|
Lao động Việt Nam ở DN có vốn đầu tư nước ngoài đang chịu thiệt thòi do chênh lệch về mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cao. |
(VietNamNet) - Nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế đối với lao động Việt Nam lên mức 5 triệu đồng (từ mức 3 triệu đồng hiện nay) tại cuộc họp lấy ý kiến của các bộ ngành về dự thảo sửa đổi Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ngày 8/10 tại Hà Nội.
Bộ Tài chính trong dự thảo đề nghị giữ nguyên mức khởi điểm chịu thuế 3 triệu đồng đối với lao động Việt Nam và 8 triệu đồng đối với người nước ngoài. Khi tính mức khởi điểm chịu thuế có thể trừ đi những chi phí sinh hoạt cá nhân và chi phí cho người ăn theo.
Luật sư Phạm Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế 3 triệu đồng không còn phù hợp với tình hình thực tế khi mà giá cả, chi phí trong cuộc sống, đặc biệt tại các đô thị đã tăng lên so với trước. ''Với 3 triệu đồng chỉ có thể đảm bảo những chi phí tối thiểu cho cuộc sống, không có tích luỹ. Do vậy dễ dẫn đến việc né thuế, trốn thuế'', ông Huỳnh nói.
Về đề nghị trên của Bộ Tài chính, ông Lê Văn Xuân, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: ''Rất vô lý khi ở cùng một DN, cùng một trình độ, người nước ngoài thì chịu thuế thu nhập ở mức 8 triệu đồng còn ta lại 3 triệu. Như thế là tự mình đánh thấp mình''.
Theo một quan chức Bộ Tài chính, mức khởi điểm thu nhập chịu thuế còn có thể hạ xuống kèm theo giảm thuế suất khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng (dự kiến vào năm 2006).
Về thu nhập đối với các ca sĩ, cầu thủ bóng đá..., có ý kiến cho rằng thu nhập của họ thường giới hạn bởi một số năm họ có sức khoẻ và còn hành nghề được thì thu thuế nhưng khi họ không còn hành nghề nữa thì lại không có chế độ bảo trợ. Bà Nguyễn Thị Cúc, Tổng cục phó Tổng cục Thuế, cho biết sẽ đưa ra giải pháp: đối tượng này vẫn phải nộp thuế nhưng được trừ 20% bảo hiểm nghề nghiệp trên tổng thu nhập năm.
Bà Nguyễn Thị Cúc, cho biết thêm, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc mức khởi điểm chịu thuế và cũng đưa ra quy định riêng đối với một số ngành đặc thù như ca sĩ, cầu thủ bóng đá...
Bà Cúc cũng cho rằng, phân biệt thu nhập thường xuyên và không thường xuyên hiện nay ''không rõ ràng''. Cho nên Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi bãi bỏ phân biệt đó và tính thuế theo thu nhập từ lao động (tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, tiền đề tài nghiên cứu khoa học) và thu nhập bất thường như trúng thưởng xổ số, quà biếu...
|