Hà Nội thiếu sức bật của một trung tâm kinh tế
15:39' 23/10/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hà Nội mới sử dụng khoảng 50% tiền gửi huy động trên địa bàn, phần còn lại phải chuyển vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong 2 năm 2001 và 2002, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố này tăng bình quân 10,18%, riêng 9 tháng đầu năm nay tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tăng trưởng liên tục và bền vững như vậy song thành phố này vẫn đang phát triển dưới tiềm năng của mình.

So với cả nước thì Hà Nội đang nắm giữ nhiều ưu thế về các cơ sở tài chính - tiền tệ.

Nếu xét các điều kiện về kinh tế (mức tăng trưởng GDP, GDP theo đầu người, sự phát triển của thị trường vốn...), thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thì Hà Nội còn chưa theo kịp TP.HCM, chưa thể tương xứng với vị thế và tiềm năng của một trung tâm kinh tế - tài chính của đất nước.

Đã đến lúc cần vực dậy những sức mạnh kinh tế đang bị khuất lấp của Thủ đô Hà Nội. Làm thế nào để đưa Hà Nội trở thành một trung tâm tài chính - tiền tệ, thành bộ não của nền kinh tế. Đó là câu hỏi được các chuyên gia ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, các doanh nghiệp, ngành kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ, UBND thành phố cùng đại diện các cở sở đào tạo vừa tụ họp để tìm ra câu trả lời.

Huy động vốn rồi... để đó

Có thể nói, Hà Nội hiện là trung tâm chính trị, hành chính và văn hoá của cả nước. Ở đây tập trung các bộ, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành những chính sách, cơ chế tài chính - ngân hàng như Ngân hàng Trung ương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là nơi tập trung mạng lưới ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/5/2003, có 33 trong tổng số 91 ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng (không kể các quỹ tín dụng) trên toàn quốc đặt trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Thương mại nhà nước: 5/6; Ngân hàng Thương mại cổ phần: 5/25; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 13/27; Ngân hàng liên doanh: 1/4; Công ty tài chính: 3/6; Công ty thuê mua tài chính: 5/8; Quỹ Tín dụng nhân dân: 13/891. Ngoài ra, Hà Nội có nhiều trụ sở của các tổ chức không phải là TCTD nhưng có các hoạt động ngân hàng như: Kho bạc nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển, công ty tiết kiệm bưu điện, các quỹ bảo hiểm, các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư.

Một Trung tâm tài chính - tiền tệ của nền kinh tế thường là trung tâm chính trị của quốc gia cũng là trung tâm của thương mại, đầu tư, trung tâm giao dịch và nghiên cứu, là nơi đặt trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương.

Đây là một trong những công cụ vĩ mô, đòn bẩy cho phát triển kinh tế, sự gia tăng cả về số và chất lượng của các tổ chức tài chính trung gian như ngân hàng thương mại, ngân hàng chuyên doanh, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, chứng khoán... là một nhân tố cơ bản hình thành và phát triển một thị trường tài chính - tiền tệ.

Là nơi tập trung một số lượng lớn các định chế tài chính (hệ thống ngân hàng, các tổ chức phi ngân hàng và các chuyên gia tài chính giỏi. Là nơi có các thị trường tài chính chính thức như thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán (sở giao dịch chứng khoán. Có khối lượng giao dịch tài chính chiếm tỷ trọng chi phối trong toàn hệ thống tài chính - ngân hàng; Các điều kiện về vị trí địa lý thuận lợi (ví dụ là trung tâm giao thông lớn, có hải cảng, sân bay), mức độ phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hơn hẳn so với các khu vực khác.

Các trung tâm tâm chính, đặc biệt là các trung tâm tài chính quốc tế thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực tài chính: Giao dịch ngoại hối (bao gồm các giao dịch tiền mặt, giao dịch forward và các giao dịch hoán đổi); thực hiện các hoạt động mua bán cổ phiếu, chứng khoán nợ và các công cụ phái sinh với quy mô lớn bằng hình thức tiền mặt, hợp đồng giao sau, hợp đồng chọn lựa (options) trên các thị trường tập trung và phi tập trung cũng như thực hiện các giao dịch quản lý tiền tệ, thanh toán, thanh toán bù trừ, mua lại, sáp nhập và các giao dịch chứng khoán khác. 

Như vậy, so với một trung tâm tài chính quốc tế thì mạng lưới định chế tài chính - ngân hàng của Hà Nội còn mỏng, quy mô nhỏ và kỹ năng kinh doanh còn yếu. Nhưng nếu so sánh với cả nước thì Hà Nội đang nắm giữ nhiều ưu thế về các cơ sở tài chính - tiền tệ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Vũ Thị Liên cho biết, đến hết 2002, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội ước đạt 57.850 tỷ đồng, tăng 26,1% so với 2001, cao hơn mức tăng trưởng cho vay nền kinh tế của toàn hệ thống (22,2%). Tuy nhiên, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Hà Nội chỉ bằng 47% tổng vốn huy động. Điều này chứng tỏ một phần rất lớn vốn huy động ở Hà Nội được sử dụng đầu tư ở các tỉnh và thành phố khác có nghĩa là khả năng hấp thu vốn ở Hà Nội còn thấp xa so với tiềm năng huy động.

