Virus H5N1 hoành hành: Câu chuyện cúm gia cầm (I)
Ở Đông Nam Á, H5N1 là thủ phạm giết gà và giờ đang cướp đi sinh mạng của cả con người. Cuộc đua đang diễn ra nhằm ngăn cúm gia cầm lây lan khắp thế giới...
Cô bé Ngoan được chôn cất đằng sau căn lều của gia đình cách đây hơn một tháng, ở một góc xa xôi thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Nấm mồ của em, giống như bao nấm mồ khác nằm rải rác khắp vùng quê Việt Nam, nằm trên một mô đất cao giữa ao cá và một đồng lúa vàng. Cái chết của bé Ngoan và hơn 60 ca tử vong khác tại Đông Nam Á trong hai năm qua đã làm thế giới lo ngại. Các quốc gia bị ảnh hưởng đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh
Bản đồ cúm gia cầm tại các nước/vùng lãnh thổ châu Á. Màu vàng là những nước có dịch từ tháng 12/2003. Màu đỏ là các nước/vùng có dịch từ tháng 10/2005. |
. Những nước khác đang gửi viện trợ, cố vấn, đồng thời dự trữ thuốc kháng virus và bào chế vắc-xin trong nước. Và các nhà khoa học đang tăng cường nghiên cứu sự truyền nhiễm của cúm gia cầm giữa động vật và con người.
-
50% bệnh nhân cúm gia cầm tử vong
Đối với hầu hết chúng ta, cúm là một căn bệnh khó chịu, xuất hiện hàng năm. Một số người cho rằng một mũi vắc-xin là chẳng còn phải lo lắng gì. Tuy nhiên, mọi việc không phải vậy và mọi người hay đánh giá thấp tác hại của cúm. Virus cúm lây lan dễ dàng qua những giọt dịch nhỏ tới mức khoảng 30-60 triệu người Mỹ nhiễm nó mỗi năm. Khoảng 36.000 người tử vong, chủ yếu là người cao tuổi. Virus cúm đột biến nhanh tới mức không ai có khả năng miễn dịch hoàn toàn và mỗi năm thế giới phải sản xuất một loại vắc-xin mới.
Đó là cúm bình thường. Tuy nhiên, căn bệnh đang cướp đi mạng sống của hàng chục người tại Đông Nam Á không phải là cúm thông thường. Các nạn nhân chủ yếu của chúng là gà - hơn 100 triệu gà đã bị virus giết chết hoặc bị tiêu huỷ. Thực ra gà nhiễm cúm là hiện tượng hoàn toàn bình thường và số loại virus cúm gia cầm nhiều hơn so với virus cúm người. Thế nhưng, Robert Webster thuộc Bệnh viện nhi St.Jude (Mỹ) đã nghiên cứu các virus cúm trong 40 năm qua và chưa bao giờ thấy hiện tượng tương tự như hiện tượng virus cướp đi sinh mạng của bé Ngoan.
Webster cho biết: ''Virus này có lẽ là virus cúm tồi tệ nhất mà chúng tôi đã thấy hoặc nghiên cứu, về mặt lây nhiễm cao''. Virus H5N1 không chỉ làm chết gà trong vòng vài giờ phơi nhiễm mà còn giết một số động vật có vú, từ chuột trong phòng thí nghiệm cho tới hổ, với tỷ lệ cao không kém gì gà. Thỉnh thoảng một số người cũng nhiễm virus này từ gia cầm nhiễm bệnh, chẳng hạn như gà chết trong trang trại của gia đình bé Ngoan vài ngày trước khi em ngã bệnh. Một nửa số ca nhiễm H5N1 đã tử vong!
