|
Bà con nông dân TP.HCM đi chợ mua lúa giống. |
(VietNamNet) - Theo Cục Khuyến nông - Khuyến lâm (Bộ NN-PTNT), để có 1 triệu ha lúa lai vào 2010, điều cấp thiết là phải đầu tư để tự sản xuất được hạt giống, đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu, hạn chế nhập khẩu và tiến tới tự túc. Hiện nay, nhu cầu hạt giống F1 cần cho sản xuất là 15.000 tấn, trong khi sản xuất trong nước mới đáp ứng gần 1/4 nhu cầu.
Hàng năm, chúng ta phải nhập trên 11.000 tấn giống, với 15-26 triệu USD. Do vậy, rất bị động về số lượng, giá cả và chủng loại.
Cục Khuyến nông - Khuyến lâm cho rằng, thiếu hạt giống bố mẹ là khó khăn nhất cho việc mở rộng sản xuất lúa lai hiện nay. Chúng ta mới làm chủ kỹ thuật sản xuất hạt giống tổ hợp Bác ưu 64 và Bác ưu 903 - chỉ gieo cấy được trong vụ mùa. Vùng nhân dòng bố mẹ chưa xác định rõ. Tổ hợp lúa lai đưa vào sản xuất còn nghèo nàn. Việc đưa các tổ hợp vào lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt thay thế các tổ hợp lúa lai cũ còn rất chậm (trong khi Trung Quốc thay đổi hàng năm). Mặt khác, chúng ta chưa tìm được tổ lúa lai thích hợp cho các tỉnh Nam Bộ.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp là đến 2010 Việt Nam sản xuất 300ha giống bố mẹ, 10.000ha lúa lai F1, giá chỉ bằng 2/3 lúa giống nhập khẩu. Đề án "Phát triển sản xuất hạt giống lúa lai phục vụ 1 triệu ha lúa lai đến năm 2010" đã được Cục Khuyến nông - Khuyến lâm hoàn thiện, và đang xin ý kiến Bộ chủ quản. Dự kiến, tổng vốn đầu tư, sản xuất hạt giống lúa lai F1 đến năm 2010 là 1.500 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm, TS. Lê Hưng Quốc, cho rằng, cần nhập nội có chọn lọc giống lúa lai, làm thuần các dòng bố mẹ siêu nguyên chủng. Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo chắc chắn giống lúa lai nhập khẩu có độ thuần 100%. Theo kết quả kiểm tra mới đây Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương, tại Mỹ Văn (Hưng Yên) về 54 mẫu giống lúa lai 3 dòng và 29 mẫu lúa lai 2 dòng nhập từ Trung Quốc, có đến 12 lô lúa lai 2 dòng không đạt tiêu chuẩn về độ thuần giống (tỷ lệ 96% trở lên); thậm chí có 2 lô độ thuần giống quá kém, chỉ đạt 85% và 87,8%; 1 lô lúa lai 3 dòng Sán ưu 63 và 3 lô lúa lai 2 dòng Bồi tạp 49 bị nghi không đúng giống.
TS. Phạm Đồng Quảng, Giám đốc Trung tâm, cho biết, vụ xuân vừa qua, Trung tâm đã nhập về 800 mẫu giống lúa lai nhập khẩu. Như vậy, số mẫu giống hậu kiểm trên chỉ là một phần nhỏ. Trung tâm chỉ hậu kiểm giống lúa mới và những mẫu giống nghi ngờ không đúng, hoặc độ thuần kém.
Như vậy, điều quan trọng là cần đầu tư, hỗ trợ các đơn vị sản xuất hạt giống lúa lai F1 và hỗ trợ một phần giá cho giống sản xuất trong nước; đầu tư đồng bộ xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng trang thiết bị thu hoạch, phơi sấy, kho tàng, chế biến... Đối với nông dân, hỗ trợ trong 3 năm đầu để tiến hành sản xuất hạt lai F1. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sản xuất giống lúa lai, lãi suất 3%; miễn thuế nông nghiệp với diện tích đất dùng cho việc nhân giống bố mẹ và sản xuất giống lúa lai F1, không đánh thuế VAT với giống lúa lai sản xuất trong nước.
Trên thế giới, Trung Quốc là nước đầu tiên sử dụng lúa lai trong sản xuất đại trà. Tổng diện tích lúa của Trung Quốc hiện là 31 triệu ha, trong đó, diện tích lúa lai chiếm 1/2. Năng suất bình quân của lúa lai là 6,9 tấn/ha, so với lúa thuần là 5,4 tấn/ha, tăng 1,5 tấn/ha trên toàn bộ diện tích. Diện tích lúa lai F1 là 140.000ha, năng suất hạt giống bình quân 2,5 tấn/ha. Ngoài lúa lai hệ 3 dòng (dòng bất dục, dòng duy trì và dòng phục hồi), quốc gia này đã thành công trong việc đưa vào sản xuất lúa lai hệ 2 dòng. Năng suất các tổ hợp lúa lai hệ 2 dòng cao hơn lúa lai hệ 3 dòng 5-10%.
Đến nay, Ấn Độ cũng công nhận và mở rộng sản xuất đại trà 15 giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt. Diện tích lúa lai thương phẩm đạt 200.000ha. Toàn bộ các tổ hợp lai và hạt giống lúa lai đều do Ấn Độ chọn tạo và tự sản xuất. Các quốc gia khác như Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Myanmar... cũng bắt đầu tập trung nghiên cứu và phát triển lúa lai. Song, do hầu hết tổ hợp lúa lai của Trung Quốc đều không phù hợp nên các nước khác phải tự nghiên cứu, tạo tổ hợp giống lúa lai riêng.
Sau 10 năm phát triển, năm 2002, diện tích lúa lai của Việt Nam mới đạt 500.000ha, năng suất bình quân 6,3 tấn/ha. Sản lượng hàng năm do gieo cấy lúa lai đã đạt từ 800.000 đến 1 triệu tấn.
|