"Chạy nước rút" để đảm bảo tăng trưởng quý IV
17:18' 01/10/2003 (GMT+7)
Xuất khẩu dầu thô vẫn đạt ở mức cao.

(VietNamNet) - Tổng cục Thống kê sáng nay (1/10) đã công bố tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, khẳng định sự tiếp tục ổn định và phát triển. Các chỉ tiêu chủ yếu, lĩnh vực then chốt đạt được kết quả khả quan; song, nền kinh tế vẫn cần những "bước chạy nước rút" mạnh mẽ hơn trong quý IV. Từ đó, mới hy vọng đạt được chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2003.

Trong bối cảnh khó khăn: ảnh hưởng của cuộc chiến ở Iraq; dịch SARS; thiên tai diễn ra liên tiếp; kinh tế thế giới hồi phục chậm so với dự đoán; giá nhập khẩu tăng so với cùng kỳ 2002 (xăng dầu tăng gần 23%; sắt thép 40,3%, riêng phôi thép tăng 34,6%; phân bón tăng 18,2%, urê tăng 28,0%; chất dẻo tăng 16,5%; sợi dệt tăng 18%; bông tăng 14,6%, tân dược tăng cao hơn...), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 9 tháng năm 2003 tương đối toàn diện, ở hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,1%, tăng so với 6,86% của cùng kỳ năm 2002; trong đó, GDP của khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,19%; khu vực dịch vụ tăng 6,48% và khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng gần 3%. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tốc độ GDP 9 tháng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước là nhờ sự bứt phá của khu vực công nghiệp, đã bù được sự giảm nhẹ của khu vực nông, lâm thuỷ sản và dịch vụ.

Tính đến 20/9, đã có 476 dự án được cấp giấy phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1194,3 triệu USD, tăng 1,7% so với vùng kỳ năm trước và số vốn tăng 36,6%. Đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, đứng đầu là Đài Loan với 117 dự án và 226,7 triệu USD vốn đăng ký.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ba khu vực trong GDP: nông, lâm nghiệp - thuỷ sản giảm xuống còn 21,65%; công nghiệp - xây dựng tăng lên, đạt 40,34% (trong đó, công nghiệp tăng đạt 34,74%, riêng của công nghiệp chế biến tăng lên đạt 21,26%). Trong giá trị sản xuất lâm nghiệp - thuỷ sản, tỷ trọng của nông nghiệp giảm từ 78,4% xuống 77,8% (trong nông nghiệp trồng trọt giảm từ 80,3% xuống 79,6%, chăn nuôi tăng lên 18,1%); thuỷ sản tăng từ 17,7% lên 18,4%.

Công nghiệp bứt phá

Lĩnh vực công nghiệp đã duy trì được sự bứt phá mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2002. Hầu hết các địa bàn công nghiệp trọng yếu đều tăng vượt trội so với chỉ tiêu tăng 14-14,5% của kế hoạch, điển hình là Hà Nội tăng 28,5%; TP.HCM tăng 15,1%; Đồng Nai tăng 18%; Hải Phòng tăng 17,2%; Bình Dương tăng 35,1%; Đà Nẵng tăng 22,7%...

Những ngành hàng trọng yếu, có doanh thu lớn, có sức cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ tốt cũng đã được chú trọng đầu tư phát triển. So với cùng kỳ năm 2002, trong 9 tháng đầu năm nay, sản lượng động cơ Diezen tăng 170,3%; tivi lắp ráp tăng 33,6%; thủy sản chế biến tăng 20,1%, đường mật tăng 31,5%, bột ngọt tăng 21,4%, quần áo may sẵn tăng 51,8%, quần áo dệt kim tăng 38%, sứ vệ sinh tăng 33,4%, xi măng và thép cán đều tăng trên 15,5%... Có thể nói, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng và hàng xuất khẩu là 3 nhóm hàng đã được các cấp bộ, ngành tập trung sức tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường và phát triển thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Mặc dù bắt đầu xuất hiện tình trạng tăng trưởng chậm lại về cuối năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 9 tháng năm 2003 tăng đạt khoảng 14,93 tỷ USD, vượt gần 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2002. Điều đó nói lên sự tăng tiến vượt bậc cả về năng lực sản xuất lẫn khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đạt được kết quả này là nhờ kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tăng; mặt khác, giá xuất khẩu cũng tăng lên so với cùng kỳ năm 2002 (bình quân 5,4%). Bên cạnh đó, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và lãnh đạo các ban, ngành, kinh tế trong nước cũng tăng trưởng khá và ổn định, tạo tiền đề tăng lượng xuất khẩu. Nhập khẩu cũng ước đạt gần 18 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát huy thành tích đã đạt được và tạo tiền đề thuận lợi cho năm sau thì việc đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu quyết liệt hơn nữa vẫn là đòi hỏi thúc bách hiện nay.

