Việt Nam sẽ đón 1 triệu du khách Nhật vào năm 2005
10:51' 22/10/2003 (GMT+7)

Du khách Nhật đang tham quan Bến Tre.

Thống kê từ Hiệp hội Du lịch Nhật (JATA) cho thấy, chỉ riêng năm 2002, lượng khách Nhật Bản du lịch nước ngoài đã đạt trên 17,5 triệu lượt người, trong đó, Trung Quốc trên 3 triệu lượt, Thái Lan 1,2 triệu, Singapore gần 800.000... Theo dự báo của nhiều chuyên gia, du khách Nhật đến Việt Nam sẽ "bùng nổ" thời gian tới, khi Chính phủ nước này quyết định miễn thị thực cho khách du lịch Nhật vào Việt Nam.

Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2002, Việt Nam đã đón khoảng 278.000 lượt du khách Nhật, riêng 9 tháng năm 2003, lượng khách đến từ đất nước hoa anh đào này đã tăng gần 60%. Ngành du lịch Việt Nam ước tính, lượng khách Nhật có thể đạt đến con số trên 300.000 lượt trong năm nay.

Mặc dù con số trên chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu đi du lịch hàng năm của người Nhật, song, theo thăm dò mới đây của một số công ty lữ hành quốc tế lớn tại Nhật vừa được đăng tải trên báo Mainichi Shimbun, có đến trên 70% du khách được hỏi đều cho biết thích đi các tour du lịch ngắn ngày, có mức chi phí vừa phải ở các nước trong khu vực. Do vậy, đây được xem là điểm thuận lợi cho thị trường du lịch trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

"Điều hấp dẫn chúng tôi khi đi du lịch tại Việt Nam không chỉ là giá cả dịch vụ, hàng hóa rẻ, mà còn là vấn đề thời gian cho chuyến đi cũng rất ngắn, chỉ mất sáu giờ bay từ Tokyo đến TP.HCM, thay vì đi Paris hay New York phải tốn nhiều thời gian hơn", chị Nakamura, một du khách Nhật vừa đến TP.HCM hôm 20/10, cho biết.

Một lợi thế khác đối với Việt Nam là tại Nhật hiện nay hình ảnh về Việt Nam đã được khá nhiều người Nhật biết đến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đại sứ Việt Nam tại Nhật, ông Vũ Dũng, mới đây qua email đã cho biết trên các báo, truyền hình hàng ngày, hàng tuần ở Nhật đều có thông tin về môi trường du lịch của Việt Nam. Đặc biệt, tại Tokyo ở những khu phố lớn như Shinzuku, Shibuya... tờ rơi quảng bá về các món ăn, đồ thủ công mỹ nghệ... của Việt Nam được phân phát rộng rãi.

Một quan chức của Tổng cục Du lịch cho biết, về nguyên tắc Chính phủ đã đồng ý miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Nhật vào Việt Nam với mục đích du lịch, vấn đề còn lại bây giờ là Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan sẽ bàn để có qui định về thời gian cụ thể, song chắc chắn, chậm nhất là đầu năm 2004 quy định trên sẽ được áp dụng. Một số công ty lữ hành quốc tế nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 1 triệu du khách Nhật trong vòng 1-2 năm tới, tức là sớm hơn nhiều so với dự báo của Tổng cục Du lịch là đến 2010.

Hiện tại, nhiều công ty lữ hành quốc tế của Việt Nam lẫn Nhật đang khẩn trương lên kế hoạch tiếp thị nhằm đón đầu sự kiện này. Anh Nguyễn Đức Phương, Trưởng đại diện Công ty Saigontourist tại Tokyo, một trong hai DN lữ hành của Việt Nam có văn phòng đại diện tại Nhật, qua email cho hay đây được xem là cơ hội lớn để thu hút khách từ thị trường này, chắc chắn lượng khách sẽ tăng vọt, đặc biệt giới trẻ Nhật hiện rất mê đi du lịch Việt Nam. Công ty Vietravel cũng có kế hoạch xây dựng các tour đặc biệt nhắm vào thị hiếu số đông khách Nhật hiện nay là tour du lịch kết hợp với việc tham quan mua sắm các loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sơn mài, làng nghề truyền thống của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để đạt được con số 1 triệu du khách không phải là điều đơn giản. Theo ông Lê Đại Tâm, tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, với mức giá tour thấp, chất lượng dịch vụ khá, Thái Lan đang có ưu thế hơn hẳn Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch từ thị trường này. "Một trong những yếu tố khiến giá thành tour của chúng ta từ trước đến nay còn cao là thiếu sự liên kết giữa các công ty du lịch. Một công ty thường phải lo trọn gói cho cả một tour đường dài, trong khi đó nếu liên kết lại, mỗi công ty chỉ phụ trách một phần của tour sẽ giảm chi phí rất nhiều", ông Tâm cho biết.

