Ngành luyện thép trước nguy cơ "đói" nguyên liệu
10:09' 22/10/2003 (GMT+7)

Luyện thép ở Công ty Thép Đà Nẵng.

Đầu năm 2005, Tổng công ty Thép Việt Nam sẽ đưa Nhà máy Luyện cán thép Phú MỹCái Lân vào hoạt động, nâng tổng công suất ngành luyện thép thêm 1 triệu tấn/năm. Cùng lúc, các DN khác cũng đưa hàng loạt lò luyện thép có công suất khoảng 800.000 tấn phôi/năm vào sản xuất. Nhưng mọi cố gắng sẽ vô nghĩa, nếu việc nhập khẩu nguyên liệu luyện thép cứ gặp trở ngại như vừa qua.

"Bánh mì" của ngành thép

Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, toàn ngành đến nay đã sản xuất được khoảng 400.000 tấn phôi/năm. So với nhu cầu của nền kinh tế đang cần khoảng 2,4 triệu tấn thép/năm, thì lượng phôi sản xuất được còn quá nhỏ. Ngành thép vẫn đang phải nhập khẩu phôi thép để cán ra thép thương phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước và phát triển ngành công nghiệp luyện kim, việc tăng nhanh năng lực sản xuất thép phôi là một yêu cầu tất yếu. Thực tế đã khẳng định hiệu quả của việc tự sản xuất phôi thép. Thời gian qua, trong lúc hàng loạt DN chỉ chuyên nhập khẩu phôi thép về cán, phải chịu lệ thuộc những cơn sốt giá "nóng - lạnh" của thị trường phôi thép thế giới, riêng Công ty Gang thép Thái Nguyên và Công ty Thép Miền Nam hưởng lợi lớn do có phôi thép tự sản xuất được.

Nhưng điểm yếu của ngành luyện thép Việt Nam là nguồn nguyên liệu. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sưa, Viện trưởng Viện Luyện kim đen cho biết: "Do điều kiện khai thác quặng sắt của nước ta còn nhiều khó khăn, ngành thép lại phát triển chủ yếu theo công nghệ lò điện và sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để sản xuất thép phôi, nên phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thép phế". Được biết, 75% thép phôi của Việt Nam luyện ra hiện nay có nguồn gốc từ thép phế liệu. Công nghiệp của Việt Nam mới phát triển, nên chỉ tạo ra lượng thép phế liệu khoảng 300.000 tấn/năm, không đủ cho nhu cầu. Theo ông Sưa, để ngành luyện thép phát triển, Việt Nam cần phải nhập khẩu thép phế liệu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 1998 Việt Nam, mới nhập khẩu hơn 50.000 tấn thép phế liệu; năm 2000 đã nhập khẩu trên 170.000 tấn; và năm 2002 là 261.389 tấn nhưng thép vụn cho lò điện không đáng kể. Theo dự báo của Hiệp hội Thép, từ năm 2005 khi hàng loạt lò luyện kim của các nhà máy: Phú Mỹ, Cái Lân, Cửu Long, Hưng Yên, Hoà Phát... đồng loạt hoạt động, ngành thép khi đó đạt công suất trên 2 triệu tấn phôi thép/năm, thì nhu cầu thép phế liệu cho ngành luyện kim sẽ rất lớn.

Thay vì đi nhập khẩu thép phôi như hiện nay, Việt Nam trở thành một thị trường nhập khẩu thép phế liệu để sản xuất ra phôi thép. Và khi đó, chỉ một trở ngại nhỏ làm cản trở thép phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam là sẽ làm các lò luyện thép bị đình trệ vì "đói" nguyên liệu. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế hoạch định sự phát triển ngành thép Việt Nam.

Trở ngại

Những năm qua, việc nhập khẩu thép phế liệu đã hai lần xảy ra chuyện tranh chấp "nảy lửa" giữa DN thép với các cơ quan quản lý môi trường. Đó là những lần Công ty Gang thép Thái Nguyên nhập khẩu thép phế liệu qua cảng Hải Phòng hồi tháng 5/2001 và 4/2003 nhưng bị "nghi" là nhập khẩu rác thải công nghiệp. Nhắc lại những chuyện này, ông Phạm Chí Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: "Ta chưa có tiêu chuẩn cho thép phế mà chỉ đánh giá theo cảm tính". Và lô thép phế liệu mà các cơ quan môi trường Việt Nam khẳng định là rác, không cho nhập khẩu vào Việt Nam đã được Hàn Quốc mua lại.

