Nhộn nhịp thị trường lữ hành du lịch... ma
08:35' 13/10/2003 (GMT+7)

Người thanh niên đi xe máy  sống nhờ hoa hồng của việc bán khách du lịch cho các công ty lữ hành.

Người đi du lịch đang bị móc túi bởi một số công ty du lịch lữ hành "ma" (không đăng ký với Nhà nước). Thế nhưng, chỉ riêng tại TP.HCM, các công ty này lại chiếm đến 90% số công ty có hoạt động du lịch lữ hành...

Tổ chức lữ hành không cần giấy phép!

Tại Công ty Du lịch TL ở phường 15, quận Tân Bình, T,  tự xưng là Phó giám đốc công ty, sau khi biết về nhu cầu đặt tour cho một đoàn khách nước ngoài sắp sang thăm Việt Nam đi du lịch Đà Lạt trong bốn ngày, T liền khoe: "Công ty tụi tôi vừa tổ chức một đoàn gần 70 khách Đài Loan đi Hà Nội mới về nên mọi chuyện đường đi nước bước ông anh đừng lo, vấn đề bây giờ là giá".

Các công ty lữ hành "ma" đã ăn chặn tiền bằng cách đặt xe, khách sạn, nhà hàng... với giá cực bèo, không cần chất lượng. TH, hướng dẫn viên đã từng chạy sô của một công ty du lịch “ma”, cho biết mỗi khẩu phần ăn cho khách đặt bớt đi 10.000 đồng - 15.000 đồng, nhân với ba bữa và số ngày đi tour cũng thấy các ông chủ này đã bỏ túi bao nhiêu! Ngoài ra, khách sạn từ ba sao như lời hứa ban đầu giảm xuống còn một sao hay nhà nghỉ cũng cho thấy hành khách bị bắt chẹt đến mức độ nào! Chuyện hàng chục khách du lịch quốc tế phải ngồi ăn trưa với chỉ một đĩa mì khô khốc trị giá chưa đến 3.000 đồng cũng đã từng xảy ra. 

Nói vừa dứt T rút trong ngăn kéo bàn ra một tờ giấy bảng giá, sau đó chỉ vào tour TP.HCM - Đà Lạt bốn ngày, bốn đêm có ghi sẵn mức giá tour là 520.000 đồng/người, nói quả quyết: “Đây là mức giá tham khảo, trong đó công ty sẽ chi 10% cho người dẫn khách trên giá trị hợp đồng, có thể trích thêm phần trăm hoa hồng. Ngoài ra, nếu cần nâng giá trên hóa đơn để thanh toán cho khách, tụi tôi cũng sẵn lòng giúp đến nơi đến chốn".

Như để củng cố thêm niềm tin cho khách, T quảng cáo tiếp về năng lực của TL: "Khách sẽ được đi xe hơi đời mới, chất lượng cao, máy lạnh phà phà, nghỉ ở khách sạn ba sao và ngày ăn ba bữa no nê! Nói thật với ông anh, so với một số công ty lớn khác thì với mức giá trên đã rẻ hơn 20-30%, và gần như công ty tụi tôi làm chỉ hòa vốn".

Theo anh Trần Văn Xồi, chuyên viên Phòng Quản lý du lịch của Sở Du lịch TP.HCM, Công ty TL hoàn toàn không có trong danh sách các DN được phép kinh doanh lữ hành và lữ hành quốc tế trên địa bàn TP.HCM. Để được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, tất cả DN trước khi hoạt động đều phải báo cho cơ quan chủ quản là Sở Du lịch, đặc biệt đối với hoạt động dịch vụ lữ hành quốc tế thì DN phải làm hồ sơ đề nghị được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế gửi Sở Du lịch. Trên cơ sở đề nghị này, Sở Du lịch mới có công văn kèm hồ sơ của DN đó cho Tổng cục Du lịch và nếu Tổng cục Du lịch cho phép thì DN này được hoạt động.

