Sắp xếp DN nhà nước: Chớ nên “ép mẹ, ép con”!
09:19' 27/10/2003 (GMT+7)
Để trở thành công ty mẹ, Dệt may Gia Định cần được đầu tư để mạnh lên.

Theo kế hoạch được phê duyệt hơn nửa năm nay, các đơn vị dệt may TP.HCM sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con, với “mẹ” là Công ty Dệt may Gia Định và “con” là Công ty Dệt Sài Gòn cùng một số công ty may mặc khác. Còn các đơn vị cơ khí sẽ được gom lại để hình thành một tổng công ty cơ khí, cũng theo mô hình mẹ- con. Thế nhưng đến nay cả hai phương án này vẫn chưa xây dựng xong.

Lý giải về việc xây dựng phương án mẹ- con của ngành dệt may bị kéo dài, Sở Công nghiệp TP.HCM cho biết chủ yếu do lấn cấn ở chỗ công ty được chọn là công ty mẹ chưa đáp ứng được yêu cầu của mô hình mẹ - con.

Dệt may Gia Định đang khó khăn về tài chính và kinh doanh thua lỗ mấy năm gần đây. Một số DN được chọn làm công ty con trong phương án này đã đặt vấn đề: công ty mẹ tự lo cho mình đã thấy vất vả, làm sao có thể hỗ trợ các công ty con phát triển?

Tương tự như vậy, các DN cơ khí quốc doanh thuộc sở cũng đang ở dạng “èo uột”, do vốn ít và thiết bị công nghệ lạc hậu. Vốn gộp của các DN này chưa đủ để hình thành một tổng công ty, mà có đủ vốn để hình thành tổng công ty đi nữa cũng không thể tìm được đơn vị xứng đáng để làm công ty mẹ.

Trong một cuộc họp mới đây, đáp lại thúc hối của Ban đổi mới quản lý DN thành phố về tiến độ xây dựng hai phương án này quá chậm, phó giám đốc Sở Công nghiệp TP.HCM Hà Viết Thanh có trình bày như sau:

“Để công ty mẹ - con ngành dệt may khi ra đời hoạt động có hiệu quả, trước hết phải tính toán đến chuyện củng cố để Dệt may Gia Định mạnh lên và điều này cần thời gian. Đối với tổng công ty ngành cơ khí, Sở Công nghiệp đang khảo sát vài DN nhà nước ngành cơ khí của Bộ Công nghiệp đóng trên địa bàn thuộc diện có thực lực về vốn và công nghệ để chọn làm công ty mẹ, do đó việc hình thành tổng công ty này cũng cần thêm thời gian để bàn bạc với Bộ Công nghiệp”.

Ở Sở Công nghiệp cũng từng có bài học trong sắp xếp DN nhà nước ngành dệt: những quyết định sáp nhập mang tính hành chính nhằm gom đầu mối các DN ngành dệt từ mười mấy đơn vị thành hai đơn vị đã không làm cho ngành dệt quốc doanh của thành phố mạnh hơn, trái lại còn làm yếu đi những đơn vị mạnh do phải gồng gánh thêm các DN đang làm ăn thua lỗ. Sai lầm như vậy quả là không nên lặp lại một lần nữa ở lần sắp xếp này.

Với ngành cơ khí cũng vậy, việc gom đầu mối DN đến bây giờ vẫn là tình trạng manh mún và vẫn chưa có được một DN thật sự mạnh trong ngành này. Việc phải tìm một “đầu tàu” khác ở các DN cơ khí thuộc Bộ Công nghiệp rõ ràng là một biện pháp cần thiết nếu muốn hình thành một tổng công ty có đủ thực lực để tạo bước tiến thật sự cho cơ khí quốc doanh của thành phố.

Do vậy, mặc dù những tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con đang là đích nhắm của chương trình sắp xếp DNNN, song trong một số trường hợp như ở ngành dệt may và cơ khí thành phố, có lẽ không nhất thiết phải “ép mẹ, ép con” bằng những quyết định hành chính để đẩy nhanh tiến độ.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM: 10 năm chỉ có một đợt kiểm tra xăng dầu (27/10/2003)
Giá cao su tăng mạnh, ngành sản xuất lốp xe lao đao (27/10/2003)
''Ngộ độc'' ưu đãi (25/10/2003)
Viettel sẽ thử nghiệm mạng điện thoại di động cuối năm nay (25/10/2003)
VDC mở rộng đường truyền Internet (25/10/2003)
Phó chủ tịch WB thăm Việt Nam (25/10/2003)
Mùa giảm giá và khuyến mãi (03/11/2003)
Mỹ có thể khởi kiện bán phá tôm vào 15/12 (25/10/2003)
Đấu giá để thuê đất (24/10/2003)
Vốn ưu đãi đầu tư cho những dự án "liều" (24/10/2003)
Đã có 84 dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai (24/10/2003)
Chuẩn bị xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn (24/10/2003)
Rau hữu cơ, khẩu vị mới cho người Hà Nội (24/10/2003)
Gần 60 triệu USD đầu tư vào khu du lịch biển Hà My (24/10/2003)
Nhật Bản giúp Việt Nam nghiên cứu chính sách thuế (24/10/2003)
Tro ve dau trang