GDP tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua
18:49' 08/10/2003 (GMT+7)
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trở lại vị trí thứ hai thế giới.
(VietNamNet)
- Đánh giá mới nhất của Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội vừa cho biết, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm nay ước đạt 7,2% - 7,3%. Đây là mức tăng trưởng liên tục và cao nhất trong 6 năm qua. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân (7,5%/năm) đã đề ra và mức tăng trưởng này là ''chưa vững chắc''. 
 

Vài ngày tới, trong phiên họp thường kỳ lần thứ 13 của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2003, phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách TW năm 2004. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cũng có những đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2003 và trong năm tới.

Kinh tế tăng khá, nhưng chưa vững chắc

Trong một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội - tuy khẳng định những tăng trưởng của kinh tế trong nước nhưng cũng đã lên tiếng cảnh báo ''Điều đáng quan tâm là tuy kinh tế tăng khá nhưng chưa vững chắc, chất lượng tăng trưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn là khâu yếu, thấp và chậm, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tốc độ tăng đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất chậm...''

Ông Kiên dẫn chứng, ''qui mô và tỷ trọng các chi phí trung gian đối với doanh nghiệp vẫn gia tăng. Cước bưu chính viễn thông, điện, nước, cước phí vận tải, chi phí xây dựng hạ tầng, chi phí vốn và nhiều phí dịch vụ khác... vẫn cao hơn so với khu vực và quốc tế, làm tăng chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế''.

''Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do yếu tố vốn đóng góp chiếm 52,7%, yếu tố lao động đóng góp chiếm 19,8%, còn yếu tố năng suất toàn bộ (IFP) chỉ chiếm 28,2% - thấp hơn thời kỳ 1992-1994 và thấp hơn tỷ trọng trên 40% của nhiều nước trong khu vực...''

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp còn thấp. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên doanh thu thấp hơn lãi suất vay ngân hàng và nhiều trường hợp thấp hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư có chuyển biến nhưng vẫn chậm, tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng công nghiệp và xây dựng làm cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế không thuận lợi và chưa thật tích cực. Cơ cấu sản phẩm ngành, nghề trong nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch không đáng kể và chưa hợp lý.

Báo động nợ đọng xây dựng cơ bản

Trong đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2003, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu rõ: Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn vốn, ước vốn đầu tư xã hội cả năm đạt khoảng 217.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm ngoái. Tuy nhiên, một vấn đề bức xúc đang đặt ra là nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản xuất hiện từ năm 2001 đến nay vẫn tiếp diễn và có xu hướng ngày càng gia tăng, chưa được xử lý dứt điểm. Tổng hợp của một số bộ ngành và 57 tỉnh thành cho thấy khoản nợ này đã lên tới con số đáng lo ngại: 11.000 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vốn các công trình chưa được phê duyệt hoặc chưa có kế hoạch. Tình hình đó đã tác động xấu đến cân đối vĩ mô và ẩn chứa những dấu hiệu không lành mạnh về tài chính.

Trong năm 2003, cả nước bố trí đầu tư 10.600 công trình, tăng 2.500 công trình so với năm 2002 nhưng hầu hết thời gian thi công kéo dài, chậm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng. Có khoảng 75% đến 80% số công trình trong trạng thái dở dang, nhiều công trình có thời gian thi công gấp 2-3 lần thời gian quy định, gây lãng phí vốn và tăng suất đầu tư. Vốn giải ngân cho các công trình, dự án được phê duyệt trong kế hoạch rất chậm, có trường hợp không giải ngân được.

Theo Thanh tra nhà nước, tình trạng lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản không nhỏ, các sai phạm xảy ra ở cả 3 giai đoạn: chuẩn bị đầu tư, xây dựng và nghiệm thu quyết toán công trình.

Nguy cơ ''tái xuất'' đầu tư không theo quy hoạch

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Ngân sách nêu rõ, trong phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng đầu tư không theo quy hoạch không những chưa được khắc phục mà điều đáng lưu ý là mặc dù phải qua nhiều vòng thẩm định, nhiều khâu xét duyệt, nhưng có dự án không nằm trong quy hoạch hoặc đã có trong quy hoạch nhưng chưa được đưa vào kế hoạch xây dựng vẫn được triển khai.