Trong số những ca tử vong đó, nhiều chuyên gia y tế công cộng đã thoáng thấy những dấu hiệu của một thảm hoạ. Cho tới nay, virus H5N1 vẫn chưa có khả năng tuyệt vời trong việc truyền nhiễm từ gia cầm sang người, chứ chưa nói gì từ người này sang người khác. Webster nói: ''Virus có thể vượt qua bước đầu tiên này song hiện chưa lây lan dễ dàng từ người sang người. Tạ ơn Chúa. Nếu không chúng ta đã gặp rắc rối lớn''. Có lẽ H5N1 sẽ không bao giờ có khả năng lây nhiễm từ người sang người giống các loại cúm ôn hoà hơn. Hoặc có lẽ những nỗ lực diệt trừ virus này - cho tới nay rất rời rạc và thiếu tiền - sẽ thành công. Tuy nhiên, các chuyên gia đang kêu gọi thế giới chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Hiểu biết của con người về khả năng thay đổi và lây nhiễm sang các loài khác của virus cúm đã làm họ tin chắc nếu H5N1 không bùng nổ thành một đại dịch toàn cầu và giết hàng triệu người, một đại dịch khác sẽ xảy ra. Jeremy Farrar thuộc ĐH Oxford, một bác sĩ đã làm công việc chống cúm gia cầm tại Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới TP HCM, nói: ''Đại dịch cúm sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó khi một virus giống như H5N1 đột biến để có thể lây nhiễm từ người này sang người khác. Điều đó chắc chắn xảy ra và khi xảy ra, thế giới sẽ đối mặt với một đại dịch thực sự kinh hoàng''.
-
Rốt cuộc, đại dịch cúm đã xảy ra trước đây
Vào năm 1918, năm cuối cùng của Đại chiến thế giới lần thứ nhất, một thứ gì đó bắt đầu làm binh sĩ gục ngã. Không ai biết chắc cúm Tây Ban Nha xuất hiện khi nào hoặc ở đâu mặc dù họ cho rằng chắc chắn nó không xuất hiện ở Tây Ban Nha. Với tư cách là một nước trung lập, Tây Ban Nha không có cơ quan kiểm duyệt thời chiến và rõ ràng là loại cúm này được ghép nguồn gốc sai lệch từ những thông tin về các đợt dịch tại Tây Ban Nha vào tháng 5/1918. Trên thực tế, lúc đó bệnh đang lây lan ở cả hai phía mặt trận của châu Âu, khiến hầu hết binh sĩ ở các sư đoàn ốm liệt giường trong mùa xuân và đầu mùa hè. Sau đó dường như cúm Tây Ban Nha lắng dịu.
Thế nhưng, vào cuối mùa hè, cúm Tây Ban Nha đã trở lại và lần này sự nguy hiểm của nó là không thể nhầm lẫn. Người nhiễm cúm bị sốt, đau đầu như búa bổ và đau khớp. Nhiều bệnh nhân là thanh niên, nhóm thường coi thường cúm. Khoảng 5% nạn nhân tử vong, một số người tử vong trong hai hoặc ba ngày và khuôn mặt của họ biến thành một màu tím ghê rợn vì họ nghẹt thở tới chết. Các bác sĩ, những người mổ ngực của người chết, vô cùng sợ hãi khi thấy phổi - thường nhẹ và đàn hồi - lại nặng như bọt biển chứa đầy nước, bị tắc nghẽn một loại dịch đỏ như máu.
Sau khi tràn qua những trại lính đông đúc và các con tàu chiến tại châu Âu và Mỹ, cúm Tây Ba Nha lan tới các hải cảng và thành phố công nghiệp. Tại Philadelphia, nhà sử học Alfred Crosby đã phát hiện 12.000 người tử vong do cúm và viêm phổi trong tháng 10/1918 - tức là 759 ca/ngày. Trường học và nhà máy bị đóng cửa, các buổi lễ nhà thời bị huỷ bỏ và các nhà xác thì quá tải.
Tới lúc đó, bệnh dịch đã lây lan tới những nơi xa xôi của hành tinh, từ Nam Thái Bình dương tới Bắc Cực. Theo Jeffery Taubenberger thuộc Viện bệnh lý học quân đội Mỹ tại Maryland, người đang nỗ lực tìm hiểu điều gì đã làm cúm Tây Ban Nha trở thành một kẻ giết người đáng sợ tới vậy, mọi người trên Trái đất hít virus vào phổi và 50% trong số họ bị ốm. Hơn 50 triệu người tử vong, cao gấp 3 lần số binh sử tử trận. Những chuyên gia y tế giỏi nhất thời đó hầu như không thể tin được thủ phạm là cúm.
