|
Một cánh đồng 50 triệu. | (VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Lê Huy Ngọ, nhận định, những cánh đồng 50 triệu, hộ dân thu nhập 50 triệu chính là đầu tàu để ngành nông nghiệp bứt phá; đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tại cuộc tọa đàm về Xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha và hộ nông dân thu nhập 50 triệu, diễn ra ngày 17-18/5 tại Thái Bình, đích này được nhiều ngành, địa phương đưa vào ''tầm ngắm''.
Mặc dù thời tiết oi ả, song, cuộc tọa đàm có sức hút đặc biệt, bởi theo ban tổ chức, số đại biểu đăng ký từ 120 người vọt lên gần gấp đôi. Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trương Tấn Sang, cùng đại diện Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân, báo Nhân Dân, lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), các địa phương trồng lúa lớn ở phía Nam, cơ quan chức năng của Bộ, viện nghiên cứu, DN... đã tham dự.
Bước nhảy về chất
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Tấn Sang, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá, trong khi cả nước mới đạt trung bình 18 triệu đồng/ha thì ĐBSH đã đạt được trên dưới 32 triệu, và sẽ tiến lên 50 triệu đồng/ha vào 2010. ''Tuy chỉ khác biệt về chỉ số, nhưng thực sự đó là bước nhảy vọt về chất trong phát triển nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Do vậy, "50 triệu đồng" không chỉ là một phong trào bình thường, một lời hiệu triệu bình thường, mà là nhiệm vụ to lớn, có ý nghĩa cách mạng, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá xã hội''.
Tiêu chí đánh giá:
- Cánh đồng 50 triệu/ha/năm: Có diện tích từ 5ha trở lên. Cách tính thu nhập là tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp.
- Thu nhập 50 triệu/hộ/năm là tổng giá trị sản xuất - kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp của hộ trong năm, gồm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, ngành nghề, chế biến, dịch vụ...
- Giá dùng để tính ''50 triệu'' là giá hiện tại
- Năm thời điểm tính đến 2010 là phù hợp cho cả chăn nuôi và cây lâu năm. |
Kết quả thị sát của lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho thấy, hiện ở ĐBSH có khoảng 5-10% diện tích canh tác đạt 50 triệu đồng/ha/năm; 350.000 hộ nông dân, bằng 10% tổng số hộ nông dân toàn vùng, đạt thu nhập 50 triệu đồng/năm. Theo ông Lê Hưng Quốc, Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm, các hộ dân đạt thu nhập trên 50 triệu/ha/năm chủ yếu bằng đa canh, đa nghề, phát triển chăn nuôi, thuỷ sản, hàng hóa và dịch vụ... Cánh đồng 50 triệu canh tác theo mô hình: trên đất chuyên màu 4-5 vụ/năm; trên đất chuyên lúa chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản và cây trồng có giá trị hàng hóa cao, chăn nuôi, phát triển hệ thống VAC bền vững; trên đất 2 lúa - 1/2 màu, 1 lúa - 2/3 màu, tăng 1-2 vụ đông...
Các huyện Gia Bình (Bắc Ninh), Từ Liêm (Hà Nội), An Hải (Hải Phòng); các xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), Thuỵ An (Thái Thuỵ), Hải Xuân (Hải Hậu), Nam Dương (Nam Trực), Đồng Hoá (Kim Bảng), Gia Xuyên (Gia Lộc), Cốc Thành (Vụ Bản)... hiện là nòng cốt để chúng ta chuyển biến nhận thức: từ sản xuất no đủ sang sản xuất hàng hoá lớn để làm giàu; từ sản xuất thuần lúa sang thâm canh tăng vụ, đa dạng sản phẩm; từ thuần nông sang phát triển nhiều ngành nghề. Từ đó, phấn đấu đạt tỷ trọng thu nhập 50% từ trồng trọt, 50% từ chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ; 50% lao động nông thôn làm nông nghiệp, số còn lại làm nghề dịch vụ. Đây cũng là những mục tiêu quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông thôn.
Song, thật không dễ để nhân rộng các mô hình trên. Ông Lê Hưng Quốc cho rằng, vùng ĐBSH đang vấp phải nhiều hạn chế ''cố hữu'': tình trạng đất chật người đông, manh mún; bí bách trong tiêu thụ và chế biến nông sản; lao động thiếu việc làm; thu nhập thấp; canh tác thuần nông... Vùng này còn chịu sức ép phải vươn lên phát triển mạnh hơn nơi khác.
Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đặt ra: liệu cứ chuyển đổi diện tích cây trồng để đạt 50 triệu thì chúng ta có đảm bảo an ninh lương thực không? Theo Bộ trưởng, ''ĐBSH không đảm bảo an ninh lương thực thì cả vùng, cả miền Bắc này không thể ổn định, phát triển được''. "Đất nước mình phải cố thủ cho được 4 triệu ha lúa, dù chuyển đổi thế nào thì chuyển đổi. Tuy nhiên, cơ cấu lương thực thì phải thay đổi'', Bộ trưởng nhấn mạnh. Viện trưởng Viện Cây lương thực - cây thực phẩm, ông Nguyễn Quốc Tuấn, đề xuất, nếu chỉ độc canh cây lúa thì không thể đạt mục tiêu "50 triệu", mà phải chuyển đổi cơ cấu song vẫn giữ tỷ lệ lúa hợp lý, tuỳ theo từng vùng, từng địa phương.
Ông Trương Tấn Sang nhận xét: ''Trong thực tiễn ở nhiều địa bàn, trên các loại đất, với mục đích sử dụng và cơ cấu khác nhau, khả năng tạo thu nhập cũng khác. Với đất NTTS, đặc sản, giá trị sản lượng đã đạt và vượt 50 triệu đồng/ha. Với đất trồng cây ăn quả, cây đặc sản, hoa, cây cảnh, khả năng này cung là hiện thực. Vấn đề còn lại là đất trồng lúa, rau màu, cây công nghiệp, đất lâm nghiệp thuần tuý, khả năng đạt 50 triệu đồng/ha là khó khăn hơn cả. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm, tìm lời giải rõ ràng cho bài toán 50 triệu đồng/ha/năm''.
"Liền vùng - cùng trà - khác chủ"
Ngành nông nghiệp đang cân nhắc một trong hai mục tiêu là: nên xây dựng CLB 50 triệu đồng/năm, với khoảng 1 triệu hộ nông dân hay xây dựng cánh đồng 50 triệu?. Về mục tiêu đầu tiên, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ phân tích, nếu thành lập "CLB 50 triệu" thì vị trí người nghèo ở đâu? ''Cánh đồng 50 triệu có thể thu hút được cả người giàu, người nghèo, chứ CLB 50 triệu thì người nghèo khó mà bước chân vào'', ông nói. Thực tế là, cánh đồng 50 tấn trước đó đã trở thành một phong trào rộng khắp của bà con, thì việc thu hút hộ nông dân nghèo tham gia xây dựng cánh đồng 50 triệu không phải là quá khó.
Song, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng, để đạt được cảnh đồng 50 triệu, chúng ta phải thực hiện phương châm ''liền vùng - cùng trà - khác chủ'', khắc phục sự manh mún, phân tán trong sản xuất; tức là cùng một cánh đồng, một ruộng ngô, nhưng trong đó có cả của người giàu, người nghèo; người giàu hỗ trợ người nghèo cùng xây dựng cánh đồng 50 triệu.
"Trước đây, nông dân tổ sản xuất trên cánh đồng, thửa ruộng manh mún nhưng vẫn đạt 50 triệu, song như vậy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tốn kém lắm. Nay tập hợp lại trên những cánh đồng lớn thế này, 20-30ha, thì hệ thống thuỷ lợi, hệ thống bảo vệ thực vật, phân bổ giống sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là sự đòi hỏi phải hợp tác, liên doanh để đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào với giá rẻ hơn so với làm cá thể'', Bộ trưởng nói. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình làng xã, khuyến nông tự quản.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Hoàng Bình, khẳng định, Hải Dương sẽ hoàn thành việc "dồn điền, đổi thửa" trong năm nay. Đại diện UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) cũng cho biết, huyện đang coi đây là nhiệm vụ hàng đầu nhằm đạt được khối lượng sản xuất hàng hoá lớn, giá trị kinh tế cao.
Huy động tổng lực
Việc tiêu thụ nông sản hiện vẫn còn bị động. Xây dựng những cánh đồng 50 triệu sẽ làm lượng hàng hóa tăng vọt, khi đó, đầu ra là mối "đại lo". Công việc này hiện do nông dân, gia đình đóng vai trò đại lý, mô hình liên kết 4 nhà thực hiện, và bước đầu là khá thành công. Ông Nguyễn Đức Triều, Chủ tịch Hội Nông dân, cho biết, từ trước đó, Hội đã liên kết với Tổng công ty Lương thực, Nông trường Sông Hậu.. để tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Song, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng, "chúng ta phải khơi lại thị trường trong nước."Tôi đã đi chống lũ ĐBSCL suốt ba tháng, 3 tháng đấy nếu có rau vụ đông của ĐBSH thì rất tốt, thông qua hệ thống đường sắt với các toa lạnh. Hay thị trường nước ngoài, như Trung Quốc là rất lớn, rồi Nhật Bản, Hàn Quốc... Phải tìm được nguồn hỗ trợ, khuyến khích các gia đình xuất giá làm công tác tiêu thụ".
Đối với ngành chế biến, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty Rau quả, nói rằng hiện chúng ta có 6 nhóm mặt hàng chế biến với quy mô vừa, trung bình và lớn; tiêu thụ dưới dạng tươi sống, đồ hộp các loại, đông lạnh và ngâm muối, đường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ông Thành thấy rằng, để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ, phải gắn quy hoạch vùng nguyên liệu với các KCN chế biến; đưa tiến bộ KHKT vào để nâng cao giá trị sản xuất, hạ giá thành đầu vào nhằm tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh. "Giống phải có năng suất cao thì mới có thể có những cánh đồng 50 triệu". Ông đưa ra ví dụ đối với cây cà chua hiện nay. Tổng công ty Rau quả quy hoạch vùng nguyên liệu cho 4 nhà máy chế biến cà chua cô đặc, song đến nay chỉ có một nhà máy. Trong khi đó, năng suất cà chua chưa cao. Nhiều nước trồng đạt 200 tấn cà chua/ha, còn Việt Nam mới đạt 50-60 tấn.
Có thể khẳng định rằng, bản chất của chỉ tiêu 50 triệu đồng không chỉ về số lượng mà quan trọng là về chất lượng, đó là hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất, hiệu quả thu nhập cho mỗi hộ. Do vậy, cần đặt phong trào trong nền kinh tế thị trường, chấp nhận cạnh tranh, cùng cạnh tranh cùng phát triển; giám sát đồng bộ các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, tăng cường sự lãnh đạo thống nhất, có hiệu quả của các bộ ngành địa phương, phát huy tính sáng tạo của nông dân.
- Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trương Tấn Sang: Các mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được, bởi chúng ta đã ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật về giống, chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang cây trồng vật nuôi có giá trị cao. Hiện nay, nhiều nước đã đạt 10.000 USD/ha/năm, tức khoảng 150 triệu đồng; thu nhập của nông dân nước họ cũng không thua kém cư dân sinh sống ở đô thị. Mặt khác, thực tế ở nước ta, ĐBSH và các tỉnh đã có cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 triệu đồng.
- Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ: Nông dân của chúng ta hiện có 3 mức khác nhau: hộ giàu, hộ khá và hộ nghèo. Ta vẫn phải lo xoá đói giảm nghèo, vì đó là chính sách xã hội, nhưng đồng thời, chúng ta phải có bộ phận nào đó bứt lên. Giàu để làm gì? Để đưa tiến bộ KHKT, đưa thương mại về nông thôn. Trên cơ sở đó, kéo cả xóm làng vào làm. Tôi đi thị sát các tỉnh, mỗi xã thường có 5-6 hộ đứng ra thu mua nông sản cho cả làng, họ chăm lo cho cả hai phía: người nghèo và người giàu. Tuy số hộ đạt thu nhập 50 triệu chưa nhiều, nhưng nếu phấn đấu có 30% số hộ thế này thì đó là đầu tàu lớn để lôi kéo, thúc đẩy phát triển nông thôn của chúng ta.
- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Đức Triều: "Ngay từ năm 1998, Hội Nông dân đã phát động phong trào Nông dân sản xuất giỏi và làm giàu, để bà con cùng suy nghĩ, với diện tích đất, diện tích mặt nước, vốn, sức lao động của mình như vậy, bằng cách nào để phát huy kinh nghiệm và áp dụng KHKT, tạo giá trị thu nhập cao nhất trên một diện tích đất. Từ đó, đặt ra câu hỏi: tại sao cùng một diện tích này, ông A đạt 10 tấn/ha, trong khi ông B chỉ là 7 tấn/ha, phải chăng gia đình này có giống tốt hơn, làm đất kỹ hơn, gieo đúng thời vụ, chăm sóc tốt... cuối cùng cho sản lượng, chất lượng cao hơn? Hội Nông dân sẽ tổng kết các hộ dân có thu nhập cao nhất để phổ biến, nhân rộng; đồng thời, thường xuyên xem xét, khen thưởng, động viên kịp thời cho hộ làm kinh tế giỏi". |
|