Xu hướng tăng trở lại của điện hạt nhân
Điện hạt nhân vẫn đóng một vai trò nhất định đối với một số quốc gia. |
(VietNamNet) - Theo số liệu mới nhất được IAEA công bố, sản xuất điện hạt nhân của thế giới tăng nhẹ trong năm ngoái, đạt sản lượng 2.574 tegawatt giờ (TWh = 1 tỷ Wh), so với 2.544 TWh của năm 2001.
Mặc dù có vô số lời chỉ trích về sự an toàn của điện hạt nhân, song xu hướng sử dụng năng lượng điện hạt nhân vẫn trở thành một lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia. Thêm nữa, do tác động của thời điểm trước chiến tranh Iraq, hầu hết các quốc gia có điện hạt nhân đều muốn tự mình quyết định nguồn năng lượng của chính mình.
IAEA công bố, có 441 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành trên thế giới tính đến cuối năm 2002, so với 438 của năm trước. Tổng công suất phát điện là 359.000 MW so với 355.000 MW của năm 2001.
Trong năm 2001 có 6 tổ máy được hoà lưới điện quốc gia, gồm 4 của Trung Quốc (tổ máy 1 của Qinshan II, tổ máy 1 của Qinshan III, Ling Ao-1 và -2), một của Hàn Quốc (Yonggwang-6) và 1 của Czech (Temelin-2).
Trong năm 2002 có 7 tổ máy hạt nhân bắt đầu được khởi công, gồm 6 ở Ấn Độ và một ở CHDCND Triều Tiên (theo kế hoạch là 2 tổ máy thuộc dự án KEDO), đưa tổng số các tổ máy đang xây dựng lên 32 chiếc (trong đó ở Nga có 3 tổ máy).
Không hẳn là xu hướng này trở thành một làn sóng sử dụng điện hạt nhân trên toàn thế giới. Cũng có những tổ máy ngừng hoạt động vì nhiều lý do.
Tính riêng năm 2001, có 4 tổ máy chấm dứt hoạt động, bao gồm 2 ở Bulgaria và 2 ở Anh, hầu hết là do quá hạn sử dụng (riêng tổ máy của Anh quốc đã sử dụng 40 năm và cho sản lượng điện 70 TWh).
Hiện nay, 10 quốc gia có tỷ trọng điện hạt nhân cao nhất gồm: Lithuania (80.1%), Pháp (78%), Slovakia (65.4%), Bỉ (57.3%), Bulgaria (47.3%), Ukraine (45.7%), Thuỵ điển (45.7%), Slovenia (40.7%), Armenia (40.5%) và Thuỵ sĩ (39.5%).
Các con số thống kê đều cho thấy xu hướng sử dụng điện hạt nhân có chiều tăng nhẹ. Theo ý kiến của các chuyên gia năng lượng thế giới, nguồn năng lượng điện hạt nhân vẫn chiếm ưu thế về tiết kiệm nhiên liệu và sạch so với nguồn năng lượng truyền thống. Tuy nhiên, do những yếu tố an toàn mà điện hạt nhân đã rơi vào thời gian ''ngủ đông'', đặc biệt là sau thảm hoạ Chernobyl.
Các quốc gia có chủ trương dẹp bỏ điện hạt nhân đều gặp những khó khăn nhất định trong việc phải bù lại phần năng lượng thiếu hụt. Khó có thể nói rằng thời điểm của điện hạt nhân đã đến, thế nhưng cũng không thể phủ nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của nó.
- Trần Huy Du