''Sức bật'' của Hà Nội đang bị kìm nén?

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Hà Nội hiện được đánh giá có thế mạnh là quy mô và mức độ tập trung kinh tế, thương mại và đầu tư lớn tạo thuận lợi cho phát triển thị trường vốn và hoạt động tài chính; Cấu trúc thể chế khá hoàn chỉnh, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống tài chính đồng bộ và có chất lượng tốt hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, những sức mạnh kinh tế chưa phát huy được sức bật của mình do nhiều yếu tố tác động.

Ông Nghiêm Xuân Đạt - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, quy mô và trình độ phát triển kinh tế của Hà Nội vẫn còn thấp: thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 USD/năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp phổ biến các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn chưa hiệu quả cao, khả năng tích luỹ thấp. Mặt khác, chương trình sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, nhất là cổ phần hoá DNNN diễn ra chậm chạp đã góp phần làm chậm lại quá trình hình thành và phát triển thị trường vốn dài hạn.

Bà Vũ Thị Liên nhận định, hệ thống ngân hàng mặc dù đóng vai trò trụ cột trong hệ thống tài chính Hà Nội nhưng quy mô hoạt động, năng lực tài chính và quản trị kinh doanh còn nhiều yếu kém, lại phải hoạt động trong môi trường kinh tế và đầu tư nhiều rủi ro (hệ thống doanh nghiệp yếu kém, thị trường nhiều bất trắc và kinh tế vĩ mô còn nhiều bấp bênh). Hầu hết các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ hơn so với yêu cầu hoạt động kinh doanh. Hoạt động của các ngân hàng còn đơn điệu, chủng loại sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nghèo nàn (chủ yếu dựa vào các hoạt động cho vay thuần tuý). Tình trạng nợ xấu còn cao. Các chỉ số an toàn hoạt động ngân hàng vẫn còn là vấn đề đáng quan ngại: hệ số an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống ngân hàng ở mức 5%, các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ đạt 3-4% trong khi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo thông lệ quốc tế là 8%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ của các ngân hàng Hà Nội kéo dài nhiều năm. Đến cuối 2002, con số này là 1,54%, nếu tính cả nợ chờ xử lý và nợ khoanh thì lên đến 2,7%.

Thứ trưởng Trần Văn Tá của Bộ Tài chính cho rằng, thị trường tài chính của Hà Nội chưa phát triển đồng bộ và thiếu cân đối. Hiện nay, Hà Nội chưa có thị trường chứng khoán có tổ chức, song các thị trường tiền tệ hoạt động vẫn còn kém năng động, thiếu tính kết dính và với quy mô nhỏ bé. Điều này cũng phản ánh tính bất đối xứng của hệ thống tài chính Hà Nội - chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Hầu hết các thị trường tiền tệ hoạt động trong trạng thái ách tắc, trì trệ do thiếu công cụ giao dịch (số lượng và chủng loại giấy tờ có giá phát hành hạn chế, chủ yếu là tín phiếu và trái phiếu kho bạc). Năng lực của các thành viên tham gia thị trường còn nhiều hạn chế.

Hệ thống luật pháp về tài chính chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, đặc biệt là chưa có luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (hiện nay văn bản cao nhất điều chỉnh hoạt động này là Nghị định số 48/1998/NĐ-CP) và thiếu chính sách khuyến khích phát triển hoạt động tài chính và thị trường tài chính. Hệ thống pháp luật về ngân hàng còn những điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, các quy định, pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại còn nhiều bất cập nên đã ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển của thị trường vốn dài hạn.

Theo ông Tá, Hà Nội đang thiếu các nhà đầu tư, nhất là quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức quản lý quỹ. Niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính nói chung còn chưa cao dẫn đến nhu cầu đầu tư vào các công cụ tài chính và sử dụng các tiện ích của hệ thống tài chính còn rất hạn chế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không tích cực trong việc huy động vốn trực tiếp từ công chúng mà vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc nguồn vốn ưu đãi từ ngân sách nhà nước để tránh phải công bố và giải thích cho công chúng các thông tin về tình hình hoạt động và kết quả tài chính.

Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ - kỹ thuật tài chính như dịch vụ kiểm toán, tư vấn tài chính, đầu tư, hệ thống kế, toán, thông tin, lưu ký, đăng ký, xếp hạng tín nhiệm... còn nhiều hạn chế cho sự phát triển thị trường vốn dài hạn. Hệ thống kế toán và các chuẩn mực kiểm toán chưa tương đồng với thông lệ quốc tế, thiếu tính minh bạch. Yêu cầu về cung cấp thông tin cho công chúng chưa được thể chế hoá đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tiễn. Các công ty chứng khoán và các tổ chức trung gian khác hoạt động trên thị trường vốn còn yếu về trình độ chuyên môn và thiếu về kinh nghiệm.