Một vấn đề không nhỏ là phần lớn công ty lữ hành quốc tế hiện đều thiếu trầm trọng hướng dẫn viên biết tiếng Nhật. Người ta vẫn còn nhớ với con số "bùng nổ" hơn 278.000 khách của năm 2002, nhiều công ty đã phải nháo nhào đi tìm hướng dẫn viên nghiệp dư từ các trung tâm Nhật ngữ.

Theo ông Lê Đại Tâm, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội cũng vừa có văn bản đề nghị Chính phủ cho miễn thị thực đối với khách Pháp, Hàn Quốc vào Việt Nam với mục đích tham quan, du lịch.

Phó tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Tomita Yuji:

Tôi nghĩ chắc chắn du khách Nhật sẽ tăng mạnh và có thể tăng đột biến ngay sau khi quy định về miễn thị thực được áp dụng. Không chỉ là vấn đề lệ phí khi nộp xin visa, mà yếu tố thời gian được rút ngắn hơn rất nhiều sẽ giúp du khách có nhu cầu du lịch dễ dàng đến Việt Nam hơn. Tuy nhiên, theo tôi, để thu hút được nhiều du khách Nhật, du lịch Việt Nam phải quảng bá nhiều hơn tại thị trường này. Ví dụ, tại Tokyo người ta chỉ biết đến Việt Nam có hàng thủ công mỹ nghệ đẹp, hàng sơn mài cao cấp, nhưng ít ai biết ở Việt Nam lại còn rất nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Lạt, động Phong Nha... Riêng chúng tôi sẽ cố gắng giúp các công ty du lịch Việt Nam nâng cao năng lực về mặt ngôn ngữ tiếng Nhật cho hướng dẫn viên thông qua các lớp huấn luyện, đào tạo ngắn ngày.

Watanabe, sinh viên Trường ĐH Waseda, vừa đến TP.HCM:

Một vấn đề nữa có thể ảnh hưởng số lượng du khách Nhật đến Việt Nam là giá vé máy bay vẫn còn quá cao so với giá vé du lịch Thái Lan hoặc Singapore. Tôi biết có rất nhiều người muốn đến Việt Nam nhưng điều này đã cản bước họ. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ các tour du lịch trong nước như ăn uống, khách sạn, hướng dẫn viên... cũng nên có bước cải tiến cho phù hợp với từng đối tượng du khách. Tôi vừa đi tour Mekong về, nhưng thức ăn quá kém và hướng dẫn viên lại không biết nói tiếng Nhật.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá các loại rau, củ, quả tăng mạnh (22/10/2003)
Những thông tin mới nhất về mức giá đền bù (22/10/2003)
Ngành luyện thép trước nguy cơ "đói" nguyên liệu (22/10/2003)
Mỗi tuần phải nhập khẩu 20.000 cành lan từ Thái Lan (22/10/2003)
Lãng phí và thất thoát trong đầu tư vẫn là vấn đề nổi cộm (22/10/2003)
Quản lý, khai thác khoáng sản ở Yên Bái: Lỏng lẻo và bừa bãi (21/10/2003)
Thêm 3 nước châu Á mua hàng thuỷ sản của Cần Thơ (21/10/2003)
10 tháng: Trên 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (21/10/2003)
Các nhà máy chế biến thuỷ sản đang thừa công suất (21/10/2003)
Triển lãm công nghiệp gỗ quốc tế tại Việt Nam 2003 (21/10/2003)
Thủ tướng sẽ chỉ thị tháo gỡ khó khăn thực hiện Luật DN (21/10/2003)
''Thị trường vốn trầm lắng và thiếu linh hoạt'' (21/10/2003)
Thu hồi hạn ngạch dệt may của 12 DN (21/10/2003)
Việt Nam được du khách “balô" trẻ ưa chuộng nhất thế giới (21/10/2003)
Giá bông nhập khẩu tăng 55% (21/10/2003)
Tro ve dau trang