'Đừng buộc nhà khoa học hứa vong mạng'
(VietNamNet)- Khi đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học người ta thường chỉ quan tâm những ứng dụng trực tiếp và cụ thể, không mấy khi nghĩ đến lợi ích gián tiếp và lâu dài. Đó cũng là điều dễ hiểu, nhất là ở những nước nghèo.
Tuy nhiên, câu chuyện hãng IBM từng trả lương cao suốt cả chục năm cho nhà toán học Mandelbrot mà không hề hối thúc, đòi hỏi kết quả gì cụ thể, cho đến ngày ông này phát minh ra lý thuyết fractal có những ứng dụng to lớn bất ngờ - cũng đáng cho ta suy ngẫm về hiệu quả quản lý hoạt động khoa học khi nhà quản lý có bản lĩnh và tầm nhìn xa.
Một trong những kinh nghiệm bình thường nhất là chuyện trả lương và cấp kinh phí cho các nhà khoa học nghiên cứu.
Có thể nói không ở đâu có chính sách lạ kỳ như trên đất nước ta: trả lương thấp phi lý, rồi bù vào sự thiếu hụt đó cho phép nhà khoa học được hưởng một phần đáng kể, thậm chí toàn bộ kinh phí cấp cho đề tài nghiên cứu !
Cái gốc đâu ở chuyện xét duyệt, nghiệm thu
Nhưng, vì thu nhập qua đề tài có thể gấp nhiều lần tiền lương, gây ra nhiều sự lợi dụng, tiêu cực trong việc phân phối kinh phí, xét duyệt, nghiệm thu các đề tài, rốt cuộc không khuyến khích các tài năng trẻ mà nặng về ưu ái các “cây đa cây đề”, nói chính xác hơn là các quan chức khoa học (đánh số nhà trong thành phố, biên soạn lịch sử chính phủ bằng hình ảnh, v.v... cũng là đề tài khoa học, thậm chí cấp Nhà Nước !!!). Đó cũng là lý do giải thích tại sao từ dăm năm nay tiền ngân sách đầu tư cho khoa học tăng liên tục mà kết quả nghiên cứu không tăng tương xứng.
>>Thưa Bộ trưởng, khoa học đang đi về đâu? >>Quản lý khoa học công nghệ: Rất cần cải tổ! >>Hiến kế "đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực" |
Cái gốc vấn đề đâu ở cách xét chọn, đấu thầu như thế nào để đạt được yêu cầu “chọn mặt gửi vàng” mà cần xét xem ngay cái việc chọn 95 đề tài KHCN cấp Nhà Nước để đưa ra đấu thầu có gì còn chưa ổn, và liệu việc đưa ra đấu thầu vài chục nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia theo đề án Bộ KHCN dự định trình Chính Phủ phải chăng là chính sách thích hợp để thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển trong tình hình hiện nay ?
Các quan chức Bộ KHCN khẳng định các nước tiên tiến đều làm như ta. Theo tôi, hoàn toàn không phải thế.
Ngày nay nghiên cứu khoa học ở cấp quốc gia, họ chỉ xác định một số hướng khoa học ưu tiên để tập trung đầu tư xây dựng những trung tâm nghiên cứu về các hướng đó, còn trong mỗi lĩnh vực (trừ vài lĩnh vực dính đến quốc phòng, an ninh), họ để cho các chuyên gia tự chọn lấy những đề tài cụ thể cần nghiên cứu. Những đề tài nào cần được cấp kinh phí nghiên cứu thì làm đề án gửi lên cơ quan quản lý quỹ hỗ trợ, ở đây họ tổ chức lấy ý kiến thẩm định của các chuyên gia cùng lĩnh vực (peers) đối với từng đề án, và dựa trên kết quả thẩm định đó mà các đề tài được xét cấp kinh phí hay không.
Như vậy Nhà Nước không áp đặt, không chọn thay cho chuyên gia các đề tài nghiên cứu, mà chỉ kiểm tra kết quả thực hiện từng đề tài, dựa theo đó điều chỉnh sự đầu tư nhằm tác động tích cực đến hoạt động nghiên cứu.
Nghiên cứu để cải thiện đời sống!?
Quy tắc quản lý tài chính của các đề tài rất rành mạch: chỉ các đề tài nghiên cứu do các doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu của họ mới có thể có thù lao, hay thưởng công cho người nghiên cứu, còn các đề tài khác thì kinh phí thường chỉ được phép dùng để chi cho các nhu cầu về phương tiện nghiên cứu (mua sắm thiết bị, vật liệu, phần mềm, tham gia các hội nghị học thuật, mời nhà khoa học ở nơi khác đến để hợp tác nghiên cứu, v.v..), chứ không có phần “trả công” để tăng thu nhập cá nhân cho người nghiên cứu. Hơn nữa, vì việc quản lý tài chính phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt mà các nhà khoa học đều không thạo (mà cũng chẳng cần mất thì giờ để học), nên bao giờ cũng có thư ký giúp họ quản lý. Không có chuyện nhà khoa học phải lo chạy xin từng chứng từ để thanh toán khoản này khoản nọ như chúng ta đòi hỏi, mặc dù việc quản lý tài chính của họ cũng chẳng đơn giản gì hơn ta.