Hệ thống thanh tra - giám sát tài chính còn chưa đồng bộ và yếu về khả năng giám sát toàn bộ thị trường tài chính, đặc biệt là rủi ro. Trách nhiệm thanh tra - giám sát hệ thống tài chính được chia sẻ bởi Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán, nhưng khả năng phối hợp giữa các cơ quan này còn nhiều hạn chế.

Phó Thống đốc Vũ Thị Liên cũng đồng tình với các nhận định trên. Bà cho  rằng, hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò trụ cột trong hệ thống tài chính của Hà Nội. Phần lớn các giao dịch tài chính diễn ra tại đây và tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn quan trọng cho các hoạt động kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp. Các định chế phi ngân hàng trong hệ thống tài chính hoạt động với quy mô và phạm vi rất hạn chế. Kho bạc Nhà nước, Quỹ hỗ trợ đầu tư, Công ty Tiết kiệm bưu điện chủ yếu nhằm phục vụ đầu tư phát triển của Nhà nước; các công ty tài chính chủ yếu thuộc các các tổng công ty nhà nước hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty; các công ty chứng khoán hoạt động cầm chừng do thị trường chứng khoán kém phát triển.

''Bên cạnh việc vận hành của các tổ chức tài chính trung gian, Hà Nội còn có một thị trường thứ cấp đang hoạt động rất mạnh mà sự phát triển của nó chứa đựng những rủi ro lớn về tài chính. Đó cũng là hạn chế của thị trường tài chính hiện nay do những cơ chế ràng buộc về hoạt động hiện tại của các tổ chức tài chính trung gian và khả năng hạn chế chung của thị trường chính thức'', bà Liên nói.


Thị trường tài chính chính thức tại Hà Nội hiện gồm thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường nội tệ liên ngân hàng và thị trường mở. Đây là những tiêu điểm quan trọng phân phối vốn cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng hiện có 60 ngân hàng tham gia. 60% giao dịch trên thị trường do ngân hàng nhà nước thực hiện với các NH nhằm mục đích can thiệp thị trường. Mức giao dịch bình quân giữa các ngân hàng khoảng 10 triệu/tháng. Tổng doanh số giao dịch giảm 6,6% so với năm 2001, do đó thị trường này vẫn tiếp tục xu hướng kém sôi động.

Thị trường nội tệ liên ngân hàng được thành lập tháng 10/1993 và trở thành thị trường tiền tệ ra đời sớm nhất. Qua một thời gian hoạt động hạn chế do cơ chế điều hành khiến các thành viên không được giao dịch trực tiếp, quy mô và số lượng các giao dịch tăng lên gấp nhiều lần trong vài năm gần đây.

Thị trường đấu thầu giấy tờ có giá Kho bạc nhà nước và thị trường mở hiện có 44 tổ chức tham gia, bao gồm cả các TCTD và công ty bảo hiểm. Khối lượng trái phiếu và tín phiếu kho bạc tăng qua từng năm. Từ tháng 5/2002, thị trường mở cũng tăng tần số đấu thầu lên 2 lần/tuần và thời gian thực hiện thanh toán ngay trong ngày nên hoạt động linh hoạt hơn. Các giao dịch chủ yếu là giao ngay và hoạt động mua lại.

Hà Nội hiện chưa có thị trường cổ phiếu, các dịch vụ tư vấn đầu tư, bảo hiểm và tài chính còn chưa đa dạng và chưa tiếp cận đến hầu hết các đối tượng.

(Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Vũ Thị Liên)

  • Hồng Phúc
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thái Lan đề nghị thống nhất giá gạo trên thị trường quốc tế (23/10/2003)
Hơn 260 hãng ôtô tham dự Tokyo Motor Show 2003 (23/10/2003)
Bộ Xây dựng tự kiểm tra việc đầu tư xây dựng và sử dụng đất đai (23/10/2003)
Thống nhất một đầu mối nhập bột giấy (23/10/2003)
Đấu giá gần 6.000 m2 đất ở quận Thanh Xuân, Hà Nội (23/10/2003)
Tổng cục Thuế chấn chỉnh việc in và bán hoá đơn thuế (23/10/2003)
Nghiên cứu phát triển hệ thống truyền tải điện 500kV (23/10/2003)
Quá nhỏ bé công nghiệp nông thôn (23/10/2003)
Vàng tăng lên 720.000 đồng/chỉ (23/10/2003)
3 cán bộ phải thanh tra... 6.000 doanh nghiệp! (23/10/2003)
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet Phone sợ nhất thẻ lậu (22/10/2003)
Phôi thép nhập khẩu tiếp tục tăng giá (22/10/2003)
Sắp mở đường bay trực tiếp TP.HCM - Busan (22/10/2003)
Xuất khẩu đồ gỗ ''dậm chân'' ở thị trường cấp thấp (22/10/2003)
Xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM (22/10/2003)
Tro ve dau trang