Vốn ưu đãi đầu tư cho những dự án "liều"
17:19' 24/10/2003 (GMT+7)

Nhà máy đường Thới Bình, một trong những nhà máy đang gặp khó khăn.

Đã có hàng nghìn dự án hình thành từ hàng vạn tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Trong số đó có dự án làm đến đâu lỗ đến đó, có dự án ra đời để "đắp chiếu", có dự án chưa khởi động đã thấy "vực thẳm"...

Máy móc đắp chiếu, đồng vốn thất thoát...

Công ty Cơ khí Hà Nội là một DN được vay vốn 159 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi theo kế hoạch nhà nước và vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nay 121,3 tỷ đồng đã được giải ngân theo dự án "Đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất Công ty Cơ khí Hà Nội"; đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xưởng đúc và một số máy móc tự động hoá.

Hiện nay, xưởng đúc với 90,5 tỷ đồng đã đầu tư, dây chuyền đúc khuôn tươi bất động. Công nhân cho biết, từ ngày lắp ráp nó mới hoạt động vài lần, nay không có hàng phải nằm nghỉ. 6 lò trung tần để nấu luyện thì 3 lò nguội lạnh, 1 lò đang tháo tung sửa chữa, các lò thay nhau hỏng vòng đồng, gây rò rỉ hoạt động khoảng 7% công suất thiết kế. Hệ thống cầu trục dùng để di chuyển các thùng kim loại nóng chảy thì cán bộ kỹ thuật phản ánh: chỉ chạy tới 12% công suất thì nghỉ vì nó không chịu được. Bộ phận chiếm nhiều vốn thứ tư trong dự án này là lò ủ, lò tôi cũng nằm im vì chi phí nhiên liệu quá cao so với giá trị sản phẩm làm ra.

Ông Nguyễn Hoà, Phó giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội thừa nhận tình trạng hỏng hóc và nêu lý do: máy mới thường trục trặc, công nhân không biết vận hành và hệ thống cầu trục bị tính toán lắp đặt sai...

Theo đề án của Công ty, sau đầu tư sản lượng sẽ là 12.000 tấn/năm. Tuy nhiên ông Hoà cho biết, từ khi vận hành hệ thống đến nay chưa bao giờ Công ty đạt 100 tấn sản phẩm/tháng, tức chỉ tiêu 1.200 tấn/năm bằng 1/10 công suất nêu trong dự án cũng là không thể. Dù thời gian bao cấp sản lượng của Công ty đã đạt trên dưới 3.000 tấn/năm.

Đơn đặt hàng đầu tiên xuất ngoại (sang Hàn Quốc) là cung cấp chốt và lợi thép đã sụp đổ. Sau khi kiểm tra chất lượng hàng khách đã đòi lại 1.200 USD đặt cọc.

Ngày 12/8/2003, Giám đốc Công ty Lê Sĩ Chung đã phải ra thông báo thừa nhận chất lượng sản phẩm của đơn hàng trong nước lớn nhất là "6 quả lô cho Nhà máy đường Việt Đài (Thanh Hoá, trị giá 17 triệu đồng/quả) đã vỡ 5 quả". Hợp đồng chế tạo dây chuyền cán thép Phú Mỹ "do không nghiên cứu kỹ các yêu cầu chế tạo, không tìm hiểu chính xác giá mua của chi tiết thuỷ lực, bạc xốp... nên giá trị hợp đồng thấp hơn giá trị mua có loại đến 50%". Tình trạng thực hiện các đơn hàng quá thời hạn, hoặc giá thành cao hơn giá bán, chấp nhận lỗ liên tục xảy ra.

Một dự án khác hình thành từ vốn ưu đãi theo kế hoạch Nhà nước và một số nguồn khác là Nhà máy chế biến gỗ MDS (Gia Lai) với 6.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản và hàng chục nghìn tỷ xây dựng vùng nguyên liệu. Theo tài liệu của quỹ hỗ trợ phát triển, dự án khởi động từ năm 2001, sản xuất ván ép từ gỗ cao su. Nhưng toàn bộ hệ thống dây chuyền gần như đắp chiếu. Lý do: gỗ có màu không tươi do trồng cây ở độ dốc không phù hợp; kích cỡ gỗ bị nhỡ, thị trường không chấp nhận. Hàng nghìn hecta rừng trồng làm nguyên liệu nay không còn có ý nghĩa. Thay nó phải có vốn, thời gian và cơ chế cùng hàng loạt thứ khác. Thế là nhiều chục nghìn tỷ đồng nằm chờ phương án khắc phục và đẻ nợ.

Ông Đỗ Ngọc Tước, Chủ tịch hội đồng quản trị Quỹ hỗ trợ phát triển, cho biết: Một dự án "ăn" khoảng một vài chục nghìn tỷ đồng ưu đãi của Nhà nước tuy đang làm nhưng biết chắc là không hiệu quả và sẽ lỗ là Nhà máy sản xuất phân bón của Tổng công ty Hoá chất đang xây dựng ở Hải Phòng...

Biết lỗ vẫn... cho vay?

