(VietNamNet) - Theo Cục Quản lý thực phẩm dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), trong 4 tháng đầu năm 2003, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam có hàng thực phẩm xuất khẩu sang nước này đã bị FDA từ chối không cho nhập khẩu do vi phạm một số quy định về vệ sinh, nhãn mác hàng hoá...
|
Chế biến thuỷ sản xuất khẩu. |
FDA cho hay, số DN Việt Nam bị khước từ đang có chiều hướng tăng dần. Tháng 1/2003 có 16 DN, tháng 2: 15 DN, tháng 3 là 23 DN, con số này trong tháng 4 là 27.
Các địa phương có nhiều DN với hàng không được FDA chấp thuận nhập khẩu là TP.HCM, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc trăng. Nguyên nhân chính của việc này là thực phẩm bị nhiễm khuẩn salmonella, hàng hóa bị bẩn, nhiễm độc, sai sót trong khâu nhãn mác. Diện mặt hàng bị từ chối cũng khá rộng, từ các sản phẩm thủy sản đến rau quả, gia vị, nấm, chè...
Hàng tháng FDA đều có thông báo về việc từ chối không cho nhập khẩu vào Mỹ những mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của họ trên website ở địa chỉ http://www.fda.gov/ora/oasis. Thông tin đăng tải gồm: Tên DN xuất khẩu, nước xuất khẩu, tên mặt hàng bị từ chối và lý do từ chối, ngày ra quyết định từ chối không cho nhập khẩu...
Quy định của FDA về nhập khẩu thực phẩm vào Mỹ
Ngày 6/5/2003, FDA đã công bố 2 dự thảo qui chế còn lại mà cơ quan này phải ban hành để thực hiện Đạo luật Sẵn sàng đối phó với khủng bố sinh học và An ninh y tế cộng đồng năm 2002 của Hoa Kỳ. Đó là Xây dựng và lưu giữ hồ sơ (quy chế 1) của DN kinh doanh thực phẩm và Bắt giữ hàng hóa để kiểm tra (quy chế 2).
Nội dung của qui chế 1 yêu cầu DN kinh doanh thực phẩm (trong đó có cả các DN nước ngoài xuất khẩu vào Mỹ) phải tuân thủ nguyên tắc xây dựng và lưu giữ hồ sơ trong một khoảng thời gian nhất định để FDA có thể truy tìm nguồn gốc khi cần thiết. Quy chế 2 chủ yếu bổ sung thêm một số biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn cung thực phẩm của Mỹ.
Theo Đạo luật Khủng bố sinh học 2002 thì FDA phải chính thức ban hành 04 quy chế nói trên không chậm hơn ngày 12/12/2003.
|