Ước mong chính đáng của nhà khoa học là được làm việc như khắp mọi nơi trên thế giới văn minh, có điều kiện và môi trường thuận lợi để tập trung tâm trí làm khoa học một cách trung thực, hết lòng với khoa học, với đất nước theo sở trường của mình, (Ảnh minh họa) |
Xây dựng một nhà máy, làm một con đường cao tốc, v.v..., là những việc mà công nghệ cơ bản đã được bíết, chỉ có chất lượng tốt hay xấu và giá thành đắt hay rẻ tùy theo phương án, cho nên có thể đấu thầu để lựa chọn phương án tốt nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất.
Điều đó hoàn toàn hợp lý và là cách làm phổ biến trong kinh tế.
Còn nghiên cứu khoa học là tìm cái mới, dò dẫm, tìm cái chưa biết, phát triển tri thức để giải quyết một vấn đề chưa có giải pháp sẵn, quá trình tìm tòi, sáng tạo ấy không thể bảo đảm chắc chắn 100% vì thường có những yếu tố bất ngờ, định tìm cái này lại ra cái khác, nếu buộc nhà khoa học phải hứa hẹn kết quả thì hoặc họ hứa vong mạng hoặc họ hứa chung chung, không ích lợi gì.
Vì đặc điểm đó, ở các nước tiên tiến, khi nhà khoa học xin tài trợ cho một đề tài do chính họ đề xuất, họ cũng không cần phải hứa hẹn kết quả này nọ, mà chỉ phải giải trình rõ nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng và tính khả thi của đề tài. Huống hồ đối với một đề tài định sẵn thì càng không thể đánh giá chất lượng hồ sơ dựa theo các kết quả hứa hẹn hay dự kiến để “chọn mặt gửi vàng”.
Cho nên, trong quản lý khoa học người ta không đấu thầu để giao kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu định sẵn. Đối với những đề tài có tính cấp thiết quốc gia (như liên quan an ninh, quốc phòng) thì phải giao việc nghiên cứu cho những chuyên gia hay tổ chức mà năng lực thực tế có thể tin cậy được, hoặc treo giải thưởng cho thành tích nghiên cứu xuất sắc về đề tài đó nếu có thể công khai được.
Khuyến khích nhà khoa học thành nhà thầu?
Một vấn đề quan trọng khác là các tiêu chí đánh giá các hồ sơ dự thầu. Cách chấm các hồ sơ như đã công bố (cho điểm từng mặt theo một hệ thống tiêu chí khá chi tiết) cũng na ná như cách chấm điểm để xét chọn GS, PGS, tưởng là chặt chẽ nhưng thật ra khó tin có thể đảm bảo chính xác.
Ở các nước, khi xét các hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu người ta căn cứ vào sự thẩm định của những chuyên gia giỏi trong cùng ngành, ở trong nước hoặc trên quốc tế (peer review), và phải dành đủ thời gian cho các chuyên gia này xem xét kỹ từng hồ sơ.
Cách làm đó chưa hẳn hoàn toàn tốt, song dù sao cũng bảo đảm hơn là đưa ra xét chọn trong một hội đồng mà nhiều thành viên không phải là chuyên gia thật sự am hiểu và không loại trừ có thể có quan hệ đặc biệt với một số tác giả hồ sơ.
Tiếc thay, đây là cách làm phổ biến ở nước ta, từ việc đánh giá luận án tiến sĩ, xét duyệt GS, PGS đến hàng loạt hội đồng đánh giá khác, hầu như ở đâu cũng có bóng dáng - xa hay gần - của văn hóa “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Đó là giả thiết việc đấu thầu diễn ra đàng hoàng, trong sạch, không có chuyện “đi cổng sau”, hay “cảm tình riêng”. Trong tình hình của ta ở giai đoạn này, khi mà ngay cả tòa án, thanh tra, công an, cũng không hoàn toàn miễn dịch với tham nhũng, lối quản lý tập trung bao hàm cơ chế xin-cho, dù ở dạng nào, cũng tiềm ẩn những yếu tố thử thách không dễ vượt qua đối với tính trung thực của nhà khoa học (dự thầu) lẫn cơ quan quản lý (chấm thầu).
Ta đã có quá nhiều bài học, và theo kinh nghiệm, tôi thiết nghĩ tránh sự cám dỗ vẫn an toàn hơn là đương đầu với nó.
Tóm lại, ước mong chính đáng của nhà khoa học là được làm việc như khắp mọi nơi trên thế giới văn minh: có đồng lương thỏa đáng, bảo đảm mức sống hợp lý, và có điều kiện và môi trường thuận lợi để tập trung tâm trí làm khoa học một cách trung thực, hết lòng với khoa học, với đất nước theo sở trường, sở đắc của mình, chứ không phải chạy theo đấu thầu cho được một đề tài nghiên cứu hay một nhiệm vụ quốc gia để rồi gánh hết trách nhiệm rủi ro quản lý một kinh phí lớn trong lúc mình không thông thạo quản lý tài chính và còn biết bao chuyện cần đầu tư trí óc vào đó hơn.
Cái gương cảnh báo của nhà khoa học Hàn Quốc chạy theo danh vọng (chưa nói tiền tài) mà mất hết tư cách hãy còn đó.
-
Hoàng Tụy
Ý kiến của bạn?