Doanh nghiệp hàng hải Việt Nam thiệt hại do luật
06:40' 24/10/2003 (GMT+7)

Đội tàu biển Việt Nam mới vận chuyển được 15% khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu.

(VietNamNet) - Bộ luật Hàng hải đã có hiệu lực 13 năm (từ 1/1/1991). ''Tuổi thọ'' không thể hiện tính bền vững mà thực tế nhiều quy định của bộ luật này đã quá bất cập, không đủ sức điều chỉnh các quan hệ hàng hải. Những quy định lỏng lẻo, thiếu tính khả thi của bộ luật này đã làm thiệt hại hàng tỷ đồng cho các DN, đồng thời tạo ra ''sức cản'' đối với ngành hàng hải Việt Nam. Thực tế đội tàu biển trong nước mới vận chuyển được 15% lượng hàng hoá, còn lại là tàu nước ngoài.

Phân biệt 'tàu'

Theo ông Chu Quang Thứ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, khi Bộ luật Hàng hải ra đời (1/1/1991), định hướng về một nền kinh tế thị trường chưa được xác định rõ nên có sự phân biệt về phạm vi hoạt động giữa tàu biển ''tư nhân'' và tàu biển ''nhà nước''. Các thành phần kinh tế tư nhân tuy đã được phép kinh doanh vận tải biển nhưng phạm vi hoạt động rất hạn chế, nhất là đối với tuyến nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ luật chỉ cho phép người Việt Nam thường trú tại Việt Nam được đăng ký tàu biển tại Việt Nam chứ chưa cho phép người Việt Nam thường trú tại nước ngoài được đăng ký tàu biển tại Việt Nam. Phạm vi của Bộ luật cũng chỉ áp dụng đối với tàu biển Việt Nam và từng trường hợp cụ thể thì mới áp dụng với tàu nước ngoài.

Ông Chu Quang Thứ cho biết, sẽ sửa đổi Bộ luật Hàng hải sửa đổi theo hướng xoá bỏ sự phân biệt giữa tàu ''nhà nước'' và tàu ''tư nhân'', đồng thời mở rộng áp dụng cho tàu nước ngoài khi hoạt động ở Việt Nam.

Khái niệm không rõ ràng

Nhiều ý kiến sửa đổi Bộ luật Hàng hải cho thấy, khái niệm chủ tàu trong bộ luật chưa đầy đủ vì mới chỉ quy định để đăng ký tàu biển với đúng nghĩa chủ tàu là người sở hữu tàu biển. Điều này dẫn đến mâu thuẫn trong thực tế là người quản lý tàu biển của Nhà nước không được coi là chủ tàu. Theo ông Chu Quang Thứ, khái niệm ''chủ tàu'' sẽ phải rộng hơn vì trong thực tế còn có người sở hữu người khai thác, người quản lý tàu...

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, khái niệm tàu biển chưa cụ thể, chưa phân biệt rõ tàu biển với các loại tàu khác như tàu thuỷ sản, phương tiện thuỷ nội địa... sẽ được quy định trong các luật khác như Luật Thuỷ sản, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa được ban hành trong thời gian tới.

Ngoài các khái niệm ''không rõ ràng'' thì một điển hình ''lạc hậu'' của Bộ luật Hàng hải là đơn vị tiền tệ tính bồi thường tổn thất còn quy định bằng đồng france vàng. Quy định này không khả thi vì thực tế ngân hàng Việt Nam không thể quy đổi đơn vị này sang đồng Việt Nam. Tới đây, theo ông Chu Quang Thứ, giới hạn bồi thường tổn thất hàng hoá sẽ chuyển áp dụng mức giới hạn trách nhiệm từ 10.000 france vàng cho mỗi kiện hàng hoá hoặc 30 france vàng cho mỗi kilôgam trọng lượng hàng hoá (theo Công ước Hague Rules) thành 666,7 SDR (đồng tiền định giá dựa trên các đồng tiền của 5 nước xuất khẩu lớn) cho mỗi kiện hàng hoá hoặc 2 DSR cho mỗi kilôgam hàng hoá (theo Hague Visby Rules) cho phù hợp với xu hướng thế giới.

Thủ tục tố tụng mâu thuẫn

Vào năm 1993, do điều khoản quy định về trục vớt tàu đắm không chặt chẽ nên một DN trong nước đã phải chịu thiệt 1,7 triệu USD khi tiến hành trục vớt tàu Panhavard của Đài Loan đắm tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ luật Hàng hải chỉ quy định một chiều (tàu vào cảng chậm sẽ bị phạt mà không có quy định vào sớm cũng bị phạt) nên vào năm 1995 đã xảy ra 3 tàu đâm nhau ở luồng cảng Hải Phòng, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế và Tư pháp Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), quy định về giải quyết tranh chấp trong hàng hải có điểm chưa rõ ràng, không khả thi hay mâu thuẫn với các quy định của luật tố tụng dân sự và tố tụng kinh tế, nhất là việc áp dụng thời hiệu khởi kiện, chứng minh lỗi, gây khó khăn cho các cơ quan xét xử và các đơn vị liên quan.