Thực tế đã có bài học về bia, mía đường, trồng và chế biến một số cây công nghiệp, cây ăn quả, cảng biển, đánh bắt xa bờ... nhưng hiện đang có dấu hiệu trở lại của những hội chứng cũ như đầu tư phát triển thép xây dựng, xây dựng khu du lịch, chế biến thực phẩm, sản xuất giấy và bột giấy, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản... Thiệt hại của việc đầu tư không theo quy hoạch không nhỏ: Nhà nước hao phí ngân sách, ngân hàng và quỹ tín dụng mất hoặc bị đọng vốn, người lao động không được ổn định về việc làm và thu nhập.

Bên cạnh đó là việc phân bổ vốn đầu tư còn chưa hợp lý dẫn đến ''bó'' việc khai thác tiềm năng, lợi thế của từng ngành, từng vùng trong nước. Nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng khá, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong 3 năm (2001-2003) nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 34% GDP (124 nghìn tỷ năm 2001) lên 35,6% GDP (217 nghìn tỷ đồng năm 2003), nhưng tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thể hiện rõ nét, tình trạng lãng phí, thất thoát còn khá phổ biến.

Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và vốn vay ODA tăng không nhiều và có xu hướng giảm tỷ trọng trong tổng nguồn vốn đầu tư xã hội (hiện nay khoảng gần 30%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2003 hầu hết đầu tư vào các dự án quy mô nhỏ. Cơ chế chính sách có liên quan đến môi trường đầu tư chưa thật nhất quán, minh bạch và rõ ràng, thủ tục hành chính còn phức tạp cộng với sự nhũng nhiễu gây phiền hà cho các nhà đầu tư, tình trạng cạnh tranh không hợp lý trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài giữa các khu vực, giữa các địa phương tạo ra môi trường đầu tư thiếu minh bạch. Một số nơi có chính sách ưu đãi vượt quá quy định của Nhà nước hoặc hỗ trợ quá mức. Vốn ODA giải ngân thấp (dưới 50%). Bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA không đủ và chậm. Nguồn vốn hạn hẹp, nhưng vẫn trong tình trạng bố trí vốn thiếu tập trung, không theo quy hoạch hoặc ngoài kế hoạch.

Hệ thống thị trường phát triển chậm

Hệ thống thị trường chậm hình thành và phát triển chưa đồng bộ cũng là một hạn chế lớn cho hội nhập kinh tế. Cho đến nay, khung pháp lý cho các yếu tố của thị trường và các loại thị trường chưa được tạo dựng đủ mức cần thiết. Thị trường hàng hoá có phát triển nhưng chưa ổn định và chưa thiết lập được thị trường dài hạn, tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn. Thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển, chưa thực sự hấp dẫn đối với sản xuất. Thị trường lao động chưa hoàn chỉnh, còn thiếu những cơ chế cần thiết để điều tiết và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Thị trường bất động sản còn sơ khai, nhiều liêu cực, hoạt động ngầm là chính. Nhà nước chưa quản lý và điều tiết được thị trường, chưa phát huy được nguồn lực đất đai để tạo vốn cho đầu tư phát triển. Thị trường tài chính vừa  hẹp, vừa chưa sôi động. Hoạt động ngân hàng vẫn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro...

  • Hồng Phúc
     
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ thanh tra hoạt động kinh doanh lữ hành (08/10/2003)
Sản xuất lương thực đang cần sự đột phá của KHCN (08/10/2003)
ASEAN sẽ tiêu chuẩn hóa thuế nhập khẩu (08/10/2003)
Đặt tên doanh nghiệp: Bấp bênh giới hạn của sự độc đáo (08/10/2003)
"Nhất thiết không để xảy ra đầu tư tràn lan, kém hiệu quả" (08/10/2003)
Năm 2004, dự kiến thiếu 5,7 triệu tấn xi măng (08/10/2003)
Tổ chức hội chợ Thương mại tại Phnompenh (08/10/2003)
Vị đắng của mật ong Việt Nam (08/10/2003)
''Cần tận dụng cơ hội tạo “bùng nổ” FDI'' (08/10/2003)
Chỉ dẫn địa lý - thuật ngữ còn "lạ tai" với các nước ASEAN (08/10/2003)
Nhiều nỗi lo lớn đối với khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ (08/10/2003)
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đi đòi thương hiệu cá basa (08/10/2003)
Công nhân các nhà máy đường ở ĐBSCL hoang mang (07/10/2003)
Ưu đãi cho DN đến Đài Loan mua hàng (07/10/2003)
Nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản 11.000 tỷ đồng (07/10/2003)
Tro ve dau trang