Đó là cúm song loại cúm đó có một sự khác biệt quan trọng mà giới khoa học mới chỉ bắt đầu hiểu ra. Nằm rải rác khắp bàn của Taubenberger là những khối sáp mờ đục có kích cỡ bằng bao diêm. Được mượn từ một khho lưu trữ bệnh học, những khối sáp đó chứa các mẩu mô tim tím, có kích cỡ bằng chiếc móng tay, được cắt ra từ phổi của các nạn nhân cúm tại những bệnh viện quân y Mỹ cách đây gần 90 năm. Vào giữa những năm 1990, Taubenberger và cộng sự đã phát hiện mô phổi của một nạn nhân đã tử vong rất nhanh vẫn chứa virus. Mô này có thể giữ manh mối di truyền về kẻ giết người. Họ hoàn toàn đúng. Trong năm 1996, mô phổi của một người lính tử vong tháng 9/1918 tại pháo đài Jackson, Nam Carolina, đã mang lại những mẫu gien của virus.
Được thúc đẩy bởi phát hiện của Taubenberger, một nhà bệnh học đã nghỉ hưu tên là Johan Hultin đã tới một ngôi làng hẻo lánh ở Alaska và khai quật một ngôi mộ tập thể. Ngôi mộ này đã bị đóng băng vĩnh viễn và được tạo ra sau khi cúm Tây Ban Nha tràn qua nơi đây vào tháng 11/1918. Mô phổi từ một thi thể nữ giới vẫn còn nguyên vẹn, được bảo quản do khí hậu lạnh. Nhóm của Taubenberger đã từng bước tái tạo lại toàn bộ chuỗi gien của virus cúm Tây Ban Nha.
Cho tới nay, bộ gien này vẫn chưa tiết lộ chính xác điều gì làm cho cúm Tây Ban Nha nguy hiểm tới vậy. Không một gien hoặc một protein đơn nhất nào là thủ phạm rõ ràng. Tuy nhiên, so sánh nó với chuỗi gien của các virus cúm mà gây dịch ôn hoà vào mỗi mùa đông đã khẳng định điều mà từ lâu giới khoa học nghi ngờ: cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm sang người từ một loài động vật nào đó, do vậy khiến nạn nhân ít được miễn dịch với nó. Một lý do bạn thường khỏi cúm sau vài ngày khó chịu là do hệ miễn dịch đã nhìn thấy cúm trước đó và biết cách phản ứng. Loại virus của năm này sẽ không phải là bản sao y hệt của virus năm ngoái bởi virus đột biến không ngừng. Tuy nhiên, trông nó sẽ vẫn tương tự như virus năm ngoái nên cơ thể vẫn có thể kiểm soát virus.
-
Nguồn gốc của cúm và nguy cơ các virus cúm kết hợp
Tuy nhiên, một thứ gì đó mới thường xuất hiện từ thế giới động vật - các virus cúm týp A gây bệnh nghiêm trọng nhất ở người. Trong những nghiên cứu lớn vào cuối những năm 1960 và 1979, từ Dải đá ngầm san hô lớn của Australia tới các vùng hồ ở miền Bắc Canada, Robert Webster và đồng nghiệp đã truy nguyên nguồn gốc của cúm. ''Các virus cúm bắt nguồn từ đầu?'', ông hỏi. Và câu trả lời là ''Từ các loài chim hoang dã của thế giới, các loài chim nước''.
Có hàng chục tiểu loại cúm cư ngụ trong ruột chim, phần lớn chúng vô hại với vật chủ hoặc với các sinh vật khác. Tuy nhiên, thỉnh thoảng một tiểu loại cúm lây nhiễm cho gia cầm. Và càng hiếm những trường hợp một loại virus cúm ở chim hoặc một số gien của nó kết hợp với một số ít các loại virus cúm tuýp A mà lây nhiễm sang người.
Thường thì một loại virus cúm giỏi lây nhiễm sang chim không thể tấn công người bởi không được trang bị vũ khí để xâm nhập hoặc sinh trưởng trong tế bào người. Cho tới gần đây, các nhà khoa học vẫn nghĩ rằng các virus cúm gia cầm có thể có được khả năng đó chỉ bằng cách trao đổi gien với nhau. Do chúng mang thông tin di truyền trên 8 mẩu RNA riêng biệt, nên hoàn toàn dễ dàng để các tiểu loại virus cúm khác nhau trao đổi gien nếu chúng tình cờ gặp nhau. Kết quả là virus mới với những khả năng mới ra đời.
