|
Hiện còn thiếu cơ chế thuận lợi để DNNN huy động thêm vốn từ người lao động. | (VietNamNet) - Trong khi các cấp, ngành đều có chương trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm giảm sự trì trệ của đội ngũ này thì bất ngờ thay, tình trạng bảo hộ, bao cấp của Nhà nước đối với DNNN lại có chiều hướng gia tăng... Hiện trạng này được đưa ra mổ xẻ trong cuộc họp về Luật DNNN do UBTV Quốc hội tổ chức sáng nay (9/10).
Theo một nguồn tin từ Thanh tra Nhà nước, các khoản chi từ nguồn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức tài chính của Nhà nước, lãi suất, bổ sung các quỹ hỗ trợ trong năm 2003 chiếm gần 1/4 tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển kinh tế. Nếu tính cả các khoản xoá nợ, khoanh nợ, bù lỗ, xoá hoặc giảm lãi suất vốn vay thì mức bảo hộ còn lớn hơn nhiều.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp trong một số lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cũng xuất hiện.
Thực tế hiện nay, mặc dù các ngành đã tích cực đổi mới và sắp xếp lại hệ thống DNNN, nhưng vẫn còn trên 5.200 DN độc lập và trên 80 tổng công ty nhà nước. Việc sắp xếp, cổ phần hóa, chuyển đổi chậm làm cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp.
Tại cuộc họp bàn về Luật DNNN (sửa đổi) sáng nay của UBTV Quốc hội, các ý kiến đều thừa nhận rằng DNNN là lực lượng đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, cho ngân sách và là lực lượng chủ yếu tham gia các hoạt động công ích, hoạt động xã hội. Đội ngũ này đã có sự chuyển biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới tổ chức quản lý, đổi mới công nghệ phấn đấu nâng cao hiệu quả và giảm giá thành sản phẩm, nhưng còn hạn chế về tính năng động, năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. Giá thành nhiều sản phẩm và dịch vụ còn cao, không ít doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ kéo dài, tài chính doanh nghiệp chưa thật lành mạnh.
Năm 2003, kế hoạch cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước đạt kế hoạch thấp. Việc xử lý những doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài còn lúng túng. Nguyên nhân của tình hình trước hết là do nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động, chưa thực sự quyết tâm đổi mới, chỉ đạo thiếu kiên quyết của không ít cấp quản lý và cán bộ có trọng trách.
Người quyết định thành lập DNNN có thể bị truy cứu hình sự
Tại Thường vụ Quốc hội sáng nay, nhiều đại biểu cho rằng ''cần quy định bắt buộc phải lập Hội đồng thẩm định để thẩm định việc thành lập công ty nhà nước; đồng thời quy định chặt chẽ rõ hơn trách nhiệm của cơ quan và cá nhân ra quyết định thành lập công ty nhà nước; quy định chế tài đối với việc thành lập công ty nhà nước không hiệu quả hoặc không đúng luật...''
UBTV đã đồng ý bổ sung một nội dung mới vào dự thảo Luật DNNN (sửa đổi): ''Quyết định thành lập công ty nhà nước không đúng thủ tục, trình tự vượt thẩm quyền, thiếu trách nhiệm trong thẩm định thành lập dẫn đến công ty hoạt động không hiệu quả thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự''.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến trong nghị viện đề nghị Luật cần có những chế định mạnh hơn để khắc phục hai mặt hạn chế đang diễn ra trong thực tế.
Thứ nhất, luật vẫn quy định quá chặt dẫn đến chưa có cơ chế động lực thích hợp và còn có tình trạng quân bình về lợi ích giữa các công ty, giữa các giám đốc điều hành công ty hoạt động có hiệu quả và không hiệu quả, giữa công ty kinh doanh đạt ít lợi nhuận và nhiều; chế độ lương thưởng chưa linh hoạt, chưa có cơ chế thưởng hợp lý, thưởng công khai, hiệu quả kinh doanh cao có lợi nhuận nhiều; hệ số giãn cách tiền lương còn nhỏ; thiếu cơ chế thuận lợi để công ty huy động thêm nguồn vốn từ người lao động.
Thứ hai, dù luật hiện hành không quy định nhưng thực tế nhà nước hiện vẫn có biện pháp xoá nợ, báo trước cho DNNN bằng cách khoanh, giãn nợ, bù lãi suất tiền vay; pháp luật chưa xác định nhiệm vụ quan trọng của DN là đảm bảo tỷ suất sinh lời trên vốn, chưa quy định rõ trách nhiệm của người quản lý, điều hành công ty đối với các khoản nợ, đặc biệt là nợ quá hạn.
|