|
Nhiều cơ hội xuất khẩu gạo cho DN Việt Nam. |
(VietNamNet) - Kết thúc phiên đấu thầu gạo hôm 17/10, một quan chức Văn phòng Lương thực Nhật Bản cho biết, họ đã mua được 101.000 tấn gạo, trong đó có 10.000 tấn gạo Việt Nam. Cũng vào thời điểm này, tỉnh Cần Thơ vừa xuất khẩu 7.750 tấn gạo, trong đó có 3.250 tấn gạo cao cấp, sang 3 thị trường mới là Bỉ, Senegal và Nam Phi.
Cần Thơ dẫn đầu khu vực ĐBSCL
Số gạo này đã nâng lượng gạo xuất của Cần Thơ trong tháng 10 lên 47.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1,3 triệu USD. Tính đến nay, Cần Thơ là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về lượng gạo xuất khẩu, đạt 370.000 tấn, tăng gần 50% so cùng kỳ với kim ngạch 67 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh này còn cung ứng gần 26.000 tấn gạo xuất khẩu cho 16 đơn vị trong và ngoài khu vực ĐBSCL, tăng 3.000 tấn so cùng kỳ năm trước.
Trong số hơn 100.000 tấn gạo mà Nhật Bản đấu thầu, có 34.000 tấn gạo Mỹ, 22.000 tấn gạo Australia, 34.300 tấn gạo Thái Lan và 700 tấn gạo Trung Quốc. Với mức giá trung bình 49.836 Yen/tấn, gạo trên sẽ về đến Nhật Bản vào 17-20/10. Đây là lần thứ hai Cơ quan Lương thực Nhật Bản tiến hành đấu thầu gạo để chuẩn bị cho năm tài chính 2003, kết thúc vào 31/3/2004. Trong đợt đấu thầu lần đầu tiên, Nhật Bản đã mua 7.000 tấn gạo Thái Lan. |
Gạo 5% tấm của Vinafood 2 hiện chào bán 194 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn so với hôm thứ 5; gạo 15% tấm 184 USD/tấn, tăng 6 USD; gạo 25% tấm 172 USD/tấn, tăng 7 USD. Tại Công ty Lương thực Vĩnh Long, giá gạo 5% tấm là 192 USD/tấn; gạo 15% tấm là 182 USD/tấn và 25% tấm là 174 USD/tấn, đều ở mức tăng so với tuần trước.
Hiện nay, nông dân các tỉnh phía Nam đang lưỡng lự khi bán gạo ra, bởi họ sợ việc thu hoạch vụ tới sẽ muộn hơn thường lệ. Lũ về chậm tại ĐBSCL năm nay đồng nghĩa với việc sẽ làm chậm trễ việc gieo cấy vụ đông - xuân tới, và nguồn cung gạo có thể sẽ hạn chế. Song, rõ rằng là mặc dù lượng gạo giao dịch thấp, nhưng giá gạo Việt Nam vẫn tăng và được duy trì vững ở mức cao trong nhiều tuần lại đây.
Brazil c ó thể mua lượng lớn gạo Việt Nam
Một quan chức của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường Brazil, do sản lượng vụ tới đạt thấp và số nhà xuất khẩu truyền thống giảm. Nước này đang có nhu cầu tìm nguồn cung mới, khoảng 1 triệu tấn gạo trong năm nay. Hiện Vnafood 2 đang xuất 2.000 tấn sang Brazil. "Vào được thị trường Brazil, gạo của Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, ví như gạo phải là 5% tấm và giảm thiểu độ ẩm". Theo vị quan chức này, gạo Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của Brazil. Ông Văn Trường, Công ty Lương thực Mekong, cũng cho rằng, mặc dù năm 2002 Việt Nam chỉ là nhà xuất khẩu nhỏ đối với nước này, nhưng tương lai sẽ trở thành khách hàng tiềm năng, nhờ giá và chất lượng gạo Việt Nam có khả năng cạnh tranh với gạo Mỹ.
Hãng Dow Jones đưa tin, tại Hội nghị Kinh doanh gạo thế giới, nhiều cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra giữa các nhà xuất khẩu gạo. Lãnh đạo Vinafood 2 tỏ ra rất lạc quan về lượng gạo mà Việt Nam có thể xuất trực tiếp sang Brazil thời gian tới. Từ nay đến hết năm, số lượng gạo xuất không nhiều, song, dao động trong khoảng 10.000-20.000 tấn. Đến 1/2004, con số này dự kiến tăng lên 100.000 tấn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, nhu cầu gạo từ Brazil là rất lớn. "Tôi tin rằng, nếu chúng ta đàm phán tốt, Brazil sẽ trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, gạo Thái Lan, với sự nổi tiếng về chất lượng và đội ngũ các nhà xuất khẩu, có thể cũng thu hút nhiều cơ hội", bà Nguyệt nói.
|