,
221
479
Xu hướng
xuhuong
/khoahoc/xuhuong/
433758
Những khoản vay nhỏ để... sống và bảo tồn biển
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Những khoản vay nhỏ để... sống và bảo tồn biển

Cập nhật lúc 14:05, Thứ Sáu, 04/06/2004 (GMT+7)
,

Hamidu Kimbao và cậu bạn Nahoda vừa tròn 16 tuổi. Sống trên hòn đảo Chole nhỏ bé, nằm ngoài khơi Tanzania, các em vừa mới rời ghế nhà trường. Trước đây, hai em cũng giống như bao thiếu niên khác trên đảo - luôn thừa thãi thời gian và chẳng có việc gì để làm. Nhưng một khoản vay nhỏ đã biến các em thành những mầm non doanh nghiệp bền vững tương lai.

Quần đảo thiên đường

Đảo Chole nổi tiếng với nguồn sản vật phong phú.

Với chiều ngang chưa đầy 1km, Chole là một trong năm hòn đảo của Công viên biển Đảo Mafia, với các rặng san hô, thảm tảo biển và rừng đước che chở cho một hệ sinh thái phong phú bậc nhất trên bãi biển Đông Phi. Rùa biển, cá voi lưng gù, cá nhà táng, 400 loài cá, vô số rặng san hô, hải miên, sên biển, sao biển, nhím biển, hải sâm, thậm chí cả bò biển (dugong), tất cả đều quây quần nơi đây.

Trên quần đảo có khoảng 15.000 dân sinh sống, hầu hết làm nghề thu hoạch dừa và đánh bắt hải sản. Cuộc sống ở đây tương đối dễ chịu -liệu bạn có thể tìm được ở đâu một nhà nghỉ dành cho du khách mang tên Pole Pole, tiếng thổ dân có nghĩa là "từ từ thôi, từ từ thôi"?

Cư dân trên đảo nhận thức rất rõ về mối quan hệ giữa họ với các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển. Thực ra, vào đầu những năm 1990, tình trạng đánh cá bằng thuốc nổ, đặt mìn san hô và phát triển du lịch tràn lan trở nên đáng ngại đến mức họ phải lên tiếng kêu gọi bảo vệ môi trường biển. Cùng với chính quyền Tanzania, năm 1995, dân đảo đã phối hợp với Quỹ Thiên nhiên Hoang dã (WWF) để xây dựng nên Công viên biển Đảo Mafia, công viên biển đầu tiên của đất nước này.

Nhận thức tốt nhưng... thiếu tiền

Với dự án nuôi trồng hải sản, dân đảo Mafia được đảm bảo cho một tương lai bền vững.

Giờ đây, mặc dù hiện tượng đánh cá bằng thuốc nổ đã hoàn toàn bị xoá bỏ trong Công viên biển và đàn cá đang dần hồi phục trở lại, khu vực này vẫn đang phải chịu một áp lực rất lớn. Nhiều cư dân trên đảo sống chủ yếu dựa vào hoạt động đánh cá, vì thế dân số gia tăng không ngừng là vấn đề khiến cho không sớm thì muộn người dân ở đây cũng phải gánh chịu hậu quả.

Jason Rubens, người phụ trách Chương trình Hỗ trợ Bảo tồn của WWF trong Công viên biển, cho biết: "Hiện nay, vấn đề lớn nhất có lẽ là hiện tượng sử dụng lưới kéo mắt nhỏ. Mắt lưới ở đây chỉ có kích thước bằng 1/4inch (0,6mm), vì thế ngư dân bắt phải rất nhiều cá con. Vì được gắn nhiều thỏi chì và bị kéo lê dưới đáy biển, môi trường sống của loài cá như san hô và tảo biển cũng bị huỷ hoại theo. Tất cả những điều này khiến cho năng suất đánh bắt bị giảm sút nghiêm trọng."

