Giới khoa học bất đồng về dự án Metro ưu tiên tại TP.HCM
09:52' 09/10/2003 (GMT+7)

Lợi ích lớn nhất của dự án Metro là về mặt xã hội, nhờ giảm số người đi ôtô, xe máy.

Ngày 8/10, dự án nghiên cứu khả thi 2 tuyến metro ưu tiên TP.HCM đã được chính thức công bố và lấy ý kiến góp ý, phản biện của các nhà nghiên cứu khoa học. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ việc thành phố đầu tư xây dựng 2 tuyến metro ưu tiên, tuy nhiên phương án thực hiện thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Đơn vị tư vấn TEWET, Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam và tập đoàn Siemens (Đức) đề nghị hai tuyến metro ưu tiên là tuyến Bến Thành - Bà Quẹo - Tham Lương (tuyến metro 1) và Bến Thành - Bến xe Miền Tây (tuyến metro 2), với phương án đề nghị đi ngầm, dù chi phí đầu tư trực tiếp xây dựng hệ thống là cao nhất so với các phương án nổi (trên mặt đất và trên cao), nhưng giảm được chi phí đầu tư gián tiếp như giải toả đền bù, tái định cư và chi phí xây dựng các cầu vượt.

Phương pháp thi công đề nghị được đào hở vì kết cấu địa chất của TP.HCM là vùng đất yếu nên chi phí thi công ngầm cao hơn đào hở khoảng 40%. Về hiệu quả kinh tế, với giá vé được đề xuất là 2.500 đồng/lượt (giá được tính vào thời điểm năm 2003), trong 1-2 năm đầu hoạt động metro phải bù lỗ khoảng 6 triệu USD; nhưng đến khoảng năm thứ tư sẽ bắt đầu có lãi. Sau 20 năm, dự tính tổng số lãi khoảng 110 triệu USD, nhưng lợi ích lớn nhất là về mặt xã hội, có thể lên đến 3,5 tỷ USD nhờ giảm bớt số người đi ôtô, xe máy, giảm ô nhiễm môi trường...

Đoàn xe sử dụng theo tiêu chuẩn châu Âu, gồm 3 toa xe, dài khoảng 60m, rộng 2,9m, chở được khoảng 900 người, chạy với tốc độ tối đa là 80km/giờ. Theo tính toán, trong một giờ có thể chạy đến 40 lượt tàu, chở được khoảng 36.000 lượt hành khách. Khả năng thu hút khách tối thiểu là 182.000 người/ngày (năm đầu tiên), có khả năng tăng khoảng 40% trong 10 năm đầu và 30% trong 10 năm tiếp theo.

Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ việc thành phố đầu tư xây dựng 2 tuyến metro ưu tiên. Tuy nhiên, theo TS. Đoàn Thị Phin, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), chi phí đầu tư và giá vé đề nghị của đợn vị tư vấn là quá thấp so với các nước trong khu vực đã đầu tư và khai thác metro. Ông Lương Viên (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM) thắc mắc vì sao lại chọn hai tuyến này là ưu tiên, đồng thời đề nghị tuyến metro 2 nên đi ngầm đến bến xe Miền Tây thay vì đi nổi trên đường Hùng Vương, đoạn từ Ngô Quyền đến bến xe Miền Tây.

GS-TS. Lê Quả (Sở Giao thông công chính TP.HCM) băn khoăn vì sao không chọn hướng tuyến từ trung tâm thành phố đến sân bay Tân Sơn Nhất làm tuyến ưu tiên, trong khi sân bay đang chuẩn bị nâng cấp với 10 triệu lượt hành khách/năm? Vì sao lại chọn phương án hai tuyến đi trùng nhau một đoạn dài hơn 1km (từ Bến Thành - Nguyễn Thị Minh Khai)?

TS. Trần Luân Ngô (Ban Chuẩn bị đường sắt nội đô TP.HCM) cũng có ý kiến phản biện tương tự và đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm phương án khác để có sự so sánh, tránh lãng phí. Ông Ngô đề nghị hướng tuyến metro 1 từ Tham Lương - Cách Mạng Tháng Tám - đến đường Nguyễn Thị Nghĩa (Công viên 23/9) thay vì đến đường Hàm Nghi (chợ Bến Thành); tuyến metro 2 nên từ đường Nguyễn Thị Nghĩa - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Cư Trinh - An Dương Vương - Hùng Vương - Bến xe Miền Tây. Với phương án này không có một đoạn trùng nhau của hai tuyến, đồng thời rút ngắn được 1,6 km so với phương án của đơn vị tư vấn.

Tại hội thảo lãnh đạo TP.HCM cho biết dự án khả thi hai tuyến metro ưu tiên này dự kiến sẽ được UBND thành phố trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét vào tháng 11 năm nay, sau khi tổ chức lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học tại hội thảo này và ý kiến của các bộ ngành liên quan.

(Theo Thanh Niên)

Tin liên quan:

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vận chuyển trên 2,8 triệu hành khách bằng đường không (09/10/2003)
Khách quốc tế đến TP.HCM tăng 27% (09/10/2003)
Thị trường dầu dừa xuất khẩu đóng băng (09/10/2003)
Đánh thuế thu nhập cao từ chuyển nhượng đất đai (09/10/2003)
Dân Sơn La đua nhau trả bò (09/10/2003)
GDP tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua (09/10/2003)
Sẽ thanh tra hoạt động kinh doanh lữ hành (08/10/2003)
Sản xuất lương thực đang cần sự đột phá của KHCN (08/10/2003)
ASEAN sẽ tiêu chuẩn hóa thuế nhập khẩu (08/10/2003)
Đặt tên doanh nghiệp: Bấp bênh giới hạn của sự độc đáo (08/10/2003)
"Nhất thiết không để xảy ra đầu tư tràn lan, kém hiệu quả" (08/10/2003)
Năm 2004, dự kiến thiếu 5,7 triệu tấn xi măng (08/10/2003)
Tổ chức hội chợ Thương mại tại Phnompenh (08/10/2003)
Vị đắng của mật ong Việt Nam (08/10/2003)
''Cần tận dụng cơ hội tạo “bùng nổ” FDI'' (08/10/2003)
Tro ve dau trang