Điện thoại di động ngoài luồng mua đâu cũng có!
17:35' 06/10/2003 (GMT+7)

Hàng trưng bày ở các cửa hàng điện thoại di động.

Theo thống kê của ngành bưu chính viễn thông, năm 1999 có khoảng 320.000 thuê bao điện thoại di động; năm 2000 số thuế bao điện thoại di động đã tăng lên gấp đôi; năm 2001 tiếp tục tăng gấp đôi năm 2000 và hiện nay có gần 2 triệu thuê bao điện thoại di động trên cả nước. Thế nhưng trong số 750.000 điện thoại di động tiêu thụ năm 2002, chỉ có 190.300 chiếc nhập khẩu có khai báo hải quan; còn lại hơn 70% là hàng "ngoài luồng"...

"Ngoài luồng" giá nào cũng có!

Tại một cửa hàng điện thoại di động trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP.HCM), giá "niêm yết" ở bảng giá của hơn 10 loại điện thoại di động chỉ bằng 1/3 đến 1/2 hoặc 2/3 so với giá công ty. Cô nhân viên nói: "Ở đây bọn em bán hàng xách tay không có hoá đơn, chứng từ nên rẻ hơn".

Tại một cửa hàng khác trên đường Ba Tháng Hai, khi khách hàng băn khoăn "sao không thấy bán hàng mới?", chủ cửa hàng liền cho biết ngay, không ai dại gì mà trưng hàng ra, trưng hàng thì phải mua hoá đơn "chợ đen", nếu không lỡ bị kiểm tra thì... mệt. Ông chủ này bật mí, thuê địa điểm này mở của hàng bán điện thoại di động đã được ba năm và chỉ bán hàng "xách tay", vì bán rất chạy, lại chẳng phải đóng các loại thuế nên mỗi tháng kiếm được hàng chục triệu đồng.

Trên đường Ba Tháng Hai (đoạn từ Nguyễn Tri Phương đến Lý Thường Kiệt, quận 10), hầu hết các cửa hàng đều trưng bày các loại điện thoại di động cùng các linh kiện đời cũ, khách có nhu cầu mua thì "ngồi đợi đi lấy ở nơi khác về", và tất nhiên không bao giờ có hoá đơn bán hàng cho khách. Hỏi lấy hàng ở đâu, nguồn gốc thế nào? Tất cả đều bảo đảm hàng "xịn" nhập về nhưng không tiết lộ các câu hỏi trên. Chủ một cửa hàng khẳng định: "Hàng chính hãng giá cao hơn hàng ngoài luồng nhập lậu từ 25% trở lên, vì phải đóng thuế nhập khẩu 15%, thuế giá trị gia tăng 10%, chưa kể các khoản chi phí về thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, tiếp thị, khuyến mãi... Do đó, hàng lậu bán khoảng 2 triệu đồng/máy thì hàng chính hãng cũng phải bán 2,5 triệu đồng/máy".

Kiểm tra cách nào?

Các chủ cửa hàng "bật mí" hầu hết các của hàng điện thoại di động nhỏ, lẻ mở ra chỉ làm trung gian mua bán kiếm lời. Khi khách có nhu cầu, họ gọi điện thoại cho đầu mối mang tới để hưởng phần trăm tiền hoa hồng. Các cửa hàng nhỏ, lẻ không đăng ký doanh nghiệp tư nhân nên chỉ đóng thuế khoán như những người bán hàng ngoài chợ. Vì vậy cũng chẳng ai lập sổ sách kế toán theo dõi mua vào, bán ra như thế nào...

Còn một số công ty nhập hàng thì "lách" theo kiểu làm ăn phi pháp của Đông Nam. Lập hai hệ thống sổ sách, khai báo nộp thuế thấp hơn nhiều so với thực tế kinh doanh, đồng thời móc nối với một số tiếp viên hàng không, hải quan cửa khẩu, mang hàng "xách tay" vào... Mặt khác việc áp đặt giá tối thiểu cho hàng hoá nhập khẩu điện thoại di động 50-70 USD/chiếc trong khi giá thực tế cao gấp 2-3 lần, nên hầu hết các công ty đều kê khai theo giá tối thiểu. Theo một cán bộ điều tra vụ án công ty Đông Nam: "Kẽ hở lớn trong quản lý đầu vào và đầu ra của hàng hoá đối với các doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu nói chung và các công ty kinh doanh điện thoại di động nói riêng đã khiến các ngành chức năng khác không thể kiểm soát hết được hàng ngoài luồng"...