3.000 đăng ký được... 300!

Chánh thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Dung, cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng hơn 3.000 DN (số thống kê của tháng 8/2003) có chức năng kinh doanh lữ hành. Tuy nhiên, số DN đăng ký qua Sở Du lịch lại chỉ có... 300 DN (10%).

Theo Tổng cục Du lịch sắp tới sẽ tiến hành một đợt thanh tra đồng loạt điều kiện kinh doanh của các công ty hoạt động lữ hành trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội. Một quan chức của Tổng cục Du lịch cho biết hoạt động lữ hành ở hai thành phố lớn hiện có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp như: không phép, núp bóng, mượn tư cách pháp nhân kinh doanh, làm giả thẻ hướng dẫn viên du lịch...

Do đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện, theo qui định công ty kinh doanh lữ hành nội địa trước khi hoạt động bắt buộc phải ký quỹ 50 triệu đồng kèm phương án kinh doanh, và kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ 250 triệu đồng. Đồng thời ít nhất phải có ba hướng dẫn viên có thẻ ký hợp đồng dài hạn.

Nhưng thực tế không phải DN nào trước khi hoạt động cũng đủ những điều kiện này, và thế là bất chấp các điều kiện ràng buộc trên, nhiều DN vẫn ngang nhiên tổ chức chui tour cho khách trong nước và quốc tế. Theo một kết quả kiểm tra, thanh tra 15 DN kinh doanh lữ hành trên địa bàn TP.HCM của Sở Du lịch vừa qua, có đến 12 đơn vị vi phạm, trong đó 9 trường hợp đã hoạt động nhưng chưa thực hiện việc ký quỹ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung bức xúc: "Tình hình này nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ tác động rất xấu đến môi trường ngành du lịch. Bởi do làm chui nên có rất nhiều trường hợp phá giá bằng cách hạ giá tour xuống thật thấp nhằm cạnh tranh, thu hút khách của các công ty khác. Và để thu lợi nhuận, họ chỉ còn cách ăn chặn tiền dịch vụ của hành khách”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, hiện nay Sở Du lịch đang thụ lý ít nhất ba hồ sơ "xù nợ" của các công ty du lịch "ma" trên địa bàn TP.HCM. Các công ty "ma" này trước đó đã khéo léo đi đến một số tỉnh để đặt một số dịch vụ cho tour, sau khi tổ chức xong đã "biệt vô âm tín", để lại số nợ lên đến vài chục triệu cần phải thanh toán cho các khách sạn, công ty lữ hành ở địa phương. Đến khi vào TP.HCM truy tìm tung tích mới tá hỏa là địa chỉ công ty "ma".

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sự thiên lệch bất lợi cho xuất khẩu (12/10/2003)
Mua đất có khuyến mãi ở TP.HCM (12/10/2003)
Doanh nghiệp nản lòng tham gia ''xã hội hóa'' cấp nước (12/10/2003)
Cathay Pacific giảm giá vé máy bay (12/10/2003)
Hỗ trợ di dời 270 hộ kinh doanh tại chợ Cầu Ông Lãnh (12/10/2003)
Giá vàng tăng nhẹ (12/10/2003)
Điện thoại di động Vinaphone có thể "gọi 171" (12/10/2003)
Alan Greenspan - con đường từ số 0 tới quyền lực đỉnh cao (13/10/2003)
VASEP thay đổi cơ cấu lãnh đạo (13/10/2003)
Hơn 365 tỷ đồng xây dựng khu du lịch Côn Đảo (11/10/2003)
Thêm 438 thửa đất ở Lâm Đồng bị cấp trùng sổ đỏ (11/10/2003)
Thành lập mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng (11/10/2003)
Doanh nghiệp vận tải container có nguy cơ ngừng hoạt động (11/10/2003)
Tiền đâu xây Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong? (10/10/2003)
Giá hoa cúc ở Đà Lạt liên tục giảm (10/10/2003)
Tro ve dau trang