Cảnh báo từ các hồ tôm trên cát ở miền Trung
17:15' 14/10/2003 (GMT+7)

Hồ tôm trên cát ở Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Việc phát triển ồ ạt diện tích tôm trên cát hiện nay ở các tỉnh miền Trung đã bộc lộ nhiều mối nguy hiểm cần được ngăn chặn kịp thời nếu không muốn xảy ra những tai họa khôn lường. Có đến 60% diện tích tôm bị bệnh đốm trắng đỏ thân, một số bệnh về gan, phân trắng, còi cọc... Đó là giá phải trả cho việc "vắt cát ra nước" trong mùa khô vừa rồi.

Trừ một số doanh nghiệp tương đối bài bản trong việc quy hoạch, còn đa số diện tích tôm trên cát hiện nay ở các tỉnh đều mang tính tự phát, dù tỉnh nào cũng có đề án quy hoạch. Ở Mộ Đức (Quảng Ngãi), nơi khởi nguồn cho việc nuôi tôm trên cát từ 4 năm qua, trừ 27ha tôm trên cát của Công ty Thiên Tân là mang tính công nghiệp, số còn lại hầu như mạnh ai nấy đào hồ.

Do không có định hướng cụ thể, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước lại quá ít nên các hồ tôm trên cát ở nhiều địa phương đang lâm vào tình cảnh vá víu tạm bợ. Mạnh ai nấy khai thác nguồn nước ngọt nên những tháng mùa khô, mạch nước ngầm tại nhiều vùng cát đã cạn kiệt.

Nguyên nhân được xác định là nguồn nước ngầm ở đây không đủ cung cấp cho các hồ tôm. Theo tính toán sơ bộ của những người nuôi tôm thì mỗi hécta tôm trên cát cần ít nhất là 3.000 khối nước ngọt. Với hàng trăm hécta tôm, cần nước ngọt cùng lúc thì cả một vùng cát mênh mông bỗng nhiên bị rỗng ruột, có thể dẫn đến "động đất" bất cứ lúc nào.

Điều đáng nói là, từ những tập đoàn lớn với số vốn hàng chục triệu USD đến những hộ "cò con" đều triệt để khai thác lượng nước ngầm vốn dĩ quá ít ỏi dưới lớp cát kia. Không một nơi nào có hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt về các hồ tôm. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang báo động chung quanh các hồ tôm này. Người dân đã bắt đầu kêu kiện vì nguồn nước giếng của họ bị nhiễm mặn do thẩm lậu từ hồ tôm. 

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu về môi trường, cứ một hécta tôm sau khi thu hoạch sẽ để lại từ 2.400 đến 4.000kg thức ăn thừa, phân và sinh vật chết cộng với hàng chục kilôgam hóa chất. Toàn bộ số chất thải này, hoặc là đẩy ra biển mà không qua xử lý hoặc là thải ra chung quanh hồ.

Trong chuyến thị sát vùng tôm trên cát miền Trung mới đây, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cũng đã nêu lên những cảnh báo cho các địa phương về nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như khả năng gây đổ sập hàng trăm hécta hồ tôm do bị rỗng ruột vì khai thác nước ngầm quá mức.

Bắt đầu từ năm 1999, một số mô hình nuôi tôm trên cát có tính chất thử nghiệm ở Mộ Đức (Quảng Ngãi) và Ninh Phước (Ninh Thuận) đã mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ: Năng suất lên đến 4-5 tấn/ha/vụ, gấp 3-4 lần nuôi tôm trên đất ven biển. Người dân vùng biển bắt đầu đổ xô vào nuôi tôm trên cát. Trong số 1,5 vạn ha đất dùng để nuôi tôm hiện nay, số diện tích nuôi tôm trên cát chiếm khoảng 3.000ha.

(Theo Lao Động)

Tin liên quan:

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Dầu khí chấn chỉnh bộ máy (14/10/2003)
Máy tính cũ bán chạy (14/10/2003)
Sắp thông xe cầu Tuyên Sơn trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (14/10/2003)
Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội kế toán Đông Nam Á (14/10/2003)
Chuyển động khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thường Phước (14/10/2003)
Xúc tiến đầu tư phải đi bằng... hai chân! (14/10/2003)
Xuất khẩu chè gặp khó khăn (14/10/2003)
An Giang đưa giá nông sản lên trang web (14/10/2003)
Khai trương đường bay thẳng Hà Nội - Seoul (14/10/2003)
Việt Nam ủng hộ phát triển đường sắt trong ASEAN (13/10/2003)
Quy định thời hạn làm báo cáo quyết toán vốn đầu tư (13/10/2003)
Chuyển đổi chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú Mỹ I (13/10/2003)
Các thành viên APEC cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (13/10/2003)
Canada có nhu cầu nhập nhiều đồ gỗ sử dụng ngoài trời (13/10/2003)
Thu hồi những thửa đất có diện tích nhỏ hơn 20m2 (13/10/2003)
Tro ve dau trang