EU luôn rộng cửa đón hàng hoá của Việt Nam
15:56' 22/10/2003 (GMT+7)
Ông Felipe Palacios Sureda.

(VietNamNet) - "Tôi muốn nhấn mạnh là EU không có bất cứ chính sách phân biệt đối xử nào với Việt Nam, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các bạn có thể thâm nhập thị trường châu Âu", ông Felipe Palacios Sureda phát biểu tại cuộc gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam do câu lạc bộ kinh tế OV vừa tổ chức tại Hà Nội.

- Xuất khẩu của Việt Nam sang EU rất lớn, đặc biệt là mặt hàng dệt may và da giày. Theo ông, Việt Nam còn có mặt hàng nào khác được coi là thế mạnh, có thể xuất sang thị trường EU?

- Tôi nghĩ Việt Nam đang đi theo đúng quy trình dần dần chuyển đổi từ việc xuất khẩu sản phẩm thô sang xuất khẩu hàng hoá đã được chế biến, các bạn đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô, hàng dệt may... Sau quá trình thâm nhập thị trường nước ngoài, các bạn có thể tự phát hiện ra không ít mặt hàng có giá trị cao hơn để xuất khẩu sang thị trường mới. Chắc chắn không thể thiển cận chỉ mãi dừng lại ở một số mặt hàng như may mặc, cà phê, thuỷ sản, mà phải tiến tới xuất khẩu các mặt hàng khác có giá trị cao hơn.  

- Theo ông, chính sách một cửa có được coi là động lực thúc đẩy FDI của EU nói riêng và các nước nói chung vào Việt Nam? Và ông có nhận xét gì đối với cố gắng này của Việt Nam?

- Đất nước các bạn đang trong quá trình hội nhập. Muốn thu hút được nhiều dự án đầu tư, Việt Nam cần tuân thủ các quy tắc chung về đầu tư, tất nhiên, trong quá trình đó cũng cần phải có các quy định riêng cho đất nước mình. Đứng trên các góc độ khác nhau, có nước cho rằng đầu tư vào Việt Nam phát triển nhanh, có người lại nói đầu tư vào Việt nam còn hạn chế. Cá nhân tôi cho rằng, với những thách thức hiện nay mà các bạn phải đối mặt, rõ ràng đầu tư vào Việt Nam khá tốt và rất có thể còn nhanh hơn. Tôi cho rằng chính sách một cửa là một trong những chính sách rất mạnh của Việt Nam. Trên thực tế, bộ máy hành chính của không ít quốc gia châu Âu còn rất cồng kềnh. Để giải quyết công việc, người ta vẫn còn phải đi đến nhiều cửa, vì vậy chính bản thân châu Âu chúng tôi cũng cần đưa ra chính sách một cửa này.  

- Được biết, Việt Nam đã cấp phép cho một dự án bảo hiểm của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam. Ông có thể đánh giá tiềm năng phát triển ngành bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay? 

- Mặc dù tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhưng tôi cũng có dịp tiếp xúc nhiều với các doanh nghiệp bảo hiểm của châu Âu. Họ cho rằng, bảo hiểm là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn ở Việt Nam. Rất nhiều công ty của châu Âu muốn vào thị trường này và tôi rất mừng khi Chính phủ Việt Nam đưa ra chính sách mở cửa dần dần, từng phần thị trường bảo hiểm, mở ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam học tập phương thức làm ăn của các công ty nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh của mình.

- Quá trình Việt Nam gia nhập WTO tiến triển rất tốt, nếu Việt Nam được hưởng quy chế thành viên chính thức của WTO, mặt hàng giày dép, dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi gì khi vào thị trường EU?

- Khi ký kết Hiệp định về dệt may, chúng tôi cũng đưa ra một điều khoản là nếu Việt Nam được gia nhập WTO trước khi Hiệp định hết hạn, EU sẽ giành cho Việt Nam các ưu đãi như đang giành cho các thành viên WTO khác. Rõ ràng khi đã tham gia WTO, các bạn sẽ không phải chịu hạn ngạch về xuất khẩu, có thể tham gia cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, một số nước cho rằng, nhìn từ góc độ kinh tế, hạn ngạch cũng tốt cho một số quốc gia bởi vì họ có thể chắc chắn một năm họ có thể xuất khẩu bao nhiêu. Theo tôi, sẽ rất tốt cho Việt Nam nếu cơ chế hạn ngạch này được xoá bỏ. Nhưng các bạn phải hiểu mỗi một nước phát triển lại bị chính doanh nghiệp nước mình gây sức ép đặt ra chính sách riêng đối với các công ty cạnh tranh nước ngoài nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp của mình làm ăn có lãi. Và Việt Nam cũng phải chuẩn bị để đối phó với những sức ép mới. 

