Sản xuất lương thực đang cần sự đột phá của KHCN
17:10' 08/10/2003 (GMT+7)
Chất lượng gạo Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình trên thế giới. 

(VietNamNet) - "Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp thu KHCN, thiết bị tiên tiến để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi coi đây là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất bền vững", Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị lương thực thực phẩm ASEAN lần thứ 8, khai mạc sáng nay (8/10), tại Hà Nội.

Được tổ chức luân phiên 3 năm một lần, năm nay, hội nghị diễn ra tại Hà Nội, với chủ đề "Khoa học công nghệ (KHCN) thực phẩm ASEAN: hợp tác và hội nhập để phát triển". Ngoài 10 quốc gia ASEAN, 22 nước khác đã đăng ký tham dự, chưa kể Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ... và một số nước châu Phi, như Papua New Ghine, Congo... 245 báo cáo khoa học sẽ trình bày tại hội nghị, tập trung vào các vấn đề: công nghệ sinh học thực phẩm và dinh dưỡng, xu hướng phát triển của ngành công nghiệp chế biến, kỹ thuật và bao gói thực phẩm, chất lượng và tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm...

Hiện nay, một số vấn đề liên quan đến sản xuất lương thực, thực phẩm đang trở thành chủ đề gay cấn, còn nhiều tranh cãi trên các diễn đàn quốc tế, như sản phẩm biến đổi gene, tiêu chuẩn ATVSTP, các định mức dư lượng và tiêu chuẩn chất lượng nông sản quốc tế. Bộ trưởng NN-PTNT Việt Nam Lê Huy Ngọ nói rằng, đó sẽ là chủ đề lớn khi thảo luận Hiệp định Nông nghiệp trong vòng đàm phán WTO sắp tới. Thất bại của Hội nghị Cancun vừa qua cho thấy, các nước đang phát triển cần sát cánh để bảo vệ quyền lợi quốc gia, qua đó, bảo vệ quyền lợi của nông dân. Mà các nhà khoa học ASEAN có vai trò quan trọng trong vấn đề này.

KHCN giúp giảm nhập khẩu lương thực

Khoa học công nghệ đang gắn chặt với đời sống nông thôn.

Tại Việt Nam, trước đây, Việt Nam phải nhập khẩu hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu tấn lương thực/năm. Song, từ năm 1999 lại đây, sản xuất lúa gạo tăng mạnh. Sản lượng lúa năm 2002 đạt 34 triệu tấn, năng suất 4,5 triệu tấn/ha/vụ, so với năm 1989 tăng gần 80% về sản lượng, 40% về năng suất. Từ đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu gạo nội địa ngày càng tăng, mà trong vòng 14 năm (1989-2002), Việt Nam còn xuất khẩu được 37 triệu tấn gạo, bình quân gần 2,5 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2002 đạt trên 2 tỷ USD, sản lượng đạt 2,5 triệu tấn, tăng gần 3 lần về sản lượng, 10 lần về giá trị xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, giành được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã triển khai một loạt chương trình, dự án KHCN. Chúng ta đã có các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến, như lúa gạo ĐBSCL, chè Trung du miền núi phía Bắc, cà phê Tây Nguyên... Cơ cấu sản xuất đa dạng, với quy mô dần tập trung. KHCN mới, đặc biệt là công nghệ sinh học, đang được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Cùng với đó, một số ngành công nghệ cao khác đã được triển khai và bán đầu cho hiệu quả.

Hạ quyết tâm

Song, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, suy dinh dưỡng. Năm 2002, còn 14,3% (theo chuẩn quốc gia) và 29% (chuẩn quốc tế) hộ nghèo; 29,5% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, chưa đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phầm; tổn thất sau thu hoạch cao, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, giá trị sản lượng nông nghiệp/ha đất mới đạt gần 1.500 USD/ha/năm... Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, trong đó, giải pháp KHCN chiếm vị trí quan trọng.

Hiện nay, công nghệ và đa số thiết bị chế biến của Việt Nam còn lạc hậu, do chất lượng lúa kém, không đồng đều, lẫn tạp chất. Chất lượng gạo thành phẩm cũng thấp, làm giá gạo việt Nam thường thấp hơn Thái Lan 10-15 USD/tấn. Đa số rau quả tươi tiêu thụ tại các chợ, thị trường xuất khẩu còn nhỏ bé. Phần lớn cà phê, điều, lạc, cao su, hạt tiêu... được bán ở dạng thô, tươi hoặc chỉ mới sơ chế, thiếu công nghệ chế biến. Mới chỉ 15% sản lượng cà phê được chế biến/năm.

Do vậy, Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN và các nước khác. Việc xây dựng Quỹ an ninh lương thực ASEAN vừa qua nhằm giúp đỡ nhau khi tình hình khẩn cấp, lập hệ thống thông tin báo động về lương thực, tiến hành các dự án về công nghệ sau thu hoạch để giảm tổn thất, hợp tác thúc đẩy sản xuất và thương mại nông sản là những hoạt động bổ ích đang được các nước ASEAN triển khai có hiệu quả.

Kết quả của hội nghị sẽ góp phần thực hiện kế hoạch hành động đã được xây dựng trên cơ sở các định hướng phát triển KHCN tại các Hội nghị cấp cao ASEAN, với tầm nhìn 2020 và tháng 9/1998 tại Hà Nội với Chương trình hành động Hà Nội (HPA).

Trong khuôn khổ Hội nghị, sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ và các đại biểu trong, ngoài nước đã tham dự lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam về chế biến và đóng gói thực phẩm. Triển lãm có sự tham gia của 20 DN Việt Nam, 38 DN nước ngoài. Tại triển lãm, Việt Nam sẽ giới thiệu các mặt hàng nông sản có triển vọng xuất khẩu. Phía DN nước ngoài sẽ cung ứng các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chế biến và bao gói sản phẩm.

Hội nghị và triển lãm sẽ diễn ra đến hết 11/10.

  • H.Yên

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
ASEAN sẽ tiêu chuẩn hóa thuế nhập khẩu (08/10/2003)
Đặt tên doanh nghiệp: Bấp bênh giới hạn của sự độc đáo (08/10/2003)
"Nhất thiết không để xảy ra đầu tư tràn lan, kém hiệu quả" (08/10/2003)
Năm 2004, dự kiến thiếu 5,7 triệu tấn xi măng (08/10/2003)
Tổ chức hội chợ Thương mại tại Phnompenh (08/10/2003)
Vị đắng của mật ong Việt Nam (08/10/2003)
''Cần tận dụng cơ hội tạo “bùng nổ” FDI'' (08/10/2003)
Chỉ dẫn địa lý - thuật ngữ còn "lạ tai" với các nước ASEAN (08/10/2003)
Nhiều nỗi lo lớn đối với khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ (08/10/2003)
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đi đòi thương hiệu cá basa (08/10/2003)
Công nhân các nhà máy đường ở ĐBSCL hoang mang (07/10/2003)
Ưu đãi cho DN đến Đài Loan mua hàng (07/10/2003)
Nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản 11.000 tỷ đồng (07/10/2003)
Lịch tiêu thụ mạnh, giá giảm (07/10/2003)
Nông dân, doanh nghiệp “đón đầu” SEA Games (07/10/2003)
Tro ve dau trang