|
Trạm cấp nước của Công ty AH ở phường Long Bình, quận 9 vẫn chưa sử dụng hết công suất. |
Mặc dù quy chế xã hội hóa cấp nước vừa được UBND TP.HCM ban hành ngày 19/9/2003 nhưng trước đó đã có nhiều doanh nghiệp tham gia và không ít nhà đầu tư đã... nản lòng.
Khi Nhà nước và doanh nghiệp “đụng” nhau!
Nằm ở đầu nguồn nước nhưng phường Long Bình, quận 9 hiện vẫn còn nhiều khu vực thiếu nước sinh hoạt do chưa có đường ống. Cách đây năm năm, cùng với kinh phí hỗ trợ của quận, UBND phường đã vận động người dân địa phương đóng góp để đầu tư tuyến ống dẫn nước. Đến nay có gần 500 hộ dân đăng ký sử dụng. Giá nước sinh hoạt tính theo giá của ngành cấp nước cộng thêm 500 đồng chi phí quản lý.
Do địa bàn khá rộng, chi phí đầu tư cao nên đường ống cấp nước chưa đến được với nhiều hộ dân. Giữa năm 2002 trạm cấp nước sinh hoạt công suất 800m3/ngày được xây dựng tại địa bàn phường Long Bình do Công ty AH đầu tư, theo chủ trương xã hội hóa của TP. Trạm cấp nước này khai thác từ nguồn nước sông Đồng Nai thông qua hệ thống lọc, giá bán 2.800 đồng/m3, không tính lũy tiến.
Dù chưa có sự phân chia khu vực nhưng từ trước đến nay giữa phường và Công ty AH có sự thỏa thuận ngầm với nhau về phạm vi khai thác, quản lý. Thế nhưng mọi phát sinh bắt đầu khi gần đây hàng chục hộ dân lại muốn chuyển sang sử dụng nguồn nước của Công ty AH nhưng chưa được UBND phường chấp thuận. Lý do theo một cán bộ phường, nếu Công ty AH “lấn sâu” sang khu vực do phường quản lý sẽ gây xáo trộn cung - cầu, ngoài ra chất lượng nước của Công ty AH thường xuyên không ổn định, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Đây không phải trường hợp đầu tiên “đụng độ” giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12 cũng xảy ra trường hợp tương tự. Năm 2000, Công ty PĐ xây dựng một trạm cấp nước công suất 700m3/ngày cung cấp cho một phần các hộ dân thuộc phường Tân Thới Hiệp và Tân Chánh Hiệp. Trạm bơm đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì một trạm cấp nước khác thuộc Sở NN & PTNT TP cũng mọc lên cạnh đó. Có đến hai trạm cấp nước cùng một khu vực trong khi số hộ dân sử dụng chưa cao, quận phải hòa giải bằng cách chia mỗi trạm cấp nước một số khách hàng.
Tham gia xã hội hóa, không dễ!
Hậu quả là sau một thời gian hoạt động, đến nay cả hai trạm cấp nước do doanh nghiệp tự đầu tư đều chưa sử dụng hết công suất. Trạm cấp nước của Công ty PĐ có khả năng cung cấp cho 2.000 hộ dân nhưng đến nay chỉ có 500 hộ sử dụng, chỉ bằng khoảng 1/4 công suất. Công ty cho biết trung bình mỗi năm lỗ khoảng 90 triệu đồng. Công ty phải xoay xở bằng cách sản xuất nước khoáng nhưng cũng không cầm cự nổi.
Để tìm lối ra cho doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, vừa qua ngành cấp nước đã thỏa thuận mua của Công ty HA 700m3/ngày với giá 2.200 đồng/m3 theo hình thức bán sản lượng nước qua đồng hồ tổng. Về phía Công ty HA tự đầu tư tuyến ống để hòa mạng. Thời gian hợp đồng trong ba năm. Một doanh nghiệp khác cũng đang tiến hành xây dựng trạm cấp nước 2.000m3/ngày sau đó bán lại cho Công ty Cấp nước với phương thức tương tự.
Tuy nhiên theo cán bộ ngành cấp nước, đây chưa phải là bài toán căn cơ. Việc mua nước sạch do các doanh nghiệp sản xuất là cần thiết nhưng quản lý ngành cũng cần tìm hướng ra cho các doanh nghiệp để nguồn nước đến trực tiếp với người dân; nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia khai thác, xử lý nguồn nước mặt (nước sông), hạn chế khai thác nguồn nước ngầm kinh doanh; ngành cấp nước cũng nên qui định địa giới cung ứng nước sạch cho khách hàng giữa các doanh nghiệp với nhau (hoặc giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân), tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm phục vụ người dân tốt hơn...
(Theo Tuổi Trẻ)
|