Chẳng hạn, quy định về bắt giữ tàu biển không phù hợp với thông lệ hàng hải quốc tế. Bộ luật Hàng hải quy định toà án chỉ được bắt giữ tàu khi đã thụ lý vụ án. Điều này không thuận lợi cho các tổ chức cá nhân muốn bắt giữ tàu (nhất là tàu nước ngoài) tại Việt Nam. Để ban hành được lệnh bắt giữ tàu, toà án phải thụ lý vụ án và như vậy cần phải có thời gian trong khi việc bắt tàu đòi hỏi nhanh và bí mật. Qua tham khảo công ước quốc tế về bắt giữ tàu biển và luật hàng hải của hầu hết các nước, ông Thứ cho biết quy định bắt giữ tàu sẽ được sửa đổi: việc bắt tàu có thể thực hiện trong cả trường hợp toà án không cần phải thụ lý vụ án, mà chỉ cần nhận đơn yêu cầu bắt tàu của người khiếu nại.

Ngoài ra, sau 13 năm Bộ luật Hàng hải có hiệu lực, đến nay vẫn chưa quy định cơ quan nào sẽ ban hành trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển tại Việt Nam, điều mà hầu hết các nước đều có quy định.

Bộ luật Hàng hải cũng quy định khi bị khiếu nại thì trách nhiệm chứng minh lỗi là chủ tầu phải chứng minh mình không có lỗi. Điều này không phù hợp với thủ tục tố tụng dân sự và tố tụng kinh tế của Việt Nam vì người khiếu nại muốn chủ tàu bồi thường thì phải chứng minh được chủ tàu có lỗi trong việc gây ra tổn thất.

Theo ông Chu Quang Thứ, còn nhiều quy định trong Bộ luật Hàng hải sẽ được sửa đổi, bổ sung như quy định về giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với các khiếu nại hàng hải; bổ sung quy định về quản lý và kinh doanh cảng biển; quy định về an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; bổ sung dịch vụ vận tải đa phương thức; quy định cụ thể hơn về trục vớt tàu đắm; quy định về bảo hiểm hàng hải...

Bộ Luật Hàng Hải Việt Nam được Quốc hội khoá VIII kỳ họp thứ VII thông qua ngày 30/6/1990 và có hiệu lực từ 1/1/1991.

Bộ luật gồm 18 chương, 244 điều và mỗi chương là một loại chế định điều chỉnh các quan hệ pháp luật phát sinh trong từng lĩnh vực hoạt động hàng hải như tàu biển, thuyền viên, dịch vụ hàng hải, vận chuyển hàng hoá, hành khách. Đồng thời Bộ luật cũng có các nội dung quy định trách nhiệm dân sự chủ tàu, tổn thất chung, bảo hiểm hàng hải, giải quyết tranh chấp hàng hải, về bắt giữ tàu, về nguyên tắc chọn luật khi có xung đột pháp luật.

Từ 1997 đến 5/2003, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập ban soạn thảo xây dựng dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, đến này đã qua dự thảo lần 8. Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ xem xét vào tháng 5/2004, trình Quốc hội xin ý kiến tháng 11/2004 và ban hành vào tháng 5/2005.

  • Thanh Minh
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nên có hội chợ cho các nước tiểu vùng sông Mekong (23/10/2003)
Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Phước Sơn (23/10/2003)
Hơn 450 triệu đồng cho vay hỗ trợ xuất khẩu (23/10/2003)
20 tỷ đồng xây dựng trung tâm chăn nuôi bò sữa (23/10/2003)
Đã có nơi môi giới mua, bán nhà đất tại Mỹ (23/10/2003)
EU áp thuế chống phá giá với ocid kẽm Việt Nam (23/10/2003)
Hà Nội thiếu sức bật của một trung tâm kinh tế (23/10/2003)
Thái Lan đề nghị thống nhất giá gạo trên thị trường quốc tế (23/10/2003)
Hơn 260 hãng ôtô tham dự Tokyo Motor Show 2003 (23/10/2003)
Bộ Xây dựng tự kiểm tra việc đầu tư xây dựng và sử dụng đất đai (23/10/2003)
Thống nhất một đầu mối nhập bột giấy (23/10/2003)
Đấu giá gần 6.000 m2 đất ở quận Thanh Xuân, Hà Nội (23/10/2003)
Tổng cục Thuế chấn chỉnh việc in và bán hoá đơn thuế (23/10/2003)
Nghiên cứu phát triển hệ thống truyền tải điện 500kV (23/10/2003)
Quá nhỏ bé công nghiệp nông thôn (23/10/2003)
Tro ve dau trang