Tình hình xuất nhập khẩu tháng 9 cho thấy, sự giảm sút về xuất khẩu so với tháng trước đã rơi vào những mặt hàng trọng yếu, như dệt may (giảm hơn 10%), giày dép (giảm 8%), cà phê (giảm 6,2%), hạt tiêu (giảm 12,5%)... Đây là tháng thứ 2 liên tiếp mặt hàng dệt may bị giảm sút. Trong khi đó, chỉ có 5 mặt hàng đạt mức cao hơn không đáng kể, như dầu thô (tăng 3,2%), than đá (tăng 2,2%), thủy sản (tăng 1,4%), gạo (tăng 2,7%), cao su (tăng 2,3%). Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 của cả nước chỉ đạt khoảng 1,65 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước.

Như vậy, sự tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua là tiền đề để cả năm có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu. GDP có thể tăng 7,2%, đạt mức trung bình của mục tiêu tăng 7-7,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp vượt mục tiêu tăng 14-14,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển có thể đạt 217,5 nghìn tỷ đồng, vượt 1,2% kế hoạch và tăng 18,3% so với năm 2002. Tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt trên 19,5 tỷ USD, tăng 16,7%, vừa vượt kế hoạch (tăng 7,5-8%), vừa cao hơn tốc độ tăng của năm 2002 (11,2%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng 12%. Tổng thu ngân sách sẽ vượt dự toán và tăng khá so với năm 2002.

Không thể chủ quan

Tuy nhiều ngành, mặt hàng chủ lực tăng trưởng vượt bậc, nhưng không thể chủ quan bởi về số lượng có một số chỉ tiêu còn bị sụt giảm, tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu và chất lượng tăng trưởng chuyển dịch vẫn còn chậm. Đó là GDP do nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tạo ra (2,97% so với 4,03%), khu vực dịch vụ (6,48% so với 6,54%), giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản (4,7% so với 5,4%), tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (11,7% so với 12%)... Những lĩnh vực có tốc độ tăng thấp hơn mục tiêu là: giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản (4,7% so với 5%); giá tiêu dùng (9 tháng tăng 1,8%, ước cả năm khoảng 2,5% so với dưới 5%)... Ngay tốc độ tăng GDP cũng không đạt mức 7,5% của mục tiêu.

Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng cao, nhưng tăng nhiều ở các sản phẩm có tỷ lệ tăng thêm thấp, chi phí trung gian cao và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ nước ngoài. Giá nhập khẩu 9 tháng qua tăng khoảng 10% sẽ làm tăng chi phí sản xuất ở các ngành liên quan, và như vậy, sẽ ảnh hưởng chung tới tốc độ tăng trưởng. Tỷ trọng khu vực dịch vụ tiếp tục bị sút giảm và là năm thứ 8 liên tục bị giảm (1995 đã đạt 44,06% nhưng 9 tháng này chỉ còn 38,01%).

Ngoài ra, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh (-17,3%), doanh thu du lịch cũng giảm theo (-11,4%), luân chuyển hành khách bằng đường hàng không giảm (-7,8%), một số sản phẩm công nghiệp (thuốc trừ sâu, thuốc ống, máy công cụ, máy biến thế, xe đạp hoàn chỉnh), kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu như rau quả, hạt tiêu, chè, lạc, gạo, vốn tín dụng... cũng giảm.

Nhập siêu trong quý III có xu hướng giảm, nên 9 tháng năm nay, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu đã thấp hơn tỷ lệ này trong 6 tháng, nhưng quý IV, cả xuất và nhập khẩu sẽ đều chững lại. Do đó, khoảng cách giữa tốc độ tăng xuất khẩu và tốc độ tăng nhập khẩu ở khu vực kinh tế trong nước ngày càng cách xa, sẽ làm tăng nhập siêu của khu vực này. Vì vậy, vấn đề mấu chốt hiện nay là vực khả năng xuất khẩu của các DN tư nhân, mà thực chất là đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản. Đó cũng chính là đòi hỏi của việc nâng cao sức mua và cải thiện đời sống cho nông dân hiện nay. Do vậy, quý IV cần được coi là quãng thời gian để thực hiện chiến dịch xuất khẩu.

  • Hà Yên

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
VNPT nâng cấp trục cáp quang Bắc Nam (01/10/2003)
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á (01/10/2003)
Chú trọng chất lượng sắn khô và long nhãn vào Trung Quốc (01/10/2003)
Sắp miễn thị thực cho khách du lịch Nhật Bản (01/10/2003)
USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền mạnh (02/10/2003)
''Quy hoạch phải hướng tới tương lai lâu dài'' (01/10/2003)
Thu thuế cho thuê nhà trọ tại Hà Nội (01/10/2003)
Chính phủ đồng ý đầu tư Dự án Nhiệt điện Quảng Ninh (02/10/2003)
Đóng tàu hàng và tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (01/10/2003)
Sản lượng lúa đông xuân 2002-2003 cao nhất từ trước đến nay (30/09/2003)
Autopetro 2003 yếu "chất auto" (30/09/2003)
Giá phòng khách sạn ở Sa Pa tăng mạnh (30/09/2003)
Petronas sẽ đầu tư xây dựng nhà máy phát điện ở Việt Nam (30/09/2003)
Dự trữ 480.000 tấn xi măng để bình ổn thị trường (30/09/2003)
Dứt khoát không thanh toán công trình ngoài kế hoạch (30/09/2003)
Tro ve dau trang