(VietNamNet) - Kể từ khi Luật Phá sản Doanh nghiệp có hiệu lực (1/7/1994), 151 đơn của doanh nghiệp (DN) đề nghị được phá sản, nhưng chỉ có 46 DN được toà tuyên bố phá sản - đó là thực trạng của 9 năm thi hành Luật Phá sản DN mà Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Đặng Quang Phương cho biết khi trình UBTV Quốc hội Dự luật Phá sản. Theo ông Phương, số DN cần ''khai tử'' lớn hơn nhiều...
|
Người lao động sẽ có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN. |
Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách của QH - ông Nguyễn Đức Kiên, cũng đồng tình với ông Phương. Ông Kiên cho rằng: ''Số DN bị tuyên bố phá sản ít không phải vì DN lâm vào tình trạng phá sản tại Việt Nam quá ít mà thực tế có khá nhiều DN, trong đó có DN nhà nước hoạt động rất kém hiệu quả nhưng không thể tuyên bố phá sản được vì nhiều lý do khác nhau. Chủ yếu do những bất cập từ Luật Doanh nghiệp, dấu hiệu phá sản không rõ ràng, khó chứng minh. Nhiều giám đốc sợ mất chức nếu tuyên bố phá sản, người lao động sợ mất việc, ngân hàng sợ giải quyết hậu quả...''.
Ý kiến của Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Vũ Đức Khiển cũng được nhiều đại biểu thừa nhận, có những DN thực sự lâm vào tình trạng phá sản, thậm chí có thể phải ra toà chịu trách nhiệm về những khoản nợ không có khả năng thanh toán, nhưng thực tế không ít DN được Nhà nước cứu vớt. Ông Khiển đề nghị, Luật Phá sản lần này phải quy định chặt chẽ hơn thì mới khả thi.
Còn thiếu nhiều căn cứ để DN phá sản
Luật hiện hành quy định, một DN kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp, không có khả năng trả nợ, không trả đủ lương cho người lao động, tức là lâm vào tình trạng phá sản. Nhưng để được toà tuyên bố cho phá sản thì DN phải tự chứng minh nguyên nhân thua lỗ, phải làm rõ từng khoản nợ... Còn Dự thảo lần này quy định, thương nhân bị coi lâm vào tình trạng phá sản khi không thanh toán được nợ đến hạn, có căn cứ chứng minh thương nhân gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, quy định như dự thảo là chưa rõ ràng, chưa khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay của luật hiện hành. Ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị, cần phải dựa vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn của DN sau khi đã áp dụng các biện pháp kinh tế, hành chính nhưng không có kết quả để làm rõ hơn tiêu chí tuyên bố phá sản của DN.
Chủ nhiệm UB KHCN&MT Hồ Đức Việt cũng đề nghị cần làm rõ thêm các tiêu chí thế nào là phá sản. Dự luật phá sản lần này quy định 3 điều kiện thương nhân lâm vào tình trạng phá sản, nhưng theo ông Việt, ''các tiêu chí quy định tại điều này chưa làm rõ thế nào là thương nhân lâm vào tình trạng phá sản, chưa có quy định về tiêu chí phá sản''.
Các đại biểu đều cho rằng, dấu hiệu để chứng minh DN lâm vào tình trạng phá sản là hết sức cần thiết. Vì vậy, họ đề nghị cần quy định cụ thể lại về tiêu chí để toà tuyên bố phá sản, nhất là cần phải xem xét các dấu hiệu thương nhân lâm vào tình trạng phá sản là hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ trong khoảng thời gian nhất định và mất khả năng thanh toán nói chung cũng như khả năng thanh toán nợ đến hạn nói riêng.
Người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN
Một trong những quy định rất mới về thủ tục phá sản là Dự thảo cho phép người lao động khi nhận thấy DN lâm vào tình trạng phá sản có quyền tự mình nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Thời hạn giải quyết vụ việc phá sản theo dự thảo luật sẽ kéo dài 4-6 tháng (từ khi nộp đơn đến khi tuyên bố phá sản). Trong trường hợp áp dụng các biện pháp phục hồi đối với thương nhân thì thời gian còn kéo dài hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian như vậy là quá dài, đề nghị cần xem xét và rút ngắn lại thời hạn đối với một số thủ tục như thụ lý đơn, thời gian lập danh sách chủ nợ, triệu tập các hội nghị chủ nợ, thời hạn xây dựng phương án phục hồi...
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Toà án Nhân dân tối cao bổ sung các nội dung để ngăn ngừa thương nhân tẩu tán tài sản trong thời gian xem xét, giải quyết phá sản; đồng thời quy định rõ trách nhiệm hành chính, dân sự và cả trách nhiệm vật chất của chủ thể bị tuyên bố phá sản hoặc người có trách nhiệm trực tiếp trong trường hợp xảy ra phá sản.
|