Vì an ninh công sở, cấm điện thoại di động camera
Các trường học, câu lạc bộ sức khoẻ và thoát y vũ ở một số nước đã cấm ĐTDĐ tích hợp camera. Tới lượt nhiều công ty cũng cấm, do lo ngại nó là công cụ đắc lực của... tình báo công nghiệp.
Cho tới nay, các loại tội phạm sử dụng sai mục đích điện thoại camera chỉ liên quan tới sự xâm phạm tính riêng tư chứ không phải tình báo công nghiệp. Tuy nhiên, những công ty có các bí mật đáng để đánh cắp lo ngại đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Tim Donahue, thuộc Công ty Sprint, cho biết những người làm việc trong các lĩnh vực tài chính, quản lý, sản xuất công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển là lo lắng nhất. Họ vô cùng sợ hãi rằng một ai đó có thể chụp ảnh một thứ gì đó.
Điện thoại di động (ĐTDĐ) camera có thể chụp chớp nhoáng và ngay lập tức gửi đi các bức ảnh và các đoạn phim ngắn. Nguy cơ thông tin nhạy cảm bị chụp trộm và được gửi tới các điện thoại khác, được sao chép lên các website hoặc được gửi tới hộp thư điện tử đã khiến các công ty như Intel, Samsung, Bộ Ngoại giao Anh và Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở Mỹ cấm sử dụng thiết bị số này tại các toà nhà của họ.
Tại các buổi duyệt những bộ phim được nhiều người hâm mộ, nhà phê bình cũng buộc phải để ĐTDĐ camera ở bên ngoài nhằm ngăn chặn các bức ảnh phim bị rò rỉ ra bên ngoài trước ngày khởi chiếu.
Trên toàn thế giới, lượng ĐTDĐ camera được bán ra trong năm ngoái lớn hơn số camera kỹ thuật số. Doanh số của ngành này tăng gần năm lần so với năm 2001, đạt mức 84 triệu USD. Tại một số nước, hầu như mọi loại ĐTDĐ đều có một camera tích hợp. Chẳng hạn ở Nhật Bản, gần như không thể chụp lén một bức ảnh mà không bị phát hiện bởi mọi người quá quen thuộc với cử chỉ của một người chụp ảnh điện thoại. Nó hoàn toàn khác với cử chỉ của một người nói chuyện, chơi trò chơi hoặc gửi tin nhắn bằng điện thoại.
Theo phóng viên Gwyn Topham của tờ Guardian, trong số những khách du lịch gây khó chịu cho người khác bằng camera, du khách sử dụng ĐTDĐ camera là những người gây phiền toái nhất. Anh nói: ''Những người sử dụng máy quay video xách tay gây phiền toái ít hơn so với người sử dụng ĐTDĐ. Họ phớt lờ mọi người xung quanh trong khi giơ cao điện thoại, cố gắng chụp một hình ảnh ấn tượng để gửi cho bạn bè - những người hiếu kỳ không kém''.
ĐTDĐ camera đã bị cấm ở Ả-rập Xê-út và việc sử dụng chúng không được tán thành tại các nước Trung Đông khác. Tại Mỹ, các nhà lập pháp đang xem xét một dự luật cấm cái gọi là những bức ảnh hở hang và các dạng ảnh khiêu dâm khác. Một khả năng là ban hành luật cấm sử dụng ĐTDĐ camera khi chụp ảnh không phát ra những tiếng ồn quen thuộc. Còn ở Italia, cơ quan theo dõi thông tin của chính phủ đã ban hành hướng dẫn sử dụng ĐTDĐ, tuyên bố người sử dụng chỉ có thể chụp ảnh mọi người vì mục đích cá nhân và phải giữ những hình ảnh đó an toàn.
Bất kể các lệnh cấm sử dụng ĐTDĐ camera, sự phổ biến của chúng dường như sẽ không giảm. Một số chuyên gia dự đoán rằng vào năm 2007, khoảng 50% ĐTDĐ được bán trên Trái đất sẽ có một camera.
-
Minh Sơn (Tổng hợp)