Mặc dù dân đảo đều đồng ý rằng đây là một vấn đề lớn song việc thay đổi tập quán đánh bắt đòi hỏi phải mất rất nhiều tiền, thứ mà họ không có. Trước thực trạng này, WWF đã đồng ý cho các cộng đồng đánh cá vay nợ không lãi suất để giúp họ xây dựng đời sống bền vững. Nhờ có các khoản vay này, năm cộng đồng ngư dân đã chuyển sang phương pháp đánh bắt bền vững hơn, như sử dụng lưới mắt rộng, hoặc dây câu. Một số cộng đồng thậm chí còn mua cả máy đuôi tôm để đi xa hơn ra khơi, nơi các đàn cá ít bị khai thác hơn.

Để giúp đỡ ngư dân duy trì được các trang thiết bị mới, WWF còn hỗ trợ các khoản tiết kiệm cho làng chài và lập Hội Vay Nợ. Điều kiện để được vay tiền là người vay phải chứng minh được rằng mình có thể tiết kiệm, sau đó họ có thể vay được một khoản nhiều gấp đôi số tiền cần để sửa máy tàu hoặc mua thiết bị tàu thuyền mới. Jason giải thích: "Cho đến nay, hệ thống này đang hoạt động khá tốt. Hầu hết các ngư dân đều không có chút kinh nghiệm nào trong việc sở hữu và duy trì tài sản vốn như thiết bị đánh bắt. Mục đích của dự án này là giúp đỡ họ nâng cao khả năng hoạch định và quản lý nguồn tài chính như thể là họ đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi đã thành lập Hội Tiết kiệm ở mười làng chài. Mặc dù số tiền tiết kiệm tương đối khiêm tốn so với bên ngoài, chúng vẫn phát huy được tác dụng và nhiều người ở đây đang tỏ ra rất muốn tham gia."

Hamidu và Nahoda cũng không phải là ngoại lệ. Hai cậu bé đã được bố mẹ và hàng xóm lựa chọn vì các em khá nhanh nhạy, nghiêm túc và có khả năng làm việc tốt. Thông qua một khoản vay, các em đã xây dựng được một trại nuôi cá thử nghiệm từ hai chiếc lồng kích thước 4x4m. Tại đây, các em nuôi 1.000 con cá và cho ăn bằng tảo biển. Hiện nay, hai em đang được trả một khoản trợ cấp danh nghĩa là 2 đô-la mỗi ngày để duy trì "trại cá" của mình và chờ cá lớn. Hamidu nói: "Rồi chúng em sẽ bán cá ra bên ngoài đảo, có thể là bán cho Dar es Salaam."

Dar, thành phố lớn nhất Tanzania, chỉ cách Mafia khoảng 120km đường biển. Nếu mọi việc suôn sẻ, mẻ cá của hai cậu bé sẽ nặng khoảng 250kg và mang lại cho các em khoảng 125 đô-la. Jason cho biết: "Đối với một ngư dân bình thường, số tiền này tương ứng với thu nhập trong khoảng ba - bốn tháng, rất lớn đối với khả năng của những cậu bé ở độ tuổi này. Nếu biết rằng lũ cá phải mất ít nhất tám tháng để trưởng thành thì quy mô nhỏ như thế này không nói lên được điều gì cả, nhưng đủ để chứng minh rằng đây hoàn toàn có thể là con đường sáng cho ngư dân thoát nghèo."

Con đường sáng

Quần đảo Mafia có được mãi là một thiên đường trên biển?

Những người khác trong Công viên biển cũng đang bắt tay vào công việc mới. Cách "trại cá" của hai cậu bé không xa, một nhóm phụ nữ đang thu hoạch tảo biển từ một "trang trại" dưới nước khi thuỷ triều xuống. Tảo biển được đưa sang châu Âu, chế biến thành một chất làm đặc thiên nhiên có tên là carrageenan, dùng để chế tạo rất nhiều sản phẩm như thuốc đánh răng hoặc kem. Đi xa thêm nửa cây số nữa, Mohammed, Hamisi và Fadhila đang xây dựng những chiếc đó, cũng bằng vốn vay của WWF, để bắt cá nhồng và cá chỉ vàng ngập mặn bán cho thị trường địa phương.