Để một virus cúm gia cầm và virus cúm người trộn lẫn với nhau, chúng phải cùng lây nhiễm sang một động vật nào đó. Từ lâu các nhà khoa học đã coi lợn là một ứng cử viên như vậy bởi tế bào của lợn có những phân tử bề mặt cho phép cả hai loại virus xâm nhập vào trong. Một cá thể lợn có thể nhiễm cúm người từ nông dân và một loại virus gia cầm, chẳng hạn từ vịt, trên cùng một trang trại. Hai loại virus này sau đó có thể tái tổ hợp, tạo ra một loại virus mà trong trường hợp tồi tệ nhất có thể lây nhiễm sang tế bào người. Virus mới vẫn mang các gien của virus cúm gia cầm nên hoàn toàn mới đối với hệ miễn dịch của người nhiễm và thường rất nguy hiểm.
Tái tổ hợp giải thích hai đại dịch cúm nhỏ hơn của thế kỷ 20 - năm 1957 và 1968. Ở mỗi đại dịch này, một chủng cúm mới xuất hiện, kết hợp gien từ virus cúm người mà đã gây các đợt dịch ôn hoà trong những năm trước đó với các gien mới từ một virus cúm gia cầm. Các virus mới lây lan khắp thế giới và giết tổng cộng khoảng 2 triệu người.
-
Có lẽ với H5N1 thì lại khác
Tuy nhiên, giờ Taubenberger tin rằng, trong năm 1918 một điều gì đó khác biệt đã xảy ra. Ông nói: ''Chúng tôi nghĩ rằng có thể virus cúm Tây Ban Nha không bắt nguồn từ một loại virus cúm người đã lây lan trước đó''. Tất cả gien của nó cho thấy nó là một virus hoàn toàn ở động vật, và bằng cách nào đó đã lây nhiễm sang người mà không cần sự hỗ trợ của các gien từ một chủng virus cúm người trước đó.
Hình ảnh rõ nét về virus cúm gia cầm H5N1 đang tấn công tế bào được công bố hôm 7/11 |
Giờ H5N1 đang làm điều tương tự. Cho tới nay, khả năng vượt qua rào cản giữa các loài của virus này vẫn còn yếu. Đó là lý do nó chỉ làm tử vong vài chục người, chứ không phải hàng triệu người. Tuy nhiên, cũng giống như hồi năm 1918, các bác sĩ - những người đã chứng kiến tác động của H5N1, lại rất lo lắng.
Các tia X kể chuyện khi Trần Hiền, một bác sĩ tại Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới tại TP HCM, soi chúng trước một hộp đèn. Ở tấm phim đầu tiên, được chụp vào ngày cô gái 18 tuổi được nhập viện do nhiễm cúm gia cầm, một đám mây trắng đục xuất hiện ở đáy lồng ngực. Phổi của cô chứa khá nhiều chất dịch. Trong tấm phim thứ hai được chụp vài ngày sau đó, đám mây đã lan khắp ngực. Bác sỹ Hiền cho biết: ''Tất cả mô phổi đã bị phá huỷ. Tiến trình này vẫn xảy ra mặc dù chúng tôi đã điều trị mọi cách cho bệnh nhân''. Một tuần sau đó, cô gái qua đời.
Mọi việc tiếp diễn như thế đối với bác sĩ Hiền và đồng nghiệp trong suốt tháng 1 khi đợt dịch cúm gia cầm đạt tới đỉnh điểm ở miền Nam. Họ đã biến một khu điều trị gồm 50 giường bệnh mà thường dành cho bệnh nhân sốt rét và sốt xuất huyết thành khu cách ly. Họ cho bệnh nhân thở máy, điều trị cho họ bằng oseltamivir hay Tamiflu - một loại thuốc chống virus đắt tiền mà có thể chống H5N1. Mặc dù các bác sỹ đã làm mọi việc có thể song không thể cứu được tính mạng của cả 9 bệnh nhân. Thực ra, H5N1 không luôn luôn giết người. Một số ca nhiễm thậm chí ôn hoà tới mức không thể phát hiện ra. Tuy nhiên, mọi bệnh viện nơi đã điều trị cho những người nhiễm cúm gia cầm nặng ghi nhận tỷ lệ tử vong rất cao.
-
Minh Sơn (Tổng hợp)
Bài liên quan: