|
Chế biến cá tra, basa xuất khẩu. |
Ngày 15/5, Bộ Thương mại đã thông báo về kết quả cuộc đàm phán "Thỏa thuận đình chỉ vụ kiện cá tra, cá basa fillet đông lạnh" vừa diễn ra từ ngày 5-9/5 tại Washington giữa Bộ Thương mại Việt Nam và Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Hai bên đã không đạt được thoả thuận cuối cùng do quan điểm quá khác nhau.
Trong quá trình giải quyết vụ "Hội những người nuôi cá nheo Hoa Kỳ (CFA) kiện Hiệp hội nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Việt Nam (VASEP) bán phá giá cá tra, basa fillet đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ", Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã gợi ý Bộ Thương mại hai nước đàm phán về một "Thoả thuận đình chỉ" (SA) vụ kiện này. Mặc dù Chính phủ Việt Nam cũng như VASEP đã nhiều lần khẳng định Việt Nam không bán phá giá cá tra, cá basa fillet đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng với tinh thần thiện chí, Việt Nam đã chấp nhận đàm phán về một Thoả thuận như trên.
Được phép của Thủ tướng Chính phủ, đoàn đàm phán của Việt Nam do Bộ Thương mại chủ trì với sự tham gia của các Bộ Thủy sản, Ngoại giao, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã tiến hành đàm phán với Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Nhưng hai bên không đạt được thoả thuận cuối cùng do quan điểm rất khác nhau, cả về phương pháp luận và mức tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cho mặt hàng cá tra, cá basa fillet đông lạnh của Việt Nam.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã dùng phương pháp luận tính cho vụ kiện thép cán nóng của Nga bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ năm 1997 để làm căn cứ cho phương án đàm phán của họ. Và vì vậy, Hoa Kỳ đưa ra hạn mức xuất khẩu cá tra, cá basa fillet đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ rất thấp còn giá bán rất cao.
Phía Việt Nam cho rằng cách tiếp cận này là không hợp lý đối với sản phẩm cá tra, cá basa fillet đông lạnh của Việt Nam vì thép cán nóng là một sản phẩm công nghiệp, còn cá tra, cá basa của Việt Nam là sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo chu trình kín, từ nuôi trồng đến chế biến. Hơn nữa, trong vụ kiện thép cán nóng của Nga, Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã kết luận mặt hàng này của Nga bán vào thị trường Hoa Kỳ đã "gây thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước", còn ở vụ kiện cá tra, cá basa của Việt Nam, ITC mới kết luận là "đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước" (mặc dù Việt Nam không đồng ý với kết luận này).
Trong lịch sử các vụ kiện bán phá giá, việc đạt được các thoả thuận đình chỉ giữa các cơ quan chính phủ là rất hãn hữu. Vụ kiện sẽ được tiếp tục giải quyết theo các phương thức khác. Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ có thái độ khách quan và công bằng khi xử lý các bước tiếp theo trong vụ kiện phi lý này, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ vì lợi ích của cả hai bên theo Hiệp định Thương mại song phương giữa hai nước và theo tinh thần tự do hoá thương mại mà Hoa Kỳ đang theo đuổi.
Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các Bộ Thương mại, Thuỷ sản và các Bộ Ngành có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm xuất khẩu cá tra, cá basa, tiêu thụ sản phẩm cho những người nông dân nuôi cá.
(Theo TTXVN) |