không có thoả thuận gì, thì căn cứ danh sách cổ đông vào thời điểm 31/12/2000 để xác định người thụ hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các vụ chuyển nhượng không có thoả thuận về quyền lợi phát sinh nên giải quyết theo cách này, những người được hưởng lãi chủ yếu là những cổ đông ''cũ'', chứ không phải là người nhận chuyển nhượng.
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Tribeco đã dự kiến số tiền lãi bổ sung năm 2000 chia cho các cổ đông là 2,74 tỷ đồng. Đại diện Công ty Tribeco cho rằng, Công ty đã làm ''đúng'' theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, cơ quan ''quản lý cao nhất'' về các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, hướng dẫn của Bộ Tư pháp chỉ có ''tính nguyên tắc''. Đây là một vấn đề tài chính DN nên hướng dẫn cụ thể và hạch toán như thế nào phải thuộc về Bộ Tài chính. Hơn nữa, hiện nay, Tribeco đã trở thành một công ty niêm yết và chắc chắn việc chia lãi của Tribeco sẽ tác động đến tâm lý của cổ đông. Do đó, Tribeco phải giải trình với UBCKNN về nguồn vốn thanh toán lãi và công khai thông tin cho công chúng. Theo một quan chức của UBCKNN, các bộ Tài chính, Tư pháp và UBCKNN đã đồng ý với cách giải quyết này. Chiều ngày 10/6, Công ty Tribeco đã dừng chia lãi bổ sung năm 2000 theo kế hoạch để chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính và giải trình với UBCKNN.
Qua sự việc trên cho thấy, nhiều vấn đề ''hậu cổ phần hoá'' và phát sinh của công ty cổ phần, công ty niêm yết đang bị ''hổng'' và cần được ''bít'' lại. Sự việc này cũng gần tương tự việc Bibica trả cổ tức trong khi làm ăn thua lỗ, nghĩa là song song tồn tại sự ''tự tiện'' của các công ty cổ phần, thiếu giám sát của cơ quan quản lý và nhiều vấn đề đang bỏ trống chờ... hướng dẫn.
|