Để thông thoáng cho thép phế liệu nhập khẩu được dễ dàng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sưa cho rằng: "Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn về thép phế liệu cũng như các văn bản pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất thép nhập khẩu thép phế liệu". Cũng về vấn đề này, theo ông Phạm Chí Cường thì Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sắt thép phế liệu nhập khẩu dựa trên tiêu chuẩn quốc tế thông dụng, tránh những quy định cảm tính và phi thực tế như đã từng xảy ra trong những lần nhập khẩu thép phế liệu trước đây.

Phía Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Nguyễn Khắc Kinh, Vụ trưởng Vụ thẩm định và đánh giá tác động tài nguyên môi trường, lại cho rằng: "Không thể cứ nhập khẩu "bừa" thép phế liệu hoặc cho mua tàu cũ về phá dỡ tràn lan ở Việt Nam để lấy thép phế". Ông Kinh cho rằng, việc ngành thép thực hiện mục tiêu 1,5 triệu tấn phôi/năm là cần thiết, nhưng không phải làm ra thép bằng mọi giá. Lợi nhuận của ngành thép liệu có bù lại được những thiệt hại về môi trường? Cũng theo ông Kinh, năng lực xử lý chất thải của Việt Nam hiện còn quá kém, nay lại để cho chất thải "ngoại" tràn vào thì Việt Nam sẽ sớm trở thành bãi rác!

Để khơi thông được luồng thép phế liệu cho công nghiệp luyện thép, tiếng nói chung giữa ngành thép và Bộ Tài nguyên Môi trường xem ra chưa đồng điệu. Nguy cơ ngành thép đói nguyên liệu đang dần lộ diện, bởi sự khập khễnh giữa tiêu chuẩn thép phế liệu của Việt Nam với những tiêu chuẩn thế giới sẽ là nguyên nhân gây ách tắc thép phế nhập khẩu là điều khó tránh... 

(Theo Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Ngành thép đầu tư lệch, phát triển "ngọn"
Ngành thép gian nan trước thềm hội nhập
Sẽ "sốt" thép?
Những con thiêu thân trong ngành thép
Ngành thép và cuộc 'sửa mình' khắc nghiệt
Một số doanh nghiệp thép tạm ngưng sản xuất
Thị trường thép đóng băng do giá quá nóng
CÁC TIN KHÁC:
Mỗi tuần phải nhập khẩu 20.000 cành lan từ Thái Lan (22/10/2003)
Lãng phí và thất thoát trong đầu tư vẫn là vấn đề nổi cộm (22/10/2003)
Quản lý, khai thác khoáng sản ở Yên Bái: Lỏng lẻo và bừa bãi (21/10/2003)
Thêm 3 nước châu Á mua hàng thuỷ sản của Cần Thơ (21/10/2003)
10 tháng: Trên 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (21/10/2003)
Các nhà máy chế biến thuỷ sản đang thừa công suất (21/10/2003)
Triển lãm công nghiệp gỗ quốc tế tại Việt Nam 2003 (21/10/2003)
Thủ tướng sẽ chỉ thị tháo gỡ khó khăn thực hiện Luật DN (21/10/2003)
''Thị trường vốn trầm lắng và thiếu linh hoạt'' (21/10/2003)
Thu hồi hạn ngạch dệt may của 12 DN (21/10/2003)
Việt Nam được du khách “balô" trẻ ưa chuộng nhất thế giới (21/10/2003)
Giá bông nhập khẩu tăng 55% (21/10/2003)
Việt Nam, Thái Lan hợp tác về thông báo giá gạo (21/10/2003)
Ký gói thầu tư vấn giám sát quản lý dự án lọc dầu Dung Quất (21/10/2003)
Lã Thị Kim Oanh đã được các quan chức tiếp tay như thế nào? (21/10/2003)
Tro ve dau trang