Cần xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
15:07' 16/10/2003 (GMT+7)
Băng đĩa lậu đang được bày bán công khai trên thị trường Việt Nam.

(VietNamNet) - Không ai phủ nhận vai trò của thị trường khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nền kinh tế. Trong sự phát triển của thị trường công nghệ, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chiếm vị trí quan trọng, góp phần thúc đẩy, kích thích việc tạo ra sản phẩm cung ứng cho thị trường công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người muốn bảo hộ công nghệ...

Trong khuôn khổ hội chợ công nghệ 2003 (Techmart 2003), tổ chức tại trung tâm triển lãm Giảng Võ, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM đã phối hợp tổ chức hội thảo "Sở hữu công nghiệp và Phát triển thị trường công nghệ".

Nhìn lại thị trường khoa học công nghệ Việt Nam

Theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các điều kiện để hình thành thị trường khoa học công nghệ bao gồm: hàng hóa khoa học công nghệ phải đáp ứng yêu cầu, phải có nhiều nhà cung cấp, có các dịch vụ kỹ thuật, kinh tế, pháp lí đầy đủ và đặc biệt phải hình thành được các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và nhanh chóng.

Cứ căn cứ theo những tiêu chuẩn trên đây, nhiều chuyên gia nhận định rằng ở Việt Nam trong những năm qua đã bước đầu hình thành một thị trường khoa học công nghệ thông qua những hoạt động mua bán công nghệ diễn ra khá sôi động trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này vẫn còn lắm nỗi gian truân...

Các yếu tố hình thành nên thị trường khoa học công nghệ lành mạnh:

a. Sản phẩm cung cấp cho thị trường công nghệ: các sản phẩm công nghệ có trình độ khoa học và công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, có uy tín.

b. Các tổ chức có khả nămg sản xuất và cung cấp cho thị trường khoa học công nghệ

c. Các tổ chức có nhu cầu mua các sản phẩm khoa học công nghệ

d. Các tổ chức trung gian nhằm tiến hành các dịch vụ môi giới, tư vấn trong việc mua bán các sản phảm công nghệ

e. Hệ thống pháp luật đầy đủ và có hiệu quả để điều hoà hoạt động của thị trường công nghệ, giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra.

f. Môi trường thông tin nhanh nhạy, chính xác và thông suốt cho hoạt động của thị trường công nghệ

Hệ thống bảo vệ sở hữu công nghiệp có ảnh hưởng rất nhiều đến các yếu tố a,d và f (Theo dự án điều tra VIE 01/025 do Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện).

Chợ công nghệ - vắng vẻ

Ai cũng biết, để "chợ" được nhộn nhịp, sầm uất thì hàng hóa phải đa dạng, phong phú. Thế nhưng, "hàng hóa công nghệ" của Việt Nam so với các nước khác vẫn còn thưa thớt. Lại bài ca "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" rằng thì là trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp. Cứ nhìn vào số lượng các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích thì biết. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho dù số lượng các đơn xin cấp bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích không ngừng tăng từ năm 1995 đến nay nhưng con số này vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các nước khác. Năm 1995, có 659 đơn xin cấp bằng sáng chế  thì năm 2002 con số này đã tăng lên gần gấp đôi, 1.142 đơn. Đơn thì nhiều là vậy, song số lượng được cấp bằng độc quyền chỉ như "cát trong sa mạc". Năm 1995, có 56/659 đơn được chấp thuận, năm 2002 có khá hơn với 743 đơn được cấp bằng bảo hộ. Lại nữa, trong số các phát minh, sáng chế xin cấp bằng thì con số "made in Việt Nam" chỉ chiếm có 3,4% (năm 1995) và ì ạch nhích lên được 5,7 % năm 2002.

Số lượng hàng "made in nội địa" ít ỏi như vậy, đương nhiên khách hàng phải trông cậy vào các nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, tình hình chuyển giao công nghệ cũng không mấy sáng sủa. Theo Văn phòng Luật sư Phạm & Liên danh và Công ty Thế giới Trí tuệ, các công nghệ  được nhập khẩu chủ yếu là máy thiết bị kèm theo hướng dẫn quản lí vận hành, do đó mà tỷ trọng kiến thức công nghệ được chuyển giao không đáng kể. Mặt khác, kiến thức công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu tập trung trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này hiện đang phát triển rất chậm do vậy kiến thức công nghệ được chuyển giao cũng giảm tương ứng.

