Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:
Lãng phí và thất thoát trong đầu tư vẫn là vấn đề nổi cộm
19:47' 21/10/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Nợ xây dựng cơ bản ngày càng tăng trong khi nguồn thanh toán chưa có; đầu tư cho xây dựng cơ bản vẫn còn dàn trải, thất thoát và lãng phí; nhiều ý kiến bàn cãi khi quyết định tỷ lệ phân bổ ngân sách cho các địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM... Đó là những vấn đề đáng lưu ý trong các báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế ngân sách QH Nguyễn Đức Kiên trình bày trước QH ngày.

Các đại biểu làm việc tại hội trường chiều nay (21/10)

Trong báo cáo "Thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2003 và dự toán NSNN năm 2004" trình bày trước Quốc hội chiều nay, ông Kiên đã khuyến cáo "Nợ xây dựng cơ bản ở một số Bộ, ngành và địa phương lớn và ngày càng tăng, chưa có nguồn thanh toán diễn ra khá phổ biến và kéo dài...Tình hình này ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước(NSNN) và sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia".

Đầu tư phát triển còn dàn trải, thất thoát và tiêu cực

Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định: kể từ thời điểm nền kinh tế nước ta phục hồi sự tăng trưởng (tức là từ năm 1999) đến cuối năm 2002, tổng số thu cân đối NSNN năm sau thường cao hơn năm trước và tăng ở mức trên 14%, đặc biệt, số thu ở quý IV trong năm thường tăng nhiều. Trong khoản chi nội địa ước thực hiện tăng 16,4% so với năm 2002 thì tương ứng khoản thu từ dầu chỉ tăng 1,6% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 10,4%. Đối với thu từ dầu thô, năm 2003 so với năm 2002, sản lượng dầu thanh toán gần như nhau (khoảng 17 triệu tấn) và theo báo cáo giá dầu thô bình quân trong năm 2003 khoảng 205 USD/tấn, cao hơn thực tế năm 2002 khoảng 15 USD/tấn. Như vậy, nếu rà soát, tính toán kỹ thì con số dầu thô có thể tăng thêm khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng so với số ước thu trong báo cáo của Chính phủ (26.000 tỷ đồng). Dẫn những con số này, ông  Kiên nêu nhận xét:  "Thu nội địa tăng khá nhưng vừa chưa chắc chắn, vừa thể hiện hiệu quả của nền kinh tế còn thấp".Theo báo cáo của Chính phủ, chi NSNN cả năm ước đạt 167.720 tỷ đồng, tăng 6,1% (9.700 tỷ đồng) so với dự toán, tăng 1,4% so với thực hiện năm 2002. Một số khoản chi vượt quá dự toán như: chi thể dục thể thao tăng 132,7% dự toán; chi văn hoá thông tin tăng 7,4% dự toán; chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể tăng 12,5% dự toán; chi khác tăng 106,8% dự toán.

Vẫn theo báo cáo của Uỷ ban kinh tế ngân sách , bố trí và quản lý chi đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải, thất thoát và tiêu cực. Giải ngân, thanh toán khối lượng vốn đầu tư hoàn thành chậm. Bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa tập trung cao cho một số dự án, công trình quan trọng của đất nước. Số lượng các dự án được bố trí vốn đầu tư năm 2003 tăng trên 2.500 dự án so với năm 2002. Lãng phí và thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn là vấn đề nổi cộm mà cử tri cả nước quan tâm.

Nợ xây dựng cơ bản 11.000 tỷ đồng - bằng trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung từ NSNN (ngân sách Nhà nước) năm 2003 và bằng 25% tổng số vốn đầu tư từ NSNN. Các bộ, ngành nợ xây dựng cơ bản khoảng 3.700 tỷ đồng (chiếm 33,5%), các địa phương tuy chưa tổng kết hết nhưng số nợ đã hơn 7.100 tỷ đồng (chiếm 66,5%). 

Ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội cho rằng trong điều kiện dự phòng ngân sách còn mỏng, nhiều vấn đề phát sinh không lường trước được, Chính phủ cần đánh giá kỹ việc sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương năm 2003 theo ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách như phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.

"Hà Nội tiêu 40% vốn đầu tư phát triển từ NSNN sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh nghèo"

Về dự toán chi năm 2004, QH nhất trí với  Chính phủ  về phương án dự toán chi NSNN năm 2004. Tổng chi trong cân đối NSNN dự kiến 186.670 tỷ đồng, tăng 11,3% so với ước thực hiện năm 2003, trong đó bố trí 8.593 tỷ đồng chi cho kinh tế.