Đồng thời, WWF và Công viên biển đang nghiên cứu về khả năng thành lập một dự án trai ngọc, và hiện nay họ đã bắt đầu thu thập trai con. Jason tuyên bố: "Nếu hoạt động, chắc chắn dự án trai ngọc sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người dân địa phương. Nuôi trai ngọc là nghề rất phát triển ở Tây Thái Bình Dương và một phần Ấn Độ, nhưng ở Ấn Độ Dương thì chưa có ai làm. Giá trị ngọc nằm ở màu sắc của nó. Nếu màu vàng, viên ngọc gần như không có giá trị gì. Nhưng nhân ngọc nằm trong vỏ của loài trai ngọc lưỡi đen ở đây thường có màu đồng, và nếu được chế tác thành chuỗi hạt, chắc chắn chúng sẽ bán rất được giá."

Mặc dù dự án vay nợ khởi đầu rất tốt, nhiệm vụ giúp người dân địa phương có được cuộc sống bền vững vẫn còn rất bấp bênh và đòi hỏi nhiều thời gian. Nhưng theo Jason thì đây chính là cách duy nhất để đạt được mục tiêu bảo tồn. Vùng đảo tuyệt vời với những rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm tảo biển, cá và những loài có nguy cơ tuyệt chủng chỉ có thể được bảo vệ lâu dài bởi chính 15.000 người dân ở đây, chứ khôngphải là WWF hay chính phủ. Tuy nhiên, nếu có ý chí, chắc chắn họ sẽ thành công. Jason tự tin: "Tất nhiên là phải... pole pole rồi!".

Công viên biển Đảo Mafia

Vùng biển thuộc Công viên biển Đảo Mafia nằm trong vùng sinh thái biển Đông Âu, kéo dài 4.600km dọc bờ biển Đông Phi, từ Nam Somalia đến Đông Bắc Nam Phi. Vùng sinh thái này là một trong những nơi có san hô, rừng ngập mặn và tảo biển phong phú nhất miền Tây Ấn Độ dương, bao gồm một dải san hô gần như liên tục dọc bờ biển Tanzania và Kenya, những vùng đầm lầy quan trọng bậc nhất dọc bờ biển Đông Phi, 3.200 hecta rừng ngập mặn ở châu thổ Rufiji của Tanzania.

Một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến vùng sinh thái này chính là tình trạng bờ biển xuống cấp do xói mòn, ô nhiễm và hoạt động du lịch. Bên cạnh đấy, rừng ngập mặn bị khai thác đến mức kiệt quệ để lấy củi đun, làm than và thức ăn (cá, tôm cua, động vật thân mềm), còn san hô thì chết vì các phương pháp đánh bắt mang tính huỷ hoại (thuốc nổ, chất độc, lao móc, lưới mắt nhỏ).

Với sự hỗ trợ tích cực của WWF, năm 1995 Công viên biển Đảo Mafia được thành lập. Hiện nay, WWF đang giúp đỡ về mặt quản lý cho Công viên nhằm duy trì hệ sinh thái và đa dạng sinh học với mục đích sinh lợi cho người dân Tanzania, đặc biệt là cộng đồng dân cư đảo Mafia. Ngoài ra, WWF đang tăng cường phát triển các hoạt động kinh tế nhằm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của công viên, đồng thời giảm mức nghèo đói trên các hòn đảo. WWF cũng nâng cao giáo dục và nhận thức về môi trường, phối hợp với cộng đồng địa phương để tìm ra các hoạt động bền vững, chẳng hạn như nuôi trồng hải sản, nuôi ong, và thành lập các cơ sở tín dụng cho người dân nơi đây.

Khánh Hà (Tổng hợp)

,
,