|
Đã có trên 10.000 bò sữa giống ngoại về đến Việt Nam. | (VietNamNet) - Cục Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa có công văn hướng dẫn đối với các đơn vị dịch vụ nhập giống và nuôi bò sữa. Theo đó, chỉ khi có đủ điều kiện nuôi, số lượng mỗi lần nhập phù hợp, nuôi có hiệu quả mới được phép nhập tiếp. Chủ dự án phải chịu mọi trách nhiệm với Bộ NN-PTNT và địa phương mình về chất lượng bò nhập và kết quả nuôi.
Đối với các đơn vị nhập bò sữa giống, theo Bộ NN-PTNT, phải có kế hoạch nhập giống hàng quý, hàng năm gửi cho Cục Nông nghiệp. Mỗi lần nhập, phải được cơ quan này có ý kiến duyệt bằng văn bản, sau khi đã kiểm tra các điều kiện: tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng giống; số lượng, nguồn gốc và thời gian nhập bò về Việt Nam; chỉ được nhập bò giống đảm bảo chất lượng từ các cơ sở sản xuất giống. Bên cạnh đó, Công văn này quy định, địa điểm nuôi phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đủ cơ sở vật chất, lao động, hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh chăn nuôi và môi trường.
Riêng các cơ sở nuôi bò, cần có chuồng trại phù hợp, đảm bảo lượng thức ăn, nước uống, nước tắm, vệ sinh chuồng trại; cán bộ quản lý, kỹ thuật, lao động và công nhân chăn nuôi đã được đào tạo về chăn nuôi bò sữa, thú y.
Trước đó, Bộ NN-PTNT cho biết, đã xảy ra tình trạng chất lượng một số giống bò sữa nhập về không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về giống. Cơ sở nhập lại chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để nuôi bò, như thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, thiếu chuồng trại, thức ăn, nước uống, thuốc thú y, vệ sinh vắt sữa... Thời gian nhập bò về Việt Nam không thích hợp. Việc chọn hộ nuôi và số đầu bò sữa cho một gia đình nuôi chưa phù hợp dẫn đến tỷ lệ rủi ro cao ở một số nơi.
Theo Bộ này, tính đến tháng 9/2003, Việt Nam đã nhập về 10.633 con bò, trong đó, giống bò sữa là 8.536 con, chiếm trên 80%; bò giống thịt 886 con, chiếm 8,3% và bò thịt nuôi vỗ béo, giết thịt gần 1.200 con, chiếm 11%. 90% lượng bò sữa, bò thịt nhập khẩu vào Việt Nam là từ Australia, 1,8% từ Hoa Kỳ và 9,2% từ New Zealand.
|