Ngừng nhập khẩu bò Australia về các tỉnh ĐBSCL
18:09' 27/10/2003 (GMT+7)

Chăn nuôi bò sữa ở ĐBSCL phát sinh nhiều vấn đề cần phải có sự điều chỉnh.

Ngừng nhập khẩu bò Australia về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đó là chỉ đạo của Tiến sĩ Bùi Bá Bổng- Thứ trưởng Bộ  Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại buổi họp về chăn nuôi bò sữa các tỉnh phía Nam ngày 26/10. Ba năm qua việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở vùng này diễn ra khá rõ nét, nhất là thủy sản, cây ăn trái... nhưng về chăn nuôi, nhất là con bò sữa phát sinh nhiều vấn đề cần phải có sự điều chỉnh. 

“Thủ đô” bò sữa sẽ di chuyển lên Lâm Đồng

Lượng bò sữa ở 21 tỉnh, thành phía Nam (gồm Đông Nam bộ và Tây Nam bộ) hiện nay là 55.176 con, chiếm trên 70% tổng đàn cả nước. Tốc độ tăng đàn năm 2002 so với 2001 ở ĐBSCL là 109%, khu vực Đông Nam bộ là 29,71%. Năm 2003 tốc độ có giảm xuống, nhưng vẫn ở mức cao. Năng suất sữa nâng lên 3.600 lít - 3.800 lít/con/chu kỳ (năm 2001 là 3.500 lít/con/chu kỳ). Riêng TP.HCM trên 4.000 lít/con/chu kỳ.

Nhưng theo Tiến sĩ Hoàng Kim Giao, Cục phó Cục Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), không nên nuôi bò sữa nếu chưa quy hoạch tổng thể về chăn nuôi, không được chuẩn bị chu đáo về kiến thức cho người chăn nuôi, thiếu cán bộ quản lý, thú y và cơ sở vật chất (thức ăn, kỹ thuật, chưa có chuồng trại và đất trồng cỏ), không có lao động… Điều này giải thích vì sao TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Lâm Đồng phát triển đàn bò sữa khá tốt nhưng An Giang, Cần Thơ, Bà Rịa- Vũng Tàu, nhất là tỉnh Đồng Tháp lại gặp sự cố.

Theo khảo sát của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi (Viện Chăn nuôi quốc gia), về tổng thể, ĐBSCL không có lợi thế về nuôi bò sữa do thường bị ngập lụt hàng năm, bò dễ phát sinh bệnh. Việc phát triển đàn bò sữa nên tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam bộ (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh…). Về lâu dài, theo Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, nuôi bò sữa cần phải tập trung theo quy mô trang trại, tạo ra lượng hàng hóa lớn, có đồng cỏ rộng thuận lợi cho việc quản lý và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi. Đó chính là vùng Tây Nguyên, mà Lâm Đồng là “thủ đô” mới của bò sữa.

Bò lai hướng sữa trong nước “lên ngôi”

Việc nhập khẩu bò sữa thời gian tới sẽ được quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn, cần tiêu chuẩn hóa con giống, chuẩn bị đầy đủ cơ sở nuôi tân đáo (thời gian cách ly khi mới nhập về), không được nhập ồ ạt, quá nhiều trong một lần về cùng địa phương. Giảm bớt tốc độ phát triển quá nóng đàn bò sữa. Việc phát triển sẽ dựa trên đàn bò sữa trong nước là chính và căn cơ nhất. Bộ NN&PTNT khuyến khích nuôi và phát triển trên cơ sở lai tạo từ đàn bò lai Sind trong nước, phù hợp với khả năng người nuôi và sự thích nghi cao so với bò thuần HF nhập.

Ông Nguyễn Khắc Ngân, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, trải qua nhiều thất bại và phải mất gần 20 năm TP.HCM mới có được đàn bò sữa trên 42.000 con như hiện nay, trong đó chỉ có 1.000 con là bò thuần HF nhập, số còn lại là từ đàn bò nền (lai Sind). TP.HCM sẽ không nhập tiếp bò giống sữa HF thời gian tới. Việc nhập bò HF là nhằm đa dạng hóa con giống, nâng cao chất lượng sữa. Cần chuyển đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ. Xác định trồng cỏ là nghề và cỏ là hàng hóa. Khuyến khích việc bảo hiểm bò, nuôi quy mô 15-20 con trở lên và cách xa khu dân cư. Cần tính đến mạng lưới mua sữa góp phần giải quyết đầu ra cho việc tiêu thụ sữa hàng ngày.

(Theo SGGP)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Nhập bò sữa giống phải "gánh" trách nhiệm chất lượng
Nông dân Mỹ giúp nông dân Việt Nam nuôi bò sữa
Để có con bò sữa Việt Nam, cần 20 năm nữa
20 tỷ đồng xây dựng trung tâm chăn nuôi bò sữa
CÁC TIN KHÁC:
Chính phủ rà soát và tổng kết Luật Doanh nghiệp (27/10/2003)
Hà Nội mở chợ phiên giống vào các ngày Chủ nhật (27/10/2003)
Một lô đất được trả giá 46,5 triệu đồng/m2 (27/10/2003)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,2% (27/10/2003)
Đà Nẵng quy hoạch bán đảo Sơn Trà để phát triển du lịch (27/10/2003)
Công chức, cán bộ cấp xã được hưởng lương từ ngân sách (27/10/2003)
Mở rộng thực hiện hoán đổi giá cả hàng hoá (27/10/2003)
Sắp xếp DN nhà nước: Chớ nên “ép mẹ, ép con”! (27/10/2003)
TP.HCM: 10 năm chỉ có một đợt kiểm tra xăng dầu (27/10/2003)
Giá cao su tăng mạnh, ngành sản xuất lốp xe lao đao (27/10/2003)
''Ngộ độc'' ưu đãi (25/10/2003)
Viettel sẽ thử nghiệm mạng điện thoại di động cuối năm nay (25/10/2003)
VDC mở rộng đường truyền Internet (25/10/2003)
Phó chủ tịch WB thăm Việt Nam (25/10/2003)
Mùa giảm giá và khuyến mãi (03/11/2003)
Tro ve dau trang