|
Rau quả nhiệt đới Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chưa xứng tiềm năng. | (VietNamNet) - Quy chế phức tạp, khắt khe về việc nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm vào Hoa Kỳ trên thực tế đang làm nhiều DN Việt Nam e ngại, mặc dù 7 tháng đầu năm nay, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 134 triệu USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ.
Những mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh thời gian qua là hạt điều, gần 48%, đạt 23 triệu USD; đồ gỗ, lâm sản tăng 222%, đạt 2,7 triệu USD và các loại thực phẩm khác...
Hiện nay, theo các luật sư Hoa Kỳ, mỗi năm, Mỹ xuất khẩu trên dưới 60 tỷ USD, đồng thời, cũng nhập gần 40 tỷ USD hàng hoá và vật tư nông nghiệp. Trong đó, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt trên dưới 1 tỷ USD, rau quả chế biến 2 tỷ USD, cao su 1-1,5 tỷ USD, lâm sản 20 tỷ USD... Tuy nhiên, kim ngạch hàng nông sản Việt Nam chiếm chưa đầy 1% thị phần (0,69%) tại thị trường này. |
Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều cà phê, gia vị, rau quả, cao su và chè, mật ong... vào Mỹ. Đây là khách hàng lớn nhất về tiêu thụ cà phê của Việt Nam, chiếm 20-25% thị phần, chủ yếu là cà phê thô. Tuy nhiên, kim ngạch cà phê xuất khẩu sang thị trường này năm 2002 lại giảm, chỉ bằng 68% của năm trước. Nguyên nhân là do giá cà phê thế giới giảm, cộng với việc mặt hàng cà phê thô chưa được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại (BTA).
Bà Phạm Thị Tước, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Quy hoạch (Bộ NN-PTNT), cho rằng, việc ký kết Hiệp định thương mại đã mở ra cơ hội lớn cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam. Song, khó khăn mà các DN phải vượt qua là mặt hàng được hưởng chênh lệch lớn về thuế suất, chủ yếu là nông sản qua chế biến, lại có tỷ trọng rất nhỏ. Do không đáp ứng được lượng hàng nông sản xuất khẩu lớn một lúc, chúng ta đã không ít lần bỏ lỡ cơ hội đưa hàng sang thị trường này. Đơn cử, năm 2002, Mỹ có nhu cầu lớn về nước dứa cô đặc, giá tới 1.200 USD/tấn, song, các DN Việt Nam lại đành "bất lực".
Khó khăn về vận chuyển, yêu cầu cao về bảo quản, kỹ thuật, vệ sinh dẫn đến chi phí tăng cao cũng làm các DN Việt Nam dè dặt. Do đó, những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, như rau quả nhiệt đới, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ... vẫn không đáng kể. Năm 1998, kim ngạch rau quả xuất sang Mỹ đạt chưa đầy 70.000 USD, chủ yếu là đậu xanh, một ít hành, tỏi.
Theo các luật sư Mỹ, Chính phủ Việt Nam nên thiết lập một chương trình kiểm duyệt chất lượng, với các tiêu chuẩn tương đương mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sử dụng. Đồng thời, chứng nhận cho các cơ sở, cá nhân trong nước đáp ứng được tiêu chuẩn này. |
Ngoài ra, yêu cầu phức tạp, rối rắm về nhập khẩu hàng nông sản vào Hoa Kỳ, cũng như viết được mẫu đơn, chuyển đến đúng chỗ đối với các DN lần đầu tiên vào thị trường Mỹ không phải là dễ dàng. Đó là chưa kể dự luật chống khủng bố sinh học, có hiệu lực vào tháng 12 tới, có thể sẽ tác động tới việc xuất hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường này.
Một luật sư cho rằng, tìm kiếm các quy định, cũng như thủ tục nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào Hoa Kỳ không khó. Chỉ cần nhấc máy điện thoại hay tìm kiếm trên Internet, DN sẽ có ngay các mẫu đơn cũng như những nơi cần xin phép. Tuy nhiên, để hiểu hơn thị trường Mỹ và nhu cầu của người tiêu dùng nước này, tốt nhất, DN Việt Nam nên đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, mà việc này vốn vẫn chưa quen được thực hiện tại Việt Nam.
|