- Gần đây nổi lên vấn đề dư lượng kháng sinh trong hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đây là vấn đề khá tế nhị và chúng tôi đang tranh cãi nhiều. Dư lượng kháng sinh không chỉ được tìm thấy trong hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Sở dĩ tôi nói đây là một vấn đề tế nhị vì nếu EU lên tiếng thì rất có thể các bạn lại cho rằng chúng tôi đang có chính sách bảo hộ các công ty thuỷ sản EU. Các bạn cũng biết thị trường EU tương đối khó tính và chúng tôi phải bảo vệ nhu cầu của người tiêu dùng. Thuỷ sản của Việt Nam vào EU phải qua rất nhiều cơ quan kiểm dịch nên chúng tôi không thể vô cớ buộc tội thuỷ sản của Việt Nam có quá nhiều kháng sinh. Sau khi có các số liệu cụ thể, đầy đủ chúng ta mới có thể tiến hành đàm phán. Năm ngoái, một công ty của EU cho biết một lô hàng thuỷ sản của Việt Nam bị dư lượng kháng sinh và ngừng nhận hàng. Chúng tôi đã tư vấn trực tiếp với phía Việt Nam, các lô hàng xuất khẩu đảm bảo chất lượng sau đó lại được tiếp nhận hoàn toàn. Tôi muốn nhấn mạnh là EU không có bất cứ chính sách phân biệt đối xử nào với Việt Nam, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các bạn có thể thâm nhập thị trường châu Âu. 
 
- Phía EU có điều khoản nào ưu tiên cho các sản phẩm thân thiện với môi trường hay do người tàn tật sản xuất không, thưa ông?

- Hiện nay chưa có điều khoản nào mang tính chất quốc tế mà chỉ có các điều khoản nội bộ giữa từng quốc gia với nhau. Muốn có các điều khoản này, chúng ta phải đàm phán ký kết cụ thể; tôi nghĩ nếu thực hiện được sẽ rất có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, đối với vấn đề bạn đặt ra, trên thế giới có các cách tiếp cận khác nhau. Một số nước lại cho rằng sản phẩm thân thiện với môi trường khác với sản phẩm thông thường cho nên các bạn phải trả giá cao hơn và đó là yếu tố bất lợi cho cạnh tranh.

- Thưa ông, phía doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm đến địa chỉ tư vấn nào nếu muốn thiết lập quan hệ đối tác với các công ty của EU?

- EU có nhiều dự án hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất diễn đàn giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ nhau. Và chúng tôi có văn phòng thương mại và công nghiệp châu Âu đặt ở Metropole - 56 Lý Thái Tổ, Hà Nội và một trụ sở ở TP.HCM, không chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp mà còn xúc tiến và hỗ trợ các dự án đầu tư vào Việt Nam.

  • Cẩm Tú
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
314 tỷ đồng xây dựng công trình cáp treo Vũng Tàu (22/10/2003)
TP.HCM có trên 8.500 trường hợp sử dụng đất sai mục đích (22/10/2003)
Chuyển giao công nghệ Việt Nam ra nước ngoài (22/10/2003)
Khởi công nhà máy chế biến bông tại Gia Lai (22/10/2003)
Việt Nam sẽ đón 1 triệu du khách Nhật vào năm 2005 (22/10/2003)
Giá các loại rau, củ, quả tăng mạnh (22/10/2003)
Những thông tin mới nhất về mức giá đền bù (22/10/2003)
Ngành luyện thép trước nguy cơ "đói" nguyên liệu (22/10/2003)
Mỗi tuần phải nhập khẩu 20.000 cành lan từ Thái Lan (22/10/2003)
Lãng phí và thất thoát trong đầu tư vẫn là vấn đề nổi cộm (22/10/2003)
Quản lý, khai thác khoáng sản ở Yên Bái: Lỏng lẻo và bừa bãi (21/10/2003)
Thêm 3 nước châu Á mua hàng thuỷ sản của Cần Thơ (21/10/2003)
10 tháng: Trên 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (21/10/2003)
Các nhà máy chế biến thuỷ sản đang thừa công suất (21/10/2003)
Triển lãm công nghiệp gỗ quốc tế tại Việt Nam 2003 (21/10/2003)
Tro ve dau trang