Cần củng cố hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Lâm, chuyên viên Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết một trong những tiền đề cần thiết để thị trường khoa học công nghệ phát triển lành mạnh là việc xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Nếu không có hệ thống này sẽ dẫn đến tình trạng thủ tiêu các hoạt động kích thích sáng tạo về công nghệ - yếu tố căn bản hình thành nên thị trường công nghệ. Trong những năm qua, Nhà nước đã chú ý đến vấn đề này và ban hành nhiều văn bản pháp lý điều chỉnh như Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị định số 63/CP, Thông tư của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường số 3055/TT-SHCN, thông tư của Bộ Tài chính, Quy định của Cục Sở hữu công nghiệp số 308/ĐK ngày 11/06/1997.

Hệ thống bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cần được coi như một công cụ của chính sách kinh tế nhằm khuyến khích phát triển các năng lực sáng tạo về công nghệ trong nước bằng cách khích lệ các tác giả. Trên thực tế, hệ thống bảo hộ này có tác dụng như một lá chắn đủ mạnh cho sự phát triển nền công nghiệp hứa hẹn nhiều sáng tạo trong nước mặc dù hiện đang còn ở mức vừa và nhỏ. Ngoài ra, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần được xem như một sự đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng để phát triển thị trường trong nước. Nếu hệ thống này không phát triển, các tác giả của các sáng chế, giải pháp hữu ích..., các nhà sản xuất và các công ty sẽ không có được sự bảo hộ hữu hiệu chống lại nạn sao chép để kiếm lời trên công sức, tiền của của họ. 

Theo Theo Văn phòng Luật sư Phạm & Liên danh và Công ty Thế giới Trí tuệ, để triển khai hoạt động của hệ thống sở hữu công nghiệp một cách đầy đủ, ngoài việc thiết lập một hệ thống văn bản đầy đủ, một hoạt động không thể thiếu của hầu hết các nước trên thế giới đó là hoạt động dịch vụ sở hữu công nghiệp đối với công nghệ. Các dịch vụ này bao gồm tư vấn và đại diện cho các chủ công nghệ thực hiện các thủ tục pháp lý để xin đăng ký bảo hộ cho các kiến thức công nghệ, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện đang được triển khai đúng hướng phù hợp với công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước.

  • Việt Lâm - Cẩm Tú
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xây dựng nhà máy bột giấy công suất 100.000 tấn/năm (16/10/2003)
Giá đất ở đền bù Đại lộ Đông - Tây sẽ là 1,6-3,6 triệu đồng/m2 (16/10/2003)
Xuất khẩu sản phẩm gỗ có thể đạt 500 triệu USD (16/10/2003)
Xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật có khả năng đạt trên 570 triệu USD (16/10/2003)
''Chiếc áo quản lý Nhà nước về thuỷ sản đã quá chật'' (16/10/2003)
Hàng nhập khẩu sau 5 năm vẫn có thể bị kiểm tra (16/10/2003)
Chính phủ ''cứu vãn'' chất lượng các công trình xây dựng (16/10/2003)
Thầy thuốc ''bắt mạch sức khoẻ DN'' yếu chuyên môn (16/10/2003)
Thông thoáng Luật Hải quan có thể là con dao hai lưỡi (16/10/2003)
Giá bông tăng, doanh nghiệp dệt lao đao (16/10/2003)
Hàng hoá lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có hoá đơn (16/10/2003)
Quy định cụ thể mức phạt vi phạm bảo hiểm (15/10/2003)
Chỉ định đầu mối nhập khẩu nhựa là trái qui định (15/10/2003)
Công nghiệp phát triển khó khăn vì chưa có quy hoạch (15/10/2003)
TP.HCM: đề nghị giao hơn 100ha đất để xây nhà bán đấu giá (15/10/2003)
Tro ve dau trang