Trước tình trạng trên Cục Quản lý thị trường vừa có phương án kiểm tra, kiểm soát điện thoại di động nhập lậu lưu thông trên thị trường. Ông Lê Thế Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, còn đề nghị dán tem với điện thoại di động tương tự như một số mặt hàng khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Vina, cho rằng thuế nhập khẩu (15%) và thuế giá trị gia tăng (10%) hiện nay là quá cao, nên không tránh khỏi tình trạng một số công ty làm ăn theo kiểu "lách" Luật của Đông Nam. Ông đề nghị giảm cả hai loại thuế trên xuống 5% mới có hy vọng giảm hàng "ngoài luồng", cũng như hạn chế việc kinh doanh trốn thuế. Nếu giảm thuế xuống 5%, các mặt hàng nhập về chênh lệch không nhiều so với hàng lậu thì người tiêu dùng sẽ chọn hàng công ty, vì hàng công ty còn có chế độ bảo hành chuyên nghiệp, khuyến mãi liên tục.

Theo báo cáo của các ngành hải quan, công an, quản lý thị trường, điện thoại di động vẫn nhập lậu ồ ạt về qua cửa khẩu đường bộ lẫn đường hàng không. Ở đường bộ các đối tượng buôn lậu tại biên giới Campuchia không còn thuê cửu vạn cõng hàng công khai như trước, mà đóng thành kiện hàng bỏ lên ôtô đời mới và chạy thẳng về TP.HCM giao cho các đầu mối. Còn tại đường hàng không, các đối tượng bó trong người, giấu trong túi áo, túi quần, có khi một người bó đến 60 chiếc. Hải quan sân bay đã phát hiện được nhiều vụ nhưng số vụ phát hiện được cũng không ít vì nguyên tắc không được kiểm tra người. Hàng lậu qua đường bộ và đường hàng không chủ yếu là hàng trôi nổi, đã qua sử dụng, được các đối tượng thu gom với giá rẻ, sau đó tuồn về Việt Nam.

Các đối tượng buôn lậu nhận "bao tiêu" từ công đoạn chuyển hàng về đến khi giao cho các cửa hàng tiêu thụ. Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Trường Nhân cho biết, hải quan sẽ tăng cường kiểm tra người nhập khẩu, yêu cầu họ phải kê khai chi tiết số máy điện thoại (số IMEI),với các hợp đồng, chứng từ liên quan. Nhưng quan trọng là chấn chỉnh nội bộ và tăng cường kiểm soát đối với các trường hợp dấu hàng chục điện thoại di động trong người khi qua cửa khẩu. Lực lượng quản lý thị trường thành phố cũng cho biết việc tổng kiểm tra các cửa hàng, trung tâm theo chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường là cần thiết nhưng bên cạnh đó phải tập trung "đánh" các đầu mối cung cấp cũng như tiêu thụ hàng lậu.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vàng thế giới giảm, vàng trong nước giữ giá (06/10/2003)
Thêm 32 dự án đầu tư vào ngành dệt may (06/10/2003)
Thêm một công ty chứng khoán (06/10/2003)
Xuất khẩu trái cây sang Trung quốc cần được hỗ trợ gấp (06/10/2003)
Đầu tư khảo sát và thăm dò dầu khí tại Indonesia (06/10/2003)
Khai trương siêu thị trái cây ở TP.HCM (06/10/2003)
Mỗi hécta mía ở Lai Châu lỗ tới 66 triệu đồng (06/10/2003)
Bảo hộ thương hiệu cá basa (06/10/2003)
Có gì đảm bảo cho sự an toàn của công trình? (06/10/2003)
Nhà được giao dịch nhiều hơn đất tại Hà Nội (05/10/2003)
Công ty cổ phần Bông vải Tây Nguyên bán 30% cổ phần cho nông dân (05/10/2003)
Khai thác dòng dầu đầu tiên ở vùng chồng lấn Việt Nam - Malaysia (05/10/2003)
Cần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù của ĐBSCL (04/10/2003)
Thành lập Ban chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí (04/10/2003)
Việt Nam cần chỉnh sửa 48 nhóm vấn đề để thu hút đầu tư (03/11/2003)
Tro ve dau trang