Điều đáng nói là các dự án này khi bàn thảo đã có hàng loạt ý kiến phản đối, vạch rõ những bất hợp lý, nguy cơ thất bại nhưng tất cả đã không được xem xét.

Đề án đầu tư cho Công ty cơ khí Hà Nội để đạt sản lượng 12.000 tấn sản phẩm đúc/năm với hai lĩnh vực sản xuất chính là máy công cụ và phôi gang thép, thiết bị, phụ tùng máy công nghiệp. Dù từ năm 1995-1997 số lượng máy cũng như tổng số lượng hàng hoá của Công ty cơ khí Hà Nội cũng dần tụt từ 306 máy xuống 198 máy/năm, tương ứng với giá trị từ 7,4 tỷ đồng xuống 5,6 tỷ đồng, thế nhưng dự án đã đề ra con số sản lượng và giá  trị công nghiệp của lĩnh vực này sau khi đầu tư lớn gấp 20 lần chưa đầu tư. Tuy nhiên bán cho ai, hàng gì thì không rõ. Văn bản "can gián" của cơ quan chủ quản là Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp gửi bộ trưởng công nghiệp gọi "đây là yếu tố không an toàn đầu tiên của dự án" (công văn số 315/CV/KH ngày 25/7/1998 của Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp).

Công ty này chưa từng xuất khẩu. Dây chuyền mới chỉ bằng một xưởng nhỏ ở Đông Nam Á thì một chuyện chiếm lĩnh thị phần quốc tế với doanh số 42,4 tỷ đồng/năm là "yếu tố không an toàn thứ hai của dự án".

Dự án này chấp nhận ít nhất có 7 năm sau đầu tư vẫn lỗ. Lỗ luỹ kế cao nhất đến năm 22,9 tỷ đồng/năm. Năm 2004 bắt đầu trả lãi với mức 3-4 tỷ đồng/năm. Khoản tiền này kéo 7 năm liền mà công ty không có phương án cụ thể khai thác ở đâu. Ngân hàng không thể cho vay tiếp, dù có được vay thì lãi suất vốn ngắn hạn không ưu đãi lại đẻ nợ nhanh hơn. Nguy cơ phá sản đã xuất hiện ngay từ khi chưa đầu tư, nay cộng thêm những bất cập trong chất lượng, tính tương thích của dây chuyền thiết bị và trình độ vận hành thì dự án "Đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất Công ty cơ khí Hà Nội" đang rơi vào vực thẳm.

Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDS, không ai hiểu nổi với hàng chục nghìn tỷ đồng đổ ra sản xuất mà người lập dự án không nắm được thị hiếu cơ bản nhất của người tiêu dùng là với kích cỡ miếng gỗ đó người ta có thể dùng vào việc gì?

Còn như dự án sản xuất phân bón của Tổng công ty Hoá chất đặt tại Hải Phòng tại sao biết lỗ mà vẫn cho vay? Ông Đỗ Ngọc Tước nói: Việt Nam đang thiếu phân bón cao cấp. Vì lợi nhuận thấp khó cạnh tranh và nhiều khó khăn khác nên Nhà nước không sản xuất thì không ai chịu sản xuất. Hơn nữa cái lãi của dự án này sẽ được tính ở việc: tiêu thu apatit ở Lào Cai, góp phần giảm giá thành công nông sản, giải quyết việc làm... Chương trình một triệu tấn mía đường cũng đã có nhiều người can gián dưới mọi hình thức khi khởi động nhưng nó vẫn ra đời.

Khi nghe những lý do tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập dân cư và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...Ở các chương trình kinh tế thất bại, có người đã nói: chẳng lẽ để góp phần phát triển một lĩnh vực nào đó của dân sinh mà phải hi sinh những khoản tiền khổng lồ của dân, hi sinh chiến lược phát triển của những lĩnh vực khác một cách "âm thầm, anh dũng" như thế?

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đã có 84 dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai (24/10/2003)
Chuẩn bị xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn (24/10/2003)
Rau hữu cơ, khẩu vị mới cho người Hà Nội (24/10/2003)
Gần 60 triệu USD đầu tư vào khu du lịch biển Hà My (24/10/2003)
Nhật Bản giúp Việt Nam nghiên cứu chính sách thuế (24/10/2003)
Thuỷ sản xuất khẩu tăng 11% (24/10/2003)
Các nước châu Á hợp tác ổn định thị trường gạo (24/10/2003)
Tổ chức hội chợ thương mại Việt Nam tại Phnompenh (24/10/2003)
30 chuyên gia nông nghiệp VN sang giúp Madagascar (24/10/2003)
Doanh nghiệp hàng hải Việt Nam thiệt hại do luật (24/10/2003)
Nên có hội chợ cho các nước tiểu vùng sông Mekong (23/10/2003)
Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Phước Sơn (23/10/2003)
Hơn 450 triệu đồng cho vay hỗ trợ xuất khẩu (23/10/2003)
20 tỷ đồng xây dựng trung tâm chăn nuôi bò sữa (23/10/2003)
Đã có nơi môi giới mua, bán nhà đất tại Mỹ (23/10/2003)
Tro ve dau trang