|
Chị Lê Thị Yến đang chăm sóc những con bò ốm của gia đình. |
Tháng 9/2002, UBND tỉnh Sơn La đã quyết định năm 2002, 2003 sẽ nhập khẩu 1.500 con bò sữa thuần chủng từ Australia để đến năm 2005 đạt chỉ tiêu 6.000 con. Việc nhập khẩu ồ ạt hàng nghìn con bò sữa thuần chủng từ Australia này có thể dẫn đến nguy cơ sạt nghiệp của nhiều hộ dân. Việc trả bò của hàng loạt hộ dân ở tiểu khu 4, xã Chiềng Cơi, thị xã Sơn La, thời gian gần đây đã minh chứng cho điều đó.
Bò ốm nên phải trả
Liên tiếp trong những ngày giữa tháng 9/2003, UBND xã Chiềng Cơi nhận được hàng chục lá đơn xin trả bò của các hộ dân, nhiều hộ viết đơn đến lần thứ ba như hộ các ông bà Lù Văn Thành, Vũ Văn Chiến, Quàng Văn Phanh, Lò Văn Pỏm, Lường Đức Thuận... Nguyên nhân trả bò chủ yếu do bò ốm hoặc không có sữa dẫn đến lỗ vốn trầm trọng. Xác nhận vào các lá đơn của dân, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cơi Lù Văn Vinh viết: "Những phản ánh của dân là đúng sự thật" và đề nghị UBND thị xã Sơn La đồng ý cho dân được trả bò.
Gia đình anh Vũ Văn Chiến và chị Lê Thị Yến đầu tư trên 150 triệu đồng nhập về 8 con bò. Theo hợp đồng, bò phải khoẻ mạnh, có chửa lần đầu (từ 3-5 tháng), nhưng thực tế phần lớn bò kém chất lượng, có con bị đi ỉa triền miên, có con thường xuyên tiểu ra máu. Chị nói: "Bây giờ đã hết thời gian bảo hành, đương nhiên thị xã không chịu trách nhiệm nữa, đầu tư cả đống tiền rồi, nó mà chết, chắc tôi cũng chết luôn...".
Chị Yến nói: "Người dân nuôi bò chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết. Thứ nhất, bò chất lượng kém là lỗi của bên cung cấp chứ không phải của chúng tôi, nhưng khi bò ốm, hoặc bò không có chửa thị xã lại gây khó dễ không chịu nhận lại. Thứ hai, thời gian bảo hành 3 tháng là quá ngắn, có nhiều con, trong thời gian đó còn chưa phát bệnh, hoặc bệnh nhẹ không phát hiện được...".
Sự nóng vội
Theo một tổng kết mới đây, UBND thị xã Sơn La thừa nhận hiện nay thị xã đã tiến hành giao được 103 con bò cho 24 hộ, tuy nhiên các hộ đã trả lại nhiều con do bệnh tật. Nhiều con bê có hiện tượng đái ra máu, bò đẻ bị viêm vú song không có thuốc đặc trị, nhiều hộ dân phải tự mua ngoài thị trường với giá rất cao...
Việc phát triển chăn nuôi bò sữa ở Sơn La không hẳn là một hướng đi sai, bởi lẽ điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu...) ở nhiều vùng của Sơn La như Mộc Châu, Mai Sơn, thị xã Sơn La... khá thuận lợi cho việc chăn nuôi bò sữa. Vì lẽ trên, tỉnh Sơn La đã đặt chỉ tiêu xây dựng một đàn bò sữa 6.000 con vào năm 2005.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính việc nhập khẩu ồ ạt hàng nghìn con trong một thời gian ngắn như vừa qua phải được xem xét lại. Sự nóng vội của quyết định trên, theo các chuyên gia, chính là ở chỗ những hộ nông dân ở miền núi trên chưa hề có sự chuẩn bị về kiến thức chăm sóc, thú y, cơ sở vật chất chuồng trại, nguồn cung cấp thức ăn...
Qua tìm hiểu thực tế, cách chăm sóc (cho uống thuốc, cho ăn và... đỡ đẻ) của một số chủ hộ nuôi bò sữa là hoàn toàn tự phát. Hiện Sơn La đang xuất hiện một số loại bệnh dịch đối với trâu, bò. Bò thuần chủng ngoại nhập chưa thích nghi ngay với điều kiện sống, chưa có sức đề kháng.
(Theo Lao Động)
Tin liên quan:
|