|
Thảo luận bàn tròn tại Diễn đàn Doanh nghiệp. |
(VietNamNet) - Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN), khai mạc sáng nay (6/6) tại Hà Nội. Đây là hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), dự kiến tổ chức tại Sapa từ ngày 19 - 21/6. Rất đông các đại diện DN trong và ngoài nước cũng như tổ chức tài chính quốc tế đã có mặt tại Diễn đàn và trông đợi một sự đối thoại thẳng thắn, cởi mở với các quan chức Chính phủ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh đến nỗ lực to lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Ông đánh giá Việt Nam đã thành công trong việc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của chiến tranh Iraq, thiên tai, dịch SARS,... thể hiện qua tốc độ tăng trưởng gần 7%, xuất khẩu (XK) tăng cao, tình hình chính trị - xã hội ổn định. ''Thành công đó có đóng góp không thể tách rời của DN Việt Nam và nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam'' - ông nói.
Ông khẳng định lại những cam kết của Chính phủ tìm giải pháp tích cực trong xây dựng cơ sở hạ tầng để cải thiện môi trường và kích cầu đầu tư; huy động nguồn lực trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức, kiên trì quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan thẳng thắn đề cập những thử thách và yếu kém căn bản mà Việt Nam phải vượt qua để phát triển nhanh và vững. Đó là thách thức trong cuộc chiến chống đói nghèo, cải thiện điều kiện sống, bảo vệ môi trường... Mức độ mở cửa và năng động của nền kinh tế cũng là những '' bài toán khó'' với Chính phủ. Ông thừa nhận ''Những nỗ lực đổi mới ngân hàng, khuyến khích đầu tư, giải ngân ODA... còn chưa đủ mức, nguồn vốn cho phát triển còn rất hạn hẹp''. Những hạn chế đó cần phải nhanh chóng dỡ bỏ để tiếp thêm năng lượng cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng kêu gọi sự ủng hộ của các đối tác trong nước và quốc tế đối với tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam ''bằng những đòi hỏi phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam''. Đối với các DN trong và ngoài nước hoạt động ở Việt Nam, ông mong đợi sự đóng góp ''bằng việc nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân, mạnh dạn từ bỏ sự bảo hộ quá mức từ phía Nhà nước để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế''.
Ông Deepak Khanma, Giám đốc khu vực Cơ quan Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng những thay đổi mà Việt Nam đạt được trong việc cải thiện môi trường đầu tư có sức thu hút đáng kể với những nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên ông cũng thắc mắc về các quy định như việc đăng ký mở rộng đầu tư, hạn chế mở cửa thị trường dịch vụ... liệu có cản trở cơ hội làm ăn của DN nước ngoài tại Việt Nam.
Đại diện AmCham và Hiệp hội DN Hongkong lại quan tâm đến sự kiện ''thời sự'' mấy ngày qua là việc phân bổ hạn ngạch dệt may Việt Nam XK vào thị trường Mỹ. Cả 2 đều ủng hộ tính minh bạch và công bằng trong phân bổ hạn ngạch nhưng tỏ ý lo ngại hạn ngạch mà các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhận được không phản ánh đúng năng lực sản xuất của họ. Có khá nhiều DN HongKong đầu tư vào dệt may ở Việt Nam để xuất đi Mỹ nên hạn ngạch áp dụng sẽ khiến họ bị thiệt. Đại diện Hongkong còn yêu cầu giải thích về những vướng mắc liên quan đến các dự án phát triển nhà đất ở TP. HCM.
Về phía các DN trong nước, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành Nghị định Hiệp hội DN, cho phép các DN có vốn ĐT nước ngoài trở thành thành viên chính thức của các Hiệp hội. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam lo ngại trước việc thực hiện lộ trình AFTA cũng như ATC/WTO là những bất lợi lớn cho dệt may Việt Nam trước sự cạnh tranh của những đối thủ đã hoặc sắp là thành viên của WTO như Trung Quốc và Campuchia. Bên cạnh đó, các nước khác trong khu vực như Singapore, Philippines, Bangladesh đã và đang tìm kiếm những FTA (Hiệp định Thương mại tự do) với Mỹ, tạo sức ép cạnh tranh rất lớn cho các DN Việt Nam.
Về việc đối xử bình đẳng giữa DN Nhà nước và DN tư nhân, ông Võ Hồng Phúc thông báo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ thành lập Cục DN vừa và nhỏ, làm trung tâm nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ những chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, trong đó có các DN tư nhân. Ông tái khẳng định mạnh mẽ sự coi trọng của Chính phủ đối với những đóng góp ngày càng không thể thiếu của khối DN này vào nền kinh tế quốc gia.
|