Tổng thu NSNN năm 2004 dự kiến là 148.320 tỷ đồng, tăng 11,9% so với ước thực hiện năm 2003, trong đó thu nội địa là 83.000 tỷ đồng, thu từ dầu thô 24.820 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 38.500 tỷ đồng.

Khoản bội thu dự kiến tăng khá là biểu hiện tích cực, để đảm bảo có thể chắc chắn thực hiện, QH yêu cầu cần lưu ý trong thực hiện vấn đề: trong tổng số thu cân đối NSNN năm 2004, khoản thu mạnh nhất trong nội địa vẫn là thu về giao quyền sử dụng đất (tăng 35,3%) - khoản thu này địa phương sẽ được hưởng 100%. Bội chi NSNN năm 2004 theo báo cáo của CP là 34.750 tỷ đồng, chiếm 5% GDP. Nợ quốc gia và nợ Chính phủ còn nằm trong giới hạn an toàn. Theo nhận định của QH: bội chi NSNN năm 2004 ở mức 5%GDP là chấp nhận được. Báo cáo của ông Kiên cũng có sự khuyến cáo đối với phương án mà Chính phủ đưa ra: phân bổ ngân sách Trung ương và địa phương phải đảm bảo bố trí chi ngân sách không thấp hơn dự toán chi năm 2003 và có tốc độ tăng hợp lý - đó là yêu cầu Quốc hội đặt ra cho kế hoạch chi ngân sách trong năm tới. Theo đó, Quốc hội chỉ đạo việc phân bổ vốn đầu tư phát triển là 53.200 tỷ  đồng, chiếm 28,5% tổng chi NSNN.

Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển từ NSNN cho TP. Hà Nội và TP.HCM có nhiều ý kiến bàn cãi. QH cho rằng Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cần phải ưu tiên bố trí ngân sách, đặc biệt là vốn đầu tư theo quy định của Luật NSNN mới và Pháp lệnh Thủ đô. TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng, cần được bố trí đầu tư thoả đáng.

Tuy nhiên, căn cứ vào Luật NSNN mới thì khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước và phí xăng dầu trước kia là nguồn thu 100% của NSTƯ nay chuyển thành nguồn thu phân chia giữa NSTƯ và NSĐP, thì nếu quy định tỷ lệ điều tiết đối với Hà Nội là 40% và TP.HCM là 33% trên nền của Luật NSNN mới sẽ dẫn đến tổng chi ngân sách của 2 thành phố này sẽ tăng rất lớn, ảnh hưởng đến cân đối NSNN, giảm đáng kể nguồn chi đầu tư từ NSTƯ và rất khó khăn trong việc bố trí vốn đầu tư từ NSNN cho các tỉnh còn lại, nhất là các tỉnh nghèo.

  • Nhóm phóng viên thời sự

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Quản lý, khai thác khoáng sản ở Yên Bái: Lỏng lẻo và bừa bãi (21/10/2003)
Thêm 3 nước châu Á mua hàng thuỷ sản của Cần Thơ (21/10/2003)
10 tháng: Trên 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (21/10/2003)
Các nhà máy chế biến thuỷ sản đang thừa công suất (21/10/2003)
Triển lãm công nghiệp gỗ quốc tế tại Việt Nam 2003 (21/10/2003)
Thủ tướng sẽ chỉ thị tháo gỡ khó khăn thực hiện Luật DN (21/10/2003)
''Thị trường vốn trầm lắng và thiếu linh hoạt'' (21/10/2003)
Thu hồi hạn ngạch dệt may của 12 DN (21/10/2003)
Việt Nam được du khách “balô" trẻ ưa chuộng nhất thế giới (21/10/2003)
Giá bông nhập khẩu tăng 55% (21/10/2003)
Việt Nam, Thái Lan hợp tác về thông báo giá gạo (21/10/2003)
Ký gói thầu tư vấn giám sát quản lý dự án lọc dầu Dung Quất (21/10/2003)
Lã Thị Kim Oanh đã được các quan chức tiếp tay như thế nào? (21/10/2003)
Quy định mới của Hoa Kỳ đối với lương thực nhập khẩu (21/10/2003)
Hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Xi măng Sơn La (21/10/2003)
Tro ve dau trang