|
Vấn đề đất đai chiếm số lượng cao nhất trong các khiếu kiện của người dân |
Luật Đất đai của nước ta ban hành năm 1993, qua hai lần sửa đổi, bổ sung và qua nhiều nghị định được ban hành đã thừa nhận năm quyền: sử dụng, cho thuê, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp. Về thực chất, các quyền này bao hàm đầy đủ những yếu tố của quyền sở hữu về đất. Thế nhưng chúng ta lại không thừa nhận quyền sở hữu này, vì đất đai là sở hữu của toàn dân (điều 27 của Hiến pháp) và do Nhà nước thống nhất quản lý (điều 18 Hiến pháp).
Đây chính là nguyên nhân không chỉ khiến vấn đề đất đai chiếm số lượng cao nhất trong các khiếu kiện của người dân với các cấp chính quyền, mà còn gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài lâu nay, đồng thời tạo ra nhiều phức tạp trong việc quản lý một thị trường đất đai hình thành trong thực tế nhưng chưa được thừa nhận.
Luật Đất đai cũng như bất cứ bộ luật nào khác đều phải xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội. Luật Đất đai hiện nay chỉ giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước là người quản lý toàn diện đất đai với cá nhân và tổ chức được cấp quyền sử dụng đất, mà bỏ qua mối quan hệ giữa những người sử dụng đất với nhau. Điều này dẫn đến việc một bộ phận người quản lý lợi dụng chức quyền để gây phiền hà vì mục đích riêng tư, còn người sử dụng thì thỏa thuận với nhau tìm cách qua mặt Nhà nước.
Thiết nghĩ, để Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn và do đó đi được vào cuộc sống, nên bắt đầu từ những việc:
1. Lập lại bản đồ địa chính, làm rõ đâu là công điền công thổ, đâu là đất đã có sở hữu chủ hợp pháp để từ đó có chế độ quản lý khác nhau.
2. Phân biệt rạch ròi hai khái niệm sở hữu và quản lý để từ đó hình thành một thị trường đất đai đúng nghĩa, thừa nhận đất đai là một loại hàng hóa được Nhà nước quản lý trên cơ sở lợi ích của quốc gia.
Tất nhiên có những hạn chế do quy định trong Hiến pháp, nhưng bộ luật mẹ cũng có thể đổi thay cho phù hợp với ý chí của toàn dân và quy luật phát triển của xã hội.
(Theo TBKTSG)
|