Sản xuất máu từ tế bào gốc
Trong tương lai, phương pháp sản xuất hồng huyết cầu hàng loạt của các nhà khoa học Pháp có thể giúp giải quyết vấn đề thiếu máu truyền hiện nay.
Các chuyên gia thuộc ĐH Paris hy vọng nghiên cứu của họ sẽ giúp con người sản xuất hàng loạt hồng huyết cầu nhân tạo . Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu loại máu này có phù hợp để thay thế máu tự nhiên hay không. Nhiều nhóm khoa học trên thế giới đã và đang nghiên cứu cách kiểm soát tế bào gốc để sản xuất hồng huyết cầu. Tuy nhiên, những nỗ lực sản xuất máu nhân tạo trong phòng thí nghiệm đều thất bại do tế bào máu nhân tạo không tương thích với tế bào máu tự nhiên.
Kỹ thuật của nhóm nghiên cứu tại ĐH Paris liên quan tới việc sử dụng tế bào của chuột để sản xuất máu. Bước đầu tiên là lấy tế bào mầm tạo huyết (tế bào gốc phát sinh ra mọi loại huyết cầu) rồi xử lý chúng trong một chất lỏng để chúng sinh sôi. Sau đó, nhóm sử dụng tế bào mô đệm - tế bào tạo cấu trúc bên trong tuỷ xương - để thiết lập môi trường giống như điều kiện trong tuỷ xương. Ngay khi nhân tố tăng trưởng erythropoietin được bổ sung, tế bào mầm tạo huyết được chỉ dẫn để biến thành hồng huyết cầu.
GS Luc Douay, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết thành công trên đồng nghĩa với việc có thể thu thập tế bào gốc tạo máu từ chính người cần tiếp máu, nhân chúng lên rồi làm chúng biến thành hồng huyết cầu. Sử dụng cách này sẽ tránh được hiện tượng đào thải cũng như tình trạng thiếu máu truyền hiện nay. Kỹ thuật của các chuyên gia pháp cũng có thể hiệu quả đối với tế bào gốc lấy từ dây rốn. Dây rốn là nguồn tế bào gốc dồi dào.
GS Robin Lovell-Badge thuộc Viện nghiên cứu y học quốc gia Anh nhận xét kết quả nghiên cứu rất đáng hứa hẹn. Nguyên nhân là nó tạo ra một lượng lớn hồng huyết cầu có thể sử dụng được. Tuy nhiên, họ vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhân tế bào gốc với số lượng vô hạn định. Nếu có thể làm được điều đó, con người sẽ có nguồn máu dự trữ lâu dài.
-
Minh